NĂM BÀI VIẾT NHÂN NGÀY 30/4 VÀ 19/5/2019. Bài số 4: Xã hội cần Đổi mới Chính trị bắt đầu từ “Trăm điều phải có thần linh Pháp quyền”

XÃ HỘI CẦN ĐỔI MỚI CHÍNH TRỊ BẮT ĐẦU TỪ “TRĂM ĐIỀU PHẢI CÓ THẦN LINH PHÁP QUYỀN”

I) NHU CẦU CẤP BÁCH ĐÒI HỎI CẦN CÓ MỘT HỆ THỐNG TRIẾT LÝ MỚI ĐỂ VIỆT NAM ĐỔI MỚI THỰC SỰ

Nếu như các bản kinh chính của Đạo Phật như Hoa nghiêm, Đại thừa được các đại đệ tử của Đức Phật viết sau khi Ngài hóa chừng 100 năm, thì Kinh Phúc Âm, nền tảng của Thiên chúa giáo cũng được các đại đệ tử của Chúa Jêxu viết ra chừng 70 năm sau khi Người mất, càng thấy đã đến lúc phải có một cách nhìn xác tín về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bởi những nhân vật vĩ đại như Đức Phật, như Jêxu, như Bác Hồ cả cuộc đời đều lo “Nói” những điều sâu xa một cách đơn giản để mọi người được hiểu, lo “Làm” những gì cho lý tưởng cao đẹp biến thành sự thực.  

Đây là nội dung những dòng đầu tiên bản Tham luận được Viện trưởng Viện Nghiên cứu – Think Tank SENA đọc tại Hội thảo “Những vấn đề cốt yếu trong tư tưởng Hồ Chí Minh về Chủ thuyết phát triển” do Hội đồng Lý luận TW tổ chức ngày 20/3/2009 tại Hà Nội. Tham luận cho rằng, đã đến lúc cần làm rõ Hệ thống Triết lý Hồ Chí Minh để tạo nguồn động lực mới đưa Việt Nam Hội nhập và Phát triển. Điều này cần thiết, nhất là trong bối cảnh hình ảnh của Lãnh tụ Hồ Chí Minh, do nhiều nguyên nhân khác nhau, vẫn bị bao phủ bởi quá nhiều thiên kiến.

Mười năm sau Hội thảo trên, ngày 8/3/2019, trang web “Think Tank Việt Nam” ra đời; Mở đầu là 21 TRIẾT LÝ PHÁT TRIỂN CỦA VIỆT NAM THẾ KỶ 21. Trong đó Triết lý thứ 5 có nội dung:“Hồ Chí Minh là một vị Thánh. Để Việt Nam sớm trở thành cường quốc, có ba lời dặn của Người cần sớm được hiểu đúng và làm theo: Thứ nhất: Đất nước và Con người phải “Đàng hoàng hơn”; Thứ hai: Phải “Góp phần xứng đáng vào sự nghiệp Cách mạng Thế giới”; Thứ ba: Phải có Định hướng, Nền tảng và Động lực là “Trăm điều phải có Thần linh pháp quyền”.

Nghịch lý là càng tuyên truyền, càng học tập tư tưởng Hồ Chí Minh, thì Việt Nam càng xa rời tư tưởng của Người. Nguyên nhân là do cố giữ thiên kiến, cho rằng tư tưởng Hồ Chí Minh chỉ là việc “Áp dụng sáng tạo” một tư tưởng ngoại nhập có từ Chủ nghĩa Duy vật và Vô thần. Vì thế, ba lời dặn trên của Lãnh tụ Hồ Chí Minh nay vẫn chưa được nhận thức đúng mức, ví như rất ít người Việt Nam được biết về lời dặn quan trọng của Người: “Trăm điều phải có Thần linh pháp quyền”, cho dù đây là Định hướng, Nền tảng và Động lực của tư tưởng Hồ Chí Minh.

Đây là một trong các nguyên nhân hàng đầu làm Việt Nam dù có 44 năm thống nhất với đầy đủ các điều kiện để trở thành cường quốc, thế nhưng đến nay kinh tế thì đang mắc bẫy “Thu nhập trung bình”; Văn hóa, đạo đức, giáo dục thì xuống cấp; Môi trường thiên nhiên thì ô nhiễm trầm trọng. Nguy hiểm hơn là xã hội, nhất là lớp trẻ thiếu Niềm tin, có lối sống “Duy vật”, tức quá coi trọng Vật chất và Bạo lực.

Tình hình này dẫn đến nhu cầu ngày càng mạnh mẽ và cấp bách đòi hỏi để thực sự Đổi mới Chính trị, Đổi mới Thể chế, nhằm có một Văn hóa mới, một Chính thể mới, đưa đất nước sớm thoát khỏi tình trạng tụt hậu và trở thành một Quốc gia Văn hóa và Hùng cường.

Ảnh: Bác Hồ câu cá trên suối ở Việt Bắc sau khi về nước năm 1941.

Nhiều người kể, ngày 19/5/1946 Cao ủy Đông Dương, Đô đốc d’Argenlieu đến thăm Hà Nội. Là một chính khách thực dân “diều hâu”, ông này không được người Việt cảm tình. Để tránh căng thẳng và có thời gian chuẩn bị kháng chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói 19/5 là ngày sinh nhật của mình để thành phố có cờ quạt đón khách. Từ đây, ngày 19/5 được xem là ngày sinh của Người. Đó là lời kể, còn sử ghi rõ, ngày 19/5/1941, dưới sự chủ trì của Lãnh tụ Hồ Chí Minh, Hội nghị TW 8 Đảng Cộng sản Đông dương họp tại Pác Bó (Cao Bằng) quyết định thành lập Việt Nam Độc lập Đồng minh, một tổ chức Xã hội Dân sự tiên tiến.

Triết lý của “Việt Nam Độc lập Đồng Minh” là trong nước Đoàn kết Dân tộc giành Độc lập, ngoài nước Đoàn kết Quốc tế chống phát xít, cụ thể là Đoàn kết/Hội nhập với Đồng minh (Thế chiến 2, phe Đồng minh có hơn 50 nước). Chủ tịch Hồ Chí Minh viết “Diễn ca Mười chính sách của Việt Minh”, trong có đoạn: “Rồi ra sự nghiệp hoàn thành/ Rõ tên Nam Việt, rạng danh Lạc Hồng/ Khuyên ai nên nhớ chữ Đồng/ Đồng tình, Đồng sức, Đồng lòng, Đồng minh”. Điều này vẫn nguyên giá trị trong thế kỷ 21, và dĩ nhiên, hết sức khác biệt với Học thuyết Đấu tranh giai cấp được xây dựng trên cơ sở Duy vật và Vô thần thịnh hành trong thế kỷ 20.

Ảnh: Bác Hồ nói chuyện với các chiến sĩ sư đoàn 308 tại Đền Giếng, thuộc Khu di tích Đền Hùng, trước khi về tiếp quản Thủ đô năm 1954. Tại đây Người nói: “Các vua Hùng đã có công dựng nước. Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.

Ảnh: Bản sao bức trướng Bác Hồ phong sắc cho Thành hoàng làng Pò Háng – Đình Lập được nhân dân ở đây trân trọng gìn giữ. Bản chính bức trướng này được trưng bày ở Bảo tàng.

Việc không nhận thức rõ về nền tảng của tư tưởng Hồ Chí Minh là “Trăm điều phải có Thần linh pháp quyền”, dẫn đến việc dễ bị lệ thuộc bởi các quan điểm Phân biệt và Cực đoan như Duy vật và Vô thần. Đây là nguyên nhân của việc Thần đạo Việt Nam chưa được trân trọng đúng mức, thậm chí bị coi là mê tín, trong khi đây là hệ thống tín ngưỡng để trong nhà thì thờ và tuân theo lời dạy tốt đẹp của ông, bà, tiền nhân, dòng tộc, ngoài nhà thì thờ Thần Thành hoàng làng, rộng hơn thì thờ các vị anh hùng có công lập nước và giữ nước.

Ảnh: Đại hội toàn quốc thống nhất Việt Minh – Liên Việt năm 1951.

Vì sao Việt Minh ra đời, trong khi tháng 3/1938 đã có Mặt trận Thống nhất Dân chủ Đông Dương? Lời đáp có ở “Hồi ký Hoàng Quốc Việt”, trong đó Chủ tịch Hồ Chí Minh giải thích: “Lúc này, chúng ta phải mở rộng khối Đoàn kết, phải tìm bạn Đồng minh cần thiết …”. Sẽ rõ hơn nếu nhớ phong trào “Cộng sản” ở Việt Nam thời đó không gắn với khát vọng “Độc lập” của Dân tộc, mà gắn với lý tưởng “Giai cấp công nhân và vô sản toàn thế giới”, đã thế phong trào này luôn và vừa thất bại, vì thế người dân cần Niềm tin mới, Chính thể mới, Con người mới.

Vì Đồng minh Xã hội Dân sự /Xã hội Công dân, vừa là tiền đề không thể thiếu, vừa là động lực cho một Việt Nam Độc lập và một Việt Nam Phát triển, cũng như vì Độc lập và Đồng minh là hai mặt của một vấn đề, cho nên đã lấy ngày 2/9 m ngày Độc lập, thì cũng cần lấy ngày 19/5 hàng năm làm ngày Đồng minh và Xã hội Công dân Việt Nam.

II) NẾU ĐỔI MỚI LÀ TẠO RA SẢN PHẨM MỚI, QUYỀN LỰC MỚI, VỊ THẾ MỚI, THÌ TỪ 1986 ĐẾN NAY, VIỆT NAM CHƯA THỰC SỰ ĐỔI MỚI CHÍNH TRỊ VÀ ĐỔI MỚI KINH TẾ

Nhiều báo trong tháng 4/2019 đã đồng loạt trích đăng nhận định của Báo cáo Chính trị Đại hội XII năm 2016: “Đổi mới Chính trị chưa đồng bộ với Đổi mới Kinh tế; Năng lực và hiệu quả hoạt động của Hệ thống Chính trị chưa ngang tầm nhiệm vụ”. Đây là một trong muôn vàn biểu hiện trong thực tiễn cho thấy, đòi hỏi Đổi mới Chính trị, Đổi mới Kinh tế đang ngày càng trở nên mạnh mẽ và cấp bách.

Từ đây, nếu quan niệm Đổi mới Kinh tế và Đổi mới Chính trị thực chất đều là hai mặt của vấn đề Phát triển, sẽ thấy qua nhận định của Báo cáo Chính trị Đại hội XII, việc Đổi mới Chính trị và Đổi mới Kinh tế ở Việt Nam hiện nay chưa tới ngưỡngChính xác hơn, Việt Nam mới đang dò dẫm tiến hành các hoạt động mang tính ứng phó nhằm “Giữ nguyên hiện trạng”, chứ hoàn toàn chưa có Đổi mới Chính trị và Đổi mới Kinh tế thực sự, kể cả trong tâm tưởng.

Thực tiễn chứng minh điều này vì từ Nghị quyết Hội nghị TW 5, Đại hội Đảng XII năm 1991 đã viết: “Kinh tế tư nhân là động lực quan trọng của nền kinh tế”. Hiện Chính phủ đang tích cực xây dựng “Chính phủ Kiến tạo và Liêm chính”. Thủ tướng thì quyết liệt chỉ đạo các bộ ngành, địa phương xóa bỏ rào cản mở đường cho doanh nghiệp phát triển; Thế nhưng, đến nay, khoảng cách giữa Quan điểm với Thực tế, giữa Quyết tâm với Hiện thực đang ngày một xa.

Ảnh: Tắc đường, một hình ảnh tuy quen thuộc, song khó để “thân thương” ở Việt Nam.

Có thể lấy bức ảnh này để minh họa thực trạng rối bời của kinh tế Việt Nam hiện nay, trong đó Nhà nước giống như anh Công an đang đứng một mình để cố gắng phân luồng ở phía cuối xe bus. Từ đây thấy, về mặt điều kiện thì Việt Nam hơn hẳn trước, vì nay có đủ xe máy, ô tô, xe điện ngầm, tầu điện trên cao, rồi cầu vượt, đường cao tốc,… Thế nhưng, về mặt hiệu quả chung lại không lạc quan như vậy, đã xuất hiện những bất cập trước đây chưa từng có, và ngày càng gia tăng, từ không khí bị ô nhiễm cao do bụi bẩn, đến tắc đường, úng, ngập,…

Hơn 30 năm trước, khi Đổi mới và Mở cửa, GDP bình quân đầu người của Việt Nam là 100 USD, của thế giới là hơn 4.000 USD. Đến nay, khi GDP bình quân đầu người Việt Nam là 2.500 USD thì GDP của thế giới đã vượt mức 10.000 USD. Việt Nam tự hào về tăng trưởng nhanh, bình quân 7% trong hơn 20 năm. Thế nhưng, đọc kỹ các số liệu trên lại thấy một điều khó vui, đó là hơn 30 năm trước, khoảng cách giữa GDP thế giới và GDP Việt Nam là 3.900 USD, đến nay khoảng cách này là hơn 7.500 USD, tức là gần gấp đôi. Từ đây thấy phải thay đổi cách nhìn từ chi tiết sang tổng thể, ví như trước đây chỉ xem nguyên nhân ách tắc giao thông chỉ là do “Đường” và “Ý thức người tham gia giao thông”, thì nay sẽ thấy nguyên nhân còn do “Mô hình phát triển đô thị lạc hậu”, bởi một khi còn giữ tư duy kinh tế kiểu chia lô bán nền, còn xây nhà cao tầng thoải mái ở nội đô, thì “đường thông, hè thoáng” sẽ mãi chỉ là ước mơ vô vọng.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ít ngày trước đã thẳng thắn phát biểu tại một Diễn đàn rằng, để Việt Nam tiếp tục duy trì tăng trưởng 30 năm tới tương đương với 30 năm qua là không hề dễ dàng. Điều này có nghĩa, đã đến lúc phải Đổi mới Chính trị, Đổi mới Kinh tế thực sự, tức là sớm Kiến tạo Tầm nhìn xa, rộng, toàn diện, xây dựng Hệ thống Triết lý mới, Mô hình Kinh tế mới, bắt nguồn từ tư tưởng Hổ Chí Minh, để thay thế cho Hệ thống Triết lý và Mô hình Kinh tế cũ hẹp hòi, chia cắt, chỉ biết coi “Phát triển Kinh tế là nhiệm vụ trung tâm”, rồi lấy một chỉ tiêu GDP so với chính mình trước đó để tự hài lòng.

Việc yêu cầu “Đột phá” nhưng phải giữ nguyên “Đường lối cũ”, “Cương lĩnh cũ”, hay quan niệm Đổi mới chỉ là “Kiểm soát quyền lực”, cho thấy đó không phải là Đổi mới Chính trị, mà chỉ là Cải tiến Chính trị, việc này dẫn đến tình trạng khó khắc phục một cách cơ bản tình trạng không công bằng về chính sách với các loại hình doanh nghiệp. Bởi thế, Chủ tịch Phòng Thương mại Việt Nam phát biểu: “40% doanh nghiệp cho biết các tỉnh còn ưu tiên, ưu ái Doanh nghiệp Nhà nước và FDI hơn  Doanh nghiệp tư nhân”. Vì thế, doanh nghiệp quy mô lớn ở Việt Nam chỉ chiếm tỷ lệ 1,9%; doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ chiếm tới 98,1%.

Vì Chính trị và Thể chế là hai mặt của một vấn đề, và vì Đổi mới Thể chế, trong đó Cải cách Hành chính – Kinh tế sẽ ít hiệu quả, nếu không Đổi mới Chính trị, cho nên Chủ tịch Hồ Chí Minh mới nói: “Dân tộc ta đã bước sang một Giai đoạn mới, tất nhiên phải có một Chính thể mới và một Văn hóa mới”, trong đó Chính thể là Chính trị và Thể chế. Đã rõ là giờ đây phải Đổi mới Chính trị và Đổi mới Kinh tế. Theo đó, Đổi mới Chính trị phải đi trước một bước, làm cơ sở cho Đổi mới Thể chế, nhất là Cải cách Hành chính – Kinh tế. Vì Đổi mới là sự nghiệp của Dân tộc, không phải chỉ của bộ máy Lãnh đạo, cho nên các vấn đề cốt lõi như: Thế nào là Đổi mới Chính trị? Thế nào là Đổi mới Kinh tế? cần được làm rõ và đơn giản để mỗi người dân, mỗi cộng đồng xã hội đều có thể nắm bắt và thực hiện.

III) ĐỔI MỚI CHÍNH TRỊ LÀ KIẾN TẠO HỆ THỐNG TRIẾT LÝ MỚI; ĐỔI MỚI THỂ CHẾ LÀ XÂY DỰNG MÔ HÌNH PHÁT TRIỂN MỚI

Không chỉ tụt hậu so với các nước mới phát triển, mà các nước này mới chỉ vài chục năm trước còn là nước đang phát triển, Việt Nam còn tụt hậu ngay cả với những nước nhỏ hơn bên cạnh mình như Lào, Campuchia. Theo số liệu World Bank 2017, GDP bình quân đầu người của Việt Nam đã thua cả Lào, quốc gia đã đầu tư và tiếp nhận đầu tư rất lớn vào cơ sở hạ tầng. Trong khi đó, theo WEF năm 2018, Việt Nam xếp hạng cạnh tranh quốc tế về 4.0 tăng 1 điểm nhưng lại tụt 3 hạng, tức là trong cuộc đua này thì chúng ta có tiến lên nhưng các quốc gia khác tiến nhanh hơn.

Các chỉ tiêu khác của Việt Nam như chỉ tiêu phát triển con người HDI, chỉ tiêu kinh tế tri thức KEI vẫn đứng dưới 100, chỉ số năng lực cạnh tranh nền kinh tế GCI cũng đứng thứ 90. Tóm lại, Việt Nam đang đối diện nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình thấp khó thoát ra được. Đồng quan điểm này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói: “Việt Nam vẫn đứng trước nhiều nguy cơ, trong đó nguy cơ bị bỏ lại và rơi vào bẫy thu nhập trung bình là rất lớn”; Ông cho biết, Việt Nam đã nỗ lực rất nhiều nhưng các kết quả này “Chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển, cũng như chưa tương xứng với tốc độ phát triển mà Việt Nam kỳ vọng”.

Ảnh: Thống kê GDP bình quân đầu người năm 2014 của Việt Nam và một số nước trong khu vực.

Ảnh: Phần lớn người dân Việt Nam sống và làm việc bằng lao động giản đơn trong nông nghiệp. Điều đó góp phần giải thích vì sao năng suất lao động Việt Nam rất thấp. Bàn về hiện trạng, nguyên nhân và giải pháp đưa Việt Nam thoát khỏi tụt hậu, nhiều nhà khoa học và quản lý hàng đầu đã tìm thấy tiếng nói chung trong một Hội thảo gần đây:

Nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan nói về sự lúng túng của Hệ thống Chính trị Việt Nam khi phải xây dựng Hệ thống triết lý mới: “Người Việt Nam thích tranh luận nhưng chỉ luẩn quẩn trong mấy chữ mà đã mất hai ba chục năm. Ví dụ, kinh tế thị trường định hướng XHCN cãi nhau 30 năm chưa kết thúc; rồi doanh nghiệp nhà nước là chủ đạo cũng cãi nhau 30 năm rồi kết quả vẫn thế”. Tiến sĩ Nguyễn Quang Thái, nguyên Viện phó Viện Chiến lược Phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nói: “Việt Nam đã thực sự tụt hậu, và tụt hậu ngày càng xa hơn so với thế giới, chứ không còn nguy cơ gì cả. Kinh tế Việt Nam không chỉ tụt hậu xa hơn, mà trong nhiều chiều cạnh đang đi lạc điệu so với xu hướng chung của thế giới”.

Theo TS. Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các khái niệm như Kinh tế thị trường định hướng XHCN, đất đai thuộc Sở hữu toàn dân, Kinh tế nhà nước là chủ đạo,… đang như “Vòng kim cô” xiết chặt sự phát triển của đất nước. TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho biết, Việt Nam đang bị bỏ lại phía sau trên các bảng xếp hạng toàn cầu trong phần lớn các tiêu chí phát triển.

Quan niệm sơ sài, cho Đổi mới chỉ là “cởi trói” cho Dân và Doanh nghiệp, nay đã tỏ ra lạc hậu, bởi giờ đây để có hiệu quả, không chỉ cần công nghệ và năng lực quản trị, mà còn cần các yếu tố khác như văn hóa. Không đáp ứng được nhu cầu này, Mô hình tăng trưởng Việt Nam trở thành “Xuất khẩu thuê – Gia công hộ”, với giá trị gia tăng rất thấp chỉ 10-20%. Khu vực doanh nghiệp tư nhân là khu vực  mang lại phồn vinh, thịnh vượng ở các quốc gia khác, thì ở Việt Nam dù là “Động lực quan trọng” vẫn bị phân biệt đối xử, bị chèn ép từ ở văn bản đến cuộc sống.

Lối tư duy lạc hậu và mô hình phát triển không phù hợp này làm cho Việt Nam tuy là quốc gia mở cửa thị trường mạnh hàng đầu thế giới, thế nhưng người hưởng lợi đa số lại là doanh nghiệp FDI vì họ chiếm tới hơn 70% giá trị xuất khẩu. Điều này có nghĩa là doanh nghiệp Việt Nam không tận dụng được lợi thế của Mở cửa, không tham gia được vào Chuỗi giá trị toàn cầu.

Ảnh: Tranh vẽ trên các báo mô tả quan điểm của nhiều nhà kinh tế hàng đầu đất nước tại Diễn đàn Tổng kết 30 năm Đổi mới Giai đoạn 1986 – 2015 vừa diễn ra.

Tại Diễn đàn này các nhà kinh tế thống nhất nhận định, không còn là nguy cơ nữa, mà Việt Nam nay đã thực sự tụt hậu, và tụt hậu ngày càng xa so với thế giới; Nguyên nhân chủ yếu là do “Mô hình lạc điệu”. Để thoát khỏi tình trạng này, điều duy nhất phải làm ngay là Đổi mới Chính trị, Đổi mới Thể chế, thực hiện Cải cách Hành chính – Kinh tế.

Nhân ngày 30/4, báo chí Việt Nam đăng lại những phát biểu về cuộc chiến Việt Nam trước năm 1975 của các sĩ quan Mỹ, các phóng viên chiến trường và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ. Những người từng đứng bên kia chiến tuyến đã không bị thiên kiến chi phối khi vừa chấm dứt chiến tranh đã rút ra bài học: “Khi đó, chúng ta không hiểu được rằng đã theo đuổi những điều không tưởng và đã gây ra bi kịch tột cùng cho chính chúng ta cũng như cho các dân tộc ở Đông Dương”; “Chúng ta đã không nhận thức được, chiến thắng không chỉ quyết định bởi công nghệ mà chủ yếu bởi quyết tâm của con người”.

Các phát biểu này có từ lâu song vẫn giá trị khi nhắc chúng ta cần biết học tập và thay đổi nhận thức để đừng theo đuổi những điều không tưởng; Đừng quá chú ý dẫn dắt xã hội bằng các chỉ tiêu kinh tế, bằng CMCN 4.0,…, mà chỉ một số người hiểu, để tập trung hơn nữa cho việc tạo lập Niềm tin mới, Văn hóa mới, Chính thể mới nhằm huy động sức mạnh cả dân tộc vì mục tiêu Dân giàu, Nước mạnh. Một vị tướng Mỹ từng nói: “Đánh nhau bằng vũ khí, chiến thắng bằng Con người”. Giờ đây chúng ta nói: “Hội nhập bằng tất cả, từ Công nghệ, Quản lý đến Tài chính; còn Thịnh vượng và Hùng cường bằng Công dân”.

Muốn thoát khỏi tình trạng này thì các giải pháp không thể chắp vá, ứng phó. Việt Nam cần Kinh tế thị trường đích thực, hiện đại, đầy đủ và hội nhập; Cần tôn trọng các quy luật khách quan; Cần Nhà nước Kiến tạo và Liêm chính; Cần đề cao thúc đẩy phát triển tối đa kinh tế tư nhân; Cần xây dựng xã hội công bằng; Cần sự phát triển hài hòa với vai trò ngày càng tăng lên của Xã hội công dân và Tầng lớp trung lưu qua thực hiện Dân chủ rộng rãi.

Tất cả các đòi hỏi nêu trên chỉ có thể được đáp ứng khi thực sự Đổi mới Chính trị, Đổi mới Thể chế với mục tiêu là có một Chính thể mới và một Văn hóa mới như lời Lãnh tụ Hồ Chí Minh đã dặn từ khi lập nước. Vấn đề là bước đi ban đầu của sự nghiệp Đổi mới này là bắt đầu từ đâu? Đó là bắt đầu từ tư duy “Đức trị”, “Pháp trị” hay “Dương Nho, Âm Pháp” như các triều đại phong kiến thịnh trị từng làm. Lời giải đáp cho câu hỏi này được trình bày ở phần tiếp theo.

IV) ĐỔI MỚI CHÍNH TRỊ, ĐỔI MỚI THỂ CHẾ TRƯỚC HẾT PHẢI TỪ “THẦN LINH PHÁP QUYỀN”, SAU ĐÓ MỚI ĐẾN “TRẦN THẾ PHÁP TRỊ”

Có một thực tế thuyết phục là trong Tầng lớp Tôn giáo, nhất là trong Thiên chúa giáo, Đạo Tin lành, thì kể từ cộng đồng đạo hữu đến các làng, xóm toàn tòng như ở Bùi Chu, Phát Diệm đều rất ít, thậm chí không có các tệ nạn xã hội như nghiện hút, mại dâm, giết người, cướp của,…Trong khi đó những tệ nạn này giờ đây đã thành phổ biến trong xã hội đời thường. Vì sao lại có những sự khác biệt này?

Sẽ tìm thấy lời giải đáp nếu chú ý rằng, những người Công giáo có Niềm tin theo lời Chúa Jêsu kêu gọi “Hãy yêu cả kẻ thù của mình; Hãy làm ơn cho kẻ ghét mình; Hãy cho phước cho kẻ chửi rủa mình và hãy cầu nguyện cho kẻ sỉ nhục mình”. Chúa dạy không tham lam, trộm cắp; Hãy sống trong sạch và hãy cho khi người ta xin. Trong khi đó, chế độ Cộng hòa XHCN kiểu Xô Viết được xây dựng trên Niềm tin “Đấu tranh giai cấp là động lực phát triển xã hội” và phải “Tiêu diệt mọi kẻ thù giai cấp”, với mục tiêu “Rồi bao lợi quyền ắt qua tay mình”.

Một điểm khác biệt nữa là những người Công giáo bình đẳng với nhau và chỉ chịu tội trước Đức Chúa, còn trong chế độ XHCN kiểu Xô Viết, Con người phải chịu trách nhiệm với Cấp trên, với Tổ chức, nói cách khác, phải chịu trách nhiệm trước “Trần thế Pháp trị”. Nhớ rằng, Con người luôn sợ Chúa Trời, vì lưới Trời thưa mà không lọt, hình phạt của Trời đã không sót, lại biến ảo và nghiêm khắc. Với cấp trên, vì cũng là con người, nên người ta sợ tùy lúc, do sẵn quan niệm “Phép vua thua Lệ làng” và “Trên có chính sách; Dưới có các cách”; Còn phải “Tuân lệnh” đã thế, nên một khi đã được “Ra lệnh”, lại yên tâm chẳng ai biết vì đã có dấu “Mật”, tệ nạn sẽ như ngựa hoang tung vó, chẳng có gì ước thúc.

Ảnh: Nhà thờ Phát Diệm ở Ninh Bình, nơi được gọi “Kinh đô Công giáo” Việt Nam. Linh mục Trần Lục, người thiết kế nhà thờ muốn qua công trình này nói lên tính hội nhập, giao thoa giữa Công giáo với Văn hóa và Tôn giáo Việt Nam.

Hồ Chí Minh ca ngợi “Lòng nhân ái cao cả”, sự Khoan dung của Jêxu. Người tự nhận là “học trò nhỏ” của 4 vị Thầy là Khổng Tử, Jêxu, Các Mác, Tôn Dật Tiên và tinh tế khi nhận xét ưu điểm nổi trội của Các Mác chỉ là phép biện chứng, tức tính khoa học, trong khi ai cũng biết Hêghen mới là bậc thầy về môn này. Sẽ thêm hiểu về Hồ Chí Minh khi biết thuộc tính quan trọng nhất của khoa học là sự Trung thực. Thế Đức tính nào ưu việt hơn sự Trung thực? Đó là sự Khoan dung, Trân trọng với những gì Khác biệt. Điều này cũng chắc chắn như Tình thương ưu việt hơn Đấu tranh; Tử tế, Nhường nhịn ưu việt hơn Áp đặt và Tước đoạt.

Điều này thể hiện tầm nhìn vượt thời đại của Lãnh tụ Hồ Chí Minh vì Người đã lường hết cái mạnh, yếu, lợi, hại, nếu chỉ có một Đảng cầm quyền, và Người quyết định chọn Chính thể Dân chủ Cộng hòa. Người chọn như thế là vì khi thiếu “Thần linh Pháp quyền” và chỉ trông đợi “Trần thế Pháp trị”, Con người và Chính thể sẽ rất dễ thoái hóa, nhất là khi nắm trong tay “Quyền lực tuyệt đối” và được quyền hành xử tùy tiện theo lối “Mật”.

Không chỉ Lãnh đạo các cấp dễ thoái hóa, mà ngay những người Dân hiền thuận cũng dễ phản kháng với “Trần thế Pháp trị”, nhất là khi ai đại diện nó không mang lại quyền lợi cho cộng đồng, đã kém phẩm cách, năng lực, lại nhũng nhiễu. Hiếm ai có ý nghĩ phạm thượng ấy với Thần, Phật hay Thánh, Chúa, đơn giản là các vị ấy ở cõi khác, họ đầy quyền năng, song chỉ Nghĩ và Làm những điều tốt đẹp.

Ảnh: Tòa Thánh Tây Ninh, còn gọi “Tòa Thánh đại đạo tam kỳ phổ độ” hay “Tòa Thánh Cao Đài”, là một công trình kiến trúc của một tôn giáo thuần Việt.

Triết lý thứ 5 trong 21 TRIẾT LÝ PHÁT TRIỂN CỦA VIỆT NAM THẾ KỶ 21 mở đầu trang web Think Tank Việt Nam viết “Hồ Chí Minh là một vị Thánh”, ý nói tư tưởng Hồ Chí Minh xa lạ với Chủ nghĩa Duy vật và Chủ nghĩa Vô Thần; Cốt lõi tư tưởng của Người là sự Kết nối Con người với Con người, Con người với Thiên nhiên và Kết nối Con người với Vũ trụ.

Điều chính yếu thứ nhất trong tư tưởng của Người là làm gì cũng phải “Đàng hoàng”, đơn giản bởi mỗi Quốc gia, mỗi Con người sẽ ngày càng lún sâu vào tụt hậu và không bao giờ có cơ phát triển, một khi cố gắng kiên định sở hữu các yếu tố  “Lỗi thời”, “Lạc hậu” và “Thiếu Đàng hoàng”.

Điều chính yếu thứ hai là làm gì cũng phải đi đến Hội nhập với Thế giới, tức “Góp phần xứng đáng vào sự nghiệp Cách mạng Thế giới”, nếu muốn tiến bộ;  

Điều chính yếu thứ ba là làm gì cũng phải xuất phát từ Quyền Con người, tức “Trăm điều phải có Thần linh pháp quyền”.

Ba điều chính yếu của tư tưởng Hồ Chí Minh nêu trên gắn bó chặt chẽ với nhau, tạo nên một chỉnh thể Liên kết và Thống nhất.

Ảnh: Trẻ em trong một buổi lễ tại Nhà thờ. Trong Công giáo, Đạo Tin lành, người ta rất chú trọng giáo dục thế hệ trẻ sự Bình đẳng, Hội nhập, Sáng tạo, cũng như sự Đàng hoàng, Tình thương và sự Trân trọng người khác. Những điều tốt đẹp đã có từ lâu trong các Cộng đồng tôn giáo này, đối lập với những điều xấu xa và khủng khiếp đang diễn ra hàng ngày trong xã hội, ở đó người lớn thì tự hào khoe “chiến tích” của việc làm xấu, trẻ em thì phải “Học” và “Hành” từ người lớn những việc xấu, kể cả tước đoạt hiện tại và tương lai của bạn mình bằng gian lận điểm thi một cách trơ trẽn từ điểm rất kém thành thủ khoa; Trong khi đó những người có trách nhiệm thì vô cảm và bó tay, chỉ biết im lặng hay tệ hơn còn hô hào phải “xử lý nghiêm” các nạn nhân của người lớn, thì những điều này cho thấy, đã đến lúc không thể không Thay đổi.  

Nguyên nhân tình trạng này hoàn toàn không phải “Tất cả chỉ vì đồng tiền” như một vị Lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã nhận thức và phát biểu, đơn giản bởi “Đồng tiền” không có lỗi. Lỗi trực tiếp là ở người sử dụng đồng tiền, còn sâu xa là lỗi của Hệ thống Triết lý “Đấu tranh giai cấp là động lực phát triển xã hội” đã làm Văn hóa và Chính thể tụt hậu ghê gớm. Giờ đây, sự nảy sinh cái Mới từ trong lòng cái Cũ là tất yếu và cấp bách. Một Văn hóa mới và một Chính thể mới sẽ được tạo lập trên cơ sở một Hệ thống triết lý Phát triển mới, một Mô hình Thể chế mới, nhằm đưa Việt Nam sớm trở thành một Quốc gia Văn hóa và Hùng cường.

V) “KHÔNG GÌ QUÝ HƠN ĐỘC LẬP TỰ DO” GẮN LIỀN VỚI “TIN CẬY LẪN NHAU, PHỐI HỢP HÀNH ĐỘNG”

Có hai yếu tố quan trọng hàng đầu đã làm nên kỳ tích năm 1945 Việt Nam trở thành một Quốc gia Độc lập và năm 1975 trở thành một đất nước Thống nhất. Yếu tố thứ nhất là, vào những năm 1940, phong trào yêu nước sôi sục và lan rộng trong cả nước, mong muốn Tổ quốc Việt Nam được Độc lập và Thống nhất. Vào thời gian này, đất nước bị đè nén dưới hai tầng áp bức của Thực dân và Phát xít với đỉnh điểm là nạn đói năm 1945 làm nhiều người chết đói. Song càng bị đè nén và đàn áp, khát vọng đất nước được Độc lập càng lên cao chưa từng thấy. Người dân khát khao có được một Văn hóa Độc lập và một Chính thể Độc lập.

Yếu tố thứ hai là, đã xuất hiện những yếu tố cơ bản của một Hệ thống Triết lý mới nhằm xây dựng một Văn hóa mới, một Chính thể mới để Đoàn kết và Dẫn dắt toàn Dân tộc. Yếu tố này được khởi đầu bằng việc Lãnh tụ Hồ Chí Minh về nước tháng 1/1941 và mang theo Hệ thống Triết lý mới “Không gì quý hơn Độc lập, Tự do”, thay cho Hệ thống Triết lý cũ “Đấu tranh Giai cấp là động lực phát triển xã hội” đã liên tiếp thất bại. Để biến yếu tố thứ hai trở thành hiện thực, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiến hành hai việc:

Việc đầu tiên Người làm là phát động Đổi mới Chính trị trong Đảng Cộng sản Đông Dương. Kết quả là, dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nghị quyết của Hội nghị Trung ương 8 Đảng Cộng sản Đông Dương tháng 5/1941, thay vì kiên định quan điểm “Đấu tranh giai cấp” và “Chuyên chính vô sản”, nay đã thay đổi để đi đến nhận định: “Vận động cách mạng ở Đông Dương vẫn hẹp hòi, có tính công nông hơn là tính cách toàn dân tộc”. Từ đây, chính sách mới của Đảng đặt quyền lợi của bộ phận và giai cấp dưới quyền lợi giải phóng của toàn dân tộc; quyền lợi của nông dân, thợ thuyền dưới quyền lợi độc lập của toàn dân.

Ảnh trên: Tạp chí Time, số ra ngày 16/7/1965; 12/9/1969 và ngày 12/5/1975. Năm 1923, Tạp chí Time danh tiếng của Mỹ và Thế giới ra đời. Chỉ những ai có hoạt động tác động tới Thế giới mới được có mặt trên bìa tạp chí. Với tiêu chí như thế hiếm ai được 5 lần xuất hiện trên bìa tạp chí này và được ca ngợi ở đây như Lãnh tụ Hồ Chí Minh.

Ngày 5/8/1964, Không lực Mỹ ném bom miền Bắc Việt Nam. Một năm sau, chân dung Hồ Chí Minh có trên bìa Tạp chí Time, số ra ngày 16/7/1965 với chủ đề “Việt Nam: Miền Bắc không khoan nhượng”. Tạp chí Time giải thích sức mạnh của Bắc Việt Nam được nảy sinh từ Đức tin Hồ Chí Minh, với những dòng chữ: “Hồ Chí Minh là thế, vị Thánh râu dài của nước Việt Nam. Ông Hồ đã đưa ra lập trường kiên định nhất của mình, và cả đất nước non trẻ của ông sẵn sàng chiến thắng hay là chết cùng với ông”.

Ngày 12/9/1969, chân dung Hồ Chí Minh xuất hiện trên bìa Tạp chí Time là số ra với chủ đề “Kỷ nguyên mới ở Bắc Việt Nam”. Tạp chí viết, nhờ kiến tạo, truyền bá và thực hành Niềm tin mới, Chính thể mới, Văn hóa mới, Hồ Chí Minh đã đưa đất nước đến Kỷ nguyên mới.

Ngày 12/5/1975, chân dung Hồ Chí Minh xuất hiện trên bìa Tạp chí Time là số ra cùng với dòng chữ lớn “Người Chiến thắng”, cho dù Người đã mất 6 năm trước. Lần này chủ đề là “Cái gì tiếp theo ở châu Á?”. Những gì trên trang bìa Tạp chí Time đã khẳng định sức mạnh và sự bất diệt của Chủ thuyết, Văn hóa, Đức tin Hồ Chí Minh. Tạp chí Time số này nhấn mạnh về Sự nghiệp vĩ đại Việt Nam & Hồ Chí Minh, về việc Hoa Kỳ phải thay đổi, và Việt Nam chắc chắn sẽ phát triển.

Việc thứ hai Người làm là tiến hành Đổi mới Thể chế. Kết quả là ngày 19/5/1941, tổ chức Việt Minh Độc lập Đồng Minh ra đời, một tổ chức Xã hội Dân sự tiên tiến, tiến hành đoàn kết và lãnh đạo dân tộc giành Độc lập thành công.

Tình hình hiện nay có nhiều điểm tương đồng như những năm 1940. Đầu tiên, cũng đã xuất hiện và nhanh chóng lớn mạnh, một phong trào yêu nước đang âm ỉ và lan rộng trong cả nước, với mong muốn Tầng lớp Chính thể cùng sát cánh với các Tầng lớp xã hội, để đưa Tổ quốc Việt Nam thoát khỏi tụt hậu và trở thành một Quốc gia Văn hóa và Hùng cường.

Ảnh từ trái: 1) Chủ tịch Hồ Chí Minh ở khu Việt Bắc. Người nhắc nhở luôn phải “Đàng hoàng”, trong đó trước hết phải “Thật thà”; 2 và 3) Tạp chí Time, số ra ngày 22/11/1954 và số ra ngày 14/1/1966.

Lần đầu tiên chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh xuất hiện trên bìa Tạp chí Time danh tiếng là ở số ra ngày 22/11/1954 với chủ đề “Hồ Chí Minh của Đông Dương”. Tạp chí nói về vai trò của Lãnh tụ Hồ Chí Minh trong các giai đoạn cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Khi chọn chủ đề này, tạp chí Time viết về ảnh hưởng của Lãnh tụ Hồ Chí Minh ở tầm khu vực và quốc tế, qua việc Chính quyền Hồ Chí Minh từ rừng núi Việt Bắc trở về Hà Nội và được nhân dân Thủ đô nhiệt liệt đón chào.

Lần thứ ba Hồ Chí Minh trên bìa Tạp chí Time là ở số ra ngày 14/1/1966 có chủ đề “Cuộc tấn công của Mỹ và sự đáp trả của Cộng sản”. Bìa có ảnh Tổng thống Mỹ Johnson và các cố vấn; Chủ tịch Hồ Chí Minh với Bộ trưởng Ngoại giao Liên Xô. Qua Tạp chí Time, thấy nhờ Luận điểm “Độc lập và Đồng minh là một”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khéo léo biến cuộc chiến Việt Nam thành cuộc chiến quốc tế và buộc Tổng thống Mỹ: “Phải quyết nước Mỹ đi về đâu trong chiến tranh Việt Nam”.

Vào thời kỳ này, đất nước suy thoái toàn diện từ kinh tế đến đạo đức, văn hóa do bị tư tưởng bảo thủ níu kéo Chính trị cũ, Thể chế cũ. Song càng bị ngăn cản, khát vọng đất nước được Phát triển càng lên cao chưa từng thấy. Người dân khát khao đất nước có được một Văn hóa Phát triển và một Chính thể Phát triển.

Tiếp theo, một Hệ thống Triết lý mới nhằm xây dựng một Văn hóa mới, một Chính thể mới để Hội nhập và Dẫn dắt toàn Dân tộc đã xuất hiện. Hệ thống Triết lý mới này được Giới tinh hoa của 5 Tầng lớp xã hội, nhất là Giới tinh hoa của Tầng lớp Chính thể và Tầng lớp Trí thức, cùng tạo lập. Những nội dung cơ bản của Hệ thống Triết lý mới này được xây dựng trên nguyên tắc “Bình đẳng, Hội nhập, Sáng tạo” và “Cùng Dẫn dắt, cùng Hành động”, nhằm thay thế cho Triết lý và thói quen “Xin – Cho” kéo dài từ thời chiến đến nay.

Cũng đã nghiên cứu bước đi ban đầu cho việc tiến hành Đổi mới Thể chế, khởi đầu bằng việc sử dụng Giải pháp “Ba cấp Hành chính – Kinh tế” thay cho “Hai cấp Hành chính – Kinh tế” như trước đây (Xin xem bài số 5 tiếp theo, có tên gọi “ Đổi mới Thể chế cần bắt đầu bằng Ba cấp Hành chính – Kinh tế” ). 

Năm 1966 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói lên Triết lý: “Không có gì quý hơn Độc lập, Tự do”. Điều này không những đã nói lên nguồn gốc làm nên sức mạnh vô địch của Học thuyết Hồ Chí Minh mà còn chỉ ra đây là đặc trưng tiêu biểu cho thế kỷ 20. Triết lý thứ hai đã được nhà cách mạng trẻ Nguyễn Ái Quốc đề cập đến từ những năm 1920. Đó là “Tin cậy lẫn nhau, Phối hợp hành động”. Đây không chỉ thể hiện sức sống bất diệt của Học thuyết Hồ Chí Minh, mà còn làm rõ nét hơn đặc trưng cơ bản của thế kỷ 21.

Đã đủ cơ sở kết luận: Nếu như Triết lý “Không có gì quý hơn Độc lập, Tự do” đã mở ra Kỷ nguyên Độc lập cho Việt Nam, thì bộ đôi Triết lý “Không có gì quý hơn Độc lập, Tự do” và “Tin cậy lẫn nhau, Phối hợp Hành động” của Hồ Chí Minh – Nguyễn Ái Quốc đã kích hoạt tiến trình đưa Việt Nam trở thành một Quốc gia Văn hóa và Hùng cường, mở ra Kỷ nguyên Việt Nam phát triển, đáp ứng khát vọng cháy bỏng của Dân tộc.

Hà Nội, ngày 30 tháng 4 năm 2019

Hoàng Vĩnh Tân

Bình luận