Thứ nhất: Mỗi Con người, mỗi Quốc gia chỉ tồn tại, phát triển khi thúc đẩy và cân bằng giữa “Nội sinh” và “Ngoại nhập”. Từ đây có công thức: Việt Nam nhất định phát triển = Người Việt Tự do, Sáng tạo + Thần đạo Việt Nam mạnh mẽ + Tinh hoa các Quốc gia phát triển nhất. Chỉ có như thế, Đất nước mới “Đàng hoàng hơn, To đẹp hơn, Mạnh mẽ hơn” và Dân tộc mới lại thấy “Thăng Long – Rồng bay lên”.
21 TRIẾT LÝ PHÁT TRIỂN CỦA VIỆT NAM THẾ KỶ 21
Thứ hai: Linh hồn của quốc gia trước hết là ở Triết lý phát triển. Mục tiêu đột phá và Sự nghiệp Việt Nam cần thực hiện bây giờ là xây dựng Hệ thống Triết lý mới nhằm: 1) Chấm dứt xung đột; 2) Kiến tạo Hòa bình; 3) Thúc đẩy phát triển. Đây cũng là cơ sở để xây dựng Triết lý cho một Giáo dục mở từ Mẫu giáo đến Đại học, trên nền tảng một Chính thể mở, một Văn hóa mở.
Thứ ba: Như Quy luật Âm & Dương, mọi sự vật đều có tác động tương hỗ. Từ đó: 1) Trong nước: Thực hiện đồng bộ CM Công nghiệp và CM Văn hóa 4.0, với Cách mạng Văn hóa 4.0 đi trước; 2) Ngoài nước: Thắt chặt quan hệ Hữu nghị đặc biệt với các nước láng giềng (như Trung Quốc), để Ổn định; Đồng thời thúc đẩy quan hệ Đồng minh với các nước tiên tiến nhất (như Hoa Kỳ), để Phát triển.
Thứ 4: Từ truyền thuyết và lịch sử thời Lạc Long Quân xưa, Việt Nam đã là một quốc gia có khát vọng tiến ra biển. Giờ đây chỉ lo Kinh tế biển là không đủ, đã đến lúc Việt Nam phải nhanh chóng trở thành một Quốc gia biển; Đây là nguồn động lực mới thúc đẩy vừa giữ gìn Độc lập, Chủ quyền, vừa bứt phá phát triển, góp phần thúc đẩy Hội nhập, thông qua xây dựng khối Đồng minh chiến lược.
Thứ 5: Hồ Chí Minh là một vị Thánh. Để Việt Nam sớm trở thành cường quốc, có ba lời dặn của Ngài cần sớm hiểu đúng và làm theo: Thứ nhất, Đất nước và Con người phải “Đàng hoàng hơn”; Thứ hai, phải “Góp phần xứng đáng vào sự nghiệp Cách mạng Thế giới”; Thứ ba, phải có Xuất phát điểm, Nền tảng và Động lực là “Trăm điều phải có Thần linh pháp quyền”.
Thứ 6: Quốc gia nào cũng cần Lãnh đạo có ba tiêu chí: 1) Là “Người con của Trời”, tức biết tôn trọng Đạo Lý, “Thần linh pháp quyền”, biết làm “Đày tớ của Dân”; 2) Có khát vọng và khả năng làm việc với các Tinh hoa, để đưa đất nước Độc lập – Tự do – Hạnh phúc; 3) Biết tăng tốc Học tập và Thay đổi, để là “Tàu phá băng” mở đường cho các tầu khác vượt biển băng và tự đến bờ bến mới.
Thứ 7: Việt Nam nhất định sẽ là Quốc gia phát triển nhờ ba nguồn động lực mới, đến từ: 1) Kết nối 5 Giới tinh hoa mới, 5 Tầng lớp xã hội mới; 2) Truyền thống Độc lập và Hội nhập của Dân tộc; 3) Sự xuất hiện Cách mạng Xã hội 4.0 với cốt lõi là Cách mạng Văn hóa 4.0 và Cách mạng Công nghiệp 4.0.
Thứ 8: Luật Trời thái quá thì bất cập. Để Kiến tạo và Kiểm soát Quyền lực, cần “Tập quyền cho Trung ương” để tăng sức mạnh Nhà nước và “Phân quyền cho Địa phương” để thúc đẩy xã hội Sáng tạo. Chuyển đổi mô hình “Hai cấp Hành chính – Kinh tế” sang “Ba cấp Hành chính – Kinh tế”. Như thế, Trung ương giảm đầu mối quản lý và phát huy lợi thế vượt trội của các Vùng Hành chính – Kinh tế.
Thứ 9: Thiện chỉ thắng được Ác, Mới chỉ thắng được Cũ khi tạo lập nên sức mạnh tổng hợp. Chỉ có người Dân và Nhà nước sẽ khó đưa đất nước trở thành một Quốc gia phát triển, một khi thiếu vắng một Xã hội Dân sự tiên tiến. Vì thế, trong thế kỷ 21, việc xây dựng các Cộng đồng Dân sự tiến bộ càng là điều không thể thiếu và có vai trò hết sức quan trọng để thúc đẩy quốc gia tiến bộ.
Thứ 10: Dân tộc Việt Nam luôn có chí khí Đoàn kết và Hội nhập. Giờ đây, Việt Nam phải gấp rút thay thế lối Nghĩ và Làm theo kiểu “Hoặc”, tức Nhị nguyên ví như Đúng/Sai, bằng cách Nghĩ và Làm theo kiểu “Và”, tức Nhất nguyên ví như Kết nối. Đây là tiền đề để Quốc gia và mỗi người Việt có cuộc sống Hạnh phúc với Giá trị sống và Tiêu chí sống ở Thế kỷ 21.
Thứ 11: Muốn tồn tại, Con người phải thuận với Tự nhiên; Muốn phát triển, Quốc gia phải thuận với Thế giới. Để Việt Nam tránh được “Bẫy thu nhập trung bình” phải gấp rút thực hiện Cách mạng Xã hội 4.0, tức Toàn cầu hóa 4.0; Trước hết là Hội nhập Lãnh đạo; Phải “Thế giới hóa” Lãnh đạo, “Quốc gia hóa” Lãnh đạo, thay vì “Vùng miền hóa”, “Địa phương hóa” Lãnh đạo.
Thứ 12: Khát vọng muôn thuở của Nhân loại và Thế giới là Độc lập, Tự do, Hạnh phúc. Mục tiêu của mỗi cá nhân không thể chỉ là tranh đoạt vật chất; Mục tiêu của mỗi quốc gia không thể chỉ là tham vọng kinh tế. Việt Nam giờ đây cần thay thế Văn hóa hưởng thụ Vật chất và Kinh tế Tiêu dùng bằng Văn hóa Cống hiến, Sáng tạo và Kinh tế Sản xuất.
Thứ 13: Việt Nam sẽ hùng cường khi có đường lối phù hợp với xu thế phát triển của Thế giới. Vì thế, cần nhận thức rõ tư tưởng Hồ Chí Minh có cốt lõi là Bình đẳng, Hội nhập, Sáng tạo, được xây dựng trên cơ sở Khoa học, Nhân văn và Minh triết; Tài sản vô giá này hoàn toàn không đến bằng “Sao chép” hay “Áp dụng sáng tạo” bất kỳ một tư tưởng hay một học thuyết nào khác.
Thứ 14: Ở mỗi thời đại, mỗi nước đều có các công trình Văn hóa cấp Quốc gia để quy tụ Niềm tin Dân tộc. Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội, Di sản Văn hóa Thế giới, là tiêu biểu cho nền Độc lập trước thời Pháp thuộc. Nay, tại nơi đây cần sớm xây dựng một Di sản Văn hóa Thế giới mới, tiêu biểu cho Việt Nam trong Thời đại mới gắn với Niềm tin mới.
Thứ 15: Quốc gia là một phần của Thế giới; Dân tộc là một phần của Nhân loại; Tất cả đều là một và như vòng xoáy ốc không mối nối, tùy Duyên mà Khởi. Triết lý này được Chủ tịch Hồ Chí Minh phát huy và mang lại kỳ tích Việt Nam Độc lập; Người tạo lập Niềm tin và Sức mạnh mới nhờ kết nối Vật chất và Tinh thần, kết nối Thế tục với Tâm linh, ví như: “Dân tộc và Thế giới”; “Độc lập và Đồng minh”,…
Thứ 16: Quốc gia nào cũng phải Thay đổi, nếu không muốn tụt hậu và phải nhận “Trợ giúp từ thiện” của Nhân loại. Từ Thời đại Đấu tranh & Độc lập, Thế giới đã sang Thời đại mới – Thời đại Hội nhập & Sáng tạo. Từ Giai đoạn “Nhà nước Dẫn dắt, Nhà nước và Nhân dân cùng Làm”, Việt Nam đã sang Giai đoạn mới – Giai đoạn “Nhà nước và Nhân dân cùng Dẫn dắt, cùng Hành động”.
Thứ 17: Người được tôn trọng là người “Tiên phong” vì tiến bộ; Quốc gia được tôn trọng là Quốc gia “Chiếm giữ đỉnh cao” trong phát triển. Việt Nam cần “Chiếm giữ và cùng chiếm giữ đỉnh cao phát triển” bằng Quốc tế hóa; ví như “Nhượng quyền có thời hạn” các Đặc khu, biển, đảo cho các cường quốc phát triển nhất, thay vì “Chia lô, bán nền”, đã mất vị thế lại chẳng thu được gì.
Thứ 18: Quốc gia ví như con người, ốm thì đầu nóng, chân lạnh, gọi là “Trên nóng, dưới lạnh”; Khỏe thì trên trán mát, toàn thân ấm áp. Chính thể cần luôn “Lạnh”, tức phải luôn có Đường lối mới, tỉnh táo, sáng suốt, Xã hội cần luôn “Nóng”, tức luôn có Niềm tin mới, Văn hóa mới, Nhiệt tình mới. Tất cả thành một khối “Trên lạnh, dưới nóng”, cùng hết sức Sáng tạo, Bảo vệ và Xây dựng đất nước.
Thứ 19: Lẽ Tự nhiên là cái Mới luôn nảy sinh và thay thế cái Cũ. Thế kỷ 20 là “Thế kỷ của Chủ nghĩa” – Thế kỷ Nghĩ, Nói và Làm theo kiểu “Về nhau” và “Vì nhau”, để qua cách tập quyền thúc đẩy xã hội. Thế kỷ 21 là “Thế kỷ của Triết lý” – Thế kỷ Nghĩ, Nói và Làm theo kiểu “Với nhau”, được mỗi cá nhân, tổ chức, Quốc gia tạo lập, nhằm có cơ hội cùng Dẫn dắt, cùng Phát triển.
Thứ 20: Để tiến về phía trước, rất cần nhìn lại phía sau để biết ta từng là ai và điều gì đã làm nên ta. Châu Phi có biểu tượng chim Sankofa vừa bay, vừa ngoái lại nhặt hạt ngọc, như nhắn nhủ: “Quá khứ” hiện hữu cùng “Hiện tại” và “Tương lai”. Chắc chắn sẽ lỡ chuyến tàu “Hướng đến Tương lai”, một khi “Gác lại” việc đến nhà ga khởi hành có tên là “Trân trọng Quá khứ”.
Thứ 21: Đặc trưng tiêu biểu của mỗi Quốc gia phát triển là Văn hóa coi Tổ quốc và Cộng đồng trên hết. Ví như “Văn hóa chia ba” của người Maya huyền thoại. Đó là kết quả lao động được cá nhân tự giác chia ba: Một cho gia đình; Một cho con của Thần Mặt trời, tức nhà vua; Một cho người yếu thế trong xã hội. Mỗi Con người, mỗi Quốc gia muốn phát triển trước hết, phải nỗ lực để có điều văn minh này.