NĂM BÀI VIẾT NHÂN NGÀY 30/4 VÀ 19/5/2019. Bài số 1: Về một Việt Nam tốt đẹp sau năm 2020

VỀ MỘT VIỆT NAM TỐT ĐẸP SAU NĂM 2020

1) KHÁT VỌNG VỀ MỘT QUỐC GIA PHÁT TRIỂN CỦA CẢ DÂN TỘC ĐANG NGÀY CÀNG  MẠNH MẼ VÀ KHÔNG GÌ NGĂN CẢN ĐƯỢC

Thế kỷ 20 là một trong các thế kỷ đau thương nhất trong Lịch sử nhân loại. Hai cuộc Chiến tranh Thế giới đã nổ ra trong thế kỷ này cùng với các nạn dịch, nạn đói đã làm hàng trăm triệu người ở các nước trên thế giới bị chết hoặc thương tật suốt đời. Ba cuộc cách mạng công nghiệp diễn ra trong thế kỷ này một mặt tạo nên những đóng góp thúc đẩy tiến bộ xã hội, một mặt cũng sản sinh vô số vũ khí giết người hàng loạt, từ vũ khí thông thường đến vũ khí hạt nhân làm nhân loại luôn đứng bên bờ hủy diệt. Cũng khó mà không kể đến các cuộc Chiến tranh Lạnh dưới mọi hình thức mà nguyên nhân do các bên nay vẫn tiếp tục coi Ý thức hệ của mình là chân lý, và vẫn đẩy loài người lún sâu vào đố kỵ, thù hằn. 

Trong thế kỷ đau thương này, Việt Nam là một trong những quốc gia đau thương nhất trên Thế giới. Đó là bởi Việt Nam không những là một trong những nước phải gánh chịu nhiều bom đạn nhất, mà còn là một trong những quốc gia phải chịu cảnh chia cắt đất nước lâu nhất. Có thể đồng thuận với nhận định này bởi chỉ ít ngày sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố Độc lập ngày 2/9/1945, các đoàn quân Việt Nam đã phải lên đường Nam tiến chống ngoại xâm và chỉ một năm sau, nguy cơ ngoại xâm đã thành hiện thực và ngày 19/12/1946, Cụ Hồ phải đọc Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến. Phải sau cuộc chiến ba mươi năm khốc liệt kéo dài từ năm 1945 đến năm 1975, đất nước mới được thống nhất và hòa bình mới đến trên dải đất hình chữ S, cho dù không được trọn vẹn. Nhìn xa hơn, cuộc chiến ba mươi năm đã chấm dứt hơn 500 năm binh lửa và chia cắt hai miền đất nước. 

Ảnh: Cầu Hiền Lương trên sông Bến Hải đã được sửa lại năm 2014 cho đúng như vào thời gian cuộc chiến 30 năm 1945 – 1975, với hai sơn mầu phân cách như trước. Khát vọng thống nhất đất nước của từ Lãnh đạo đến mỗi người dân thời đó được thể hiện qua lời bài hát “Câu hò bên bờ Hiền Lương” quen thuộc với thế hệ giành Độc lập:

“Dù cho, dù cho bến cách sông ngăn

Dễ gì chặn được duyên anh với nàng

Xé mây cho sáng trăng vàng

Khai thông nối bến cho nàng về anh”

Ảnh: Di tích thành Nhà Mạc ở Lạng Sơn.

Năm 1527, Mạc Đăng Dung – cháu 7 đời Mạc Đĩnh Chi giết vua Lê Cảnh Hoàng, lập nên nhà Mạc. Năm 1540, Nguyễn Hoàng đánh nhà Mạc, chiếm từ Thanh Hóa trở vào, lập vua Lê Trang Tông, gọi là Nam Triều. Từ Ninh Bình trở ra thuộc nhà Mạc, gọi là Bắc Triều. Cuộc chiến Nam Bắc kéo dài 85 năm, từ năm 1540 đến 1625. Chỉ trong vòng nghìn năm trở lại, đất nước Việt Nam đã trải qua gần 500 năm binh lửa, trong đó có gần 300 năm chia cắt. Nữ sĩ Đoàn Thị Điểm viết về bối cảnh này trong tác phẩm Chinh phụ ngâm của bà:

“Cùng trông lại mà cùng chẳng thấy

Thấy xanh xanh những mấy ngàn dâu

Ngàn dâu xanh ngắt một màu

Lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai”

Độc lập và Thống nhất có được hôm nay là kết quả hàng nghìn năm gìn giữ, hết đời này qua đời khác. Vì Độc lập sẽ không có ý nghĩa gì nếu Đất nước không “Đàng hoàng hơn, To đẹp hơn”, cho nên khát vọng đưa đất nước Phát triển đã được hun đúc từ thế hệ này qua thế hệ khác và ngày càng trở nên mạnh mẽ. Điều này khó có thể khác, khi trong lịch sử của mình, Đất nước và Dân tộc Việt Nam đã từng không ít giai đoạn là một cường quốc.

Giống như gió chỉ dập tắt được ngọn lửa nhỏ, song sẽ lại thổi bùng ngọn lửa lớn, khát vọng Phát triển của Dân tộc càng gặp khó khăn, gian khổ sẽ càng bùng phát, càng lan rộng và không một thế lực nào có thể ngăn cản được.

Ảnh: Bản viết tay “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” năm 1946 của Bác Hồ.  

Người viết “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” ngắn gọn, giản dị, ai cũng hiểu và thấy tận trong huyết quản mình, “thời điểm thiêng liêng…” đã đến:

“Hỡi đồng bào toàn quốc! … Chúng ta phải đứng lên! Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không phân chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp (nay là chiến thắng sự vô minh của chính mình, tức giặc Dốt trong mỗi chúng ta – TG) để cứu Tổ quốc (nay là góp phần đưa đất nước phát triển – TG)… Giờ cứu nước đã đến … Việt Nam độc lập và thống nhất (và Phát triển – TG) muôn năm! …”

Hà Nội, ngày 19 tháng 12 năm 1946  Hồ Chí Minh

Thấy rõ hai bất cập cơ bản trong công tác Lãnh đạo và Thể chế hiện nay qua “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” với quan điểm xuyên suốt và đặt lên hàng đầu là “Đồng bào toàn quốc” tức “Toàn dân”. Đây là một trong những nét độc đáo, đặc sắc nhất trong tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Từ đây thấy: Bất cập cơ bản thứ nhất là: Công tác Lãnh đạo và Thể chế hiện nay chưa thực sự coi trọng và chú trọng đến “Người Dân”, “Cộng đồng” và “Toàn Dân”, trong khi lại quá coi trọng và chú trọng “Ý chí” cá nhân của Lãnh đạo, cũng như sức mạnh của “Hệ thống Chính trị”. 

Trong “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến”, Chủ tịch Hồ Chí Minh dành riêng lời kêu gọi cho Đội tiên phong của Sự nghiệp giữ gìn Độc lập của Đất nước; Đó không phải là một giai cấp, một tầng lớp xã hội nào, mà là con em của toàn dân tộc: “Hỡi anh em binh sĩ, tự vệ, dân quân! Giờ cứu nước đã đến. Ta phải hy sinh đến giọt máu cuối cùng để giữ gìn đất nước”. Từ đây thấy: Bất cập cơ bản thứ hai là: Công tác Lãnh đạo và Thể chế hiện nay chưa coi trọng và chú trọng xây dựng và thúc đẩy Đội tiên phong của Sự nghiệp đưa Việt Nam trở thành Quốc gia Phát triển là Giới tinh hoa. Giới Tinh hoa không thuộc một giai cấp, một tầng lớp xã hội nào, mà là con em của 5 Tầng lớp xã hội, tức của “Toàn Dân”.

Hiện không ít trường hợp một số Lãnh đạo còn có Nhận thức chưa đúng đắn khi xếp các Tinh hoa của 5 Tầng lớp xã hội, nhất là Tinh hoa của Tầng lớp Tri thức và Tinh hoa của Tầng lớp Chính thể vào vị trí đối lập chỉ vì họ đề xuất các quan điểm Khác biệt. Những Nhận thức và Việc làm như vậy làm suy yếu nguyên khí Quốc gia.

Ảnh: Cảm tử quân Hà Nội  năm 1946 với bom ba càng.

2) VIỆT NAM NAY VẪN LÀ NƯỚC ĐANG PHÁT TRIỂN, DÙ CÓ 44 NĂM VỚI ĐỦ ĐIỀU KIỆN TRỞ NÊN CƯỜNG QUỐC

Rất hiếm Quốc gia nào trên Thế giới lại được Trời đất, Tiền nhân và Nhân loại trao cho nhiều điều kiện để trở thành một cường quốc, một quốc gia phát triển vượt trội như Việt Nam. Về dân số, với khoảng một trăm triệu dân, Việt Nam  có đủ nguồn nhân lực phát triển. Việt Nam có điều kiện tự nhiên ưu đãi, kể từ tài nguyên đa dạng và đủ trữ lượng khai thác, cho đến bốn mùa khí hậu hài hòa. Việt Nam lại có hơn 3000 km bờ biển của Biển Đông, vì thế khó mà không kể đến vị thế địa chính trị quan trọng của Việt Nam trên trường quốc tế.

Việt Nam còn là một đất nước, một dân tộc có truyền thống anh hùng trong Bảo vệ tổ quốc, sáng tạo trong Phát triển đất nước. Thế hệ trẻ Việt Nam có đầy đủ năng lực để hội nhập tích cực với Thế giới. Chỉ nội những điều vừa nêu, đã thấy Việt Nam hội đủ các điều kiện để “Sánh vai với các cường quốc năm châu”.

Ảnh: Đất nước Việt Nam tươi đẹp. Con người Việt Nam cởi mở, linh hoạt.

Còn một điều đặc biệt thuận lợi nữa là Việt Nam cần Thế giới và Thế giới cần Việt Nam. Việt Nam cần Thế giới là vì nếu không “Cùng Dẫn dắt, cùng Hành động” với Thế giới thì Việt Nam sẽ khó mà tìm thấy lời giải đáp đúng đắn cho hai câu hỏi rất mực quan trọng cho mình. Đó là: “Việt Nam sẽ bảo vệ Độc lập và Chủ quyền thế nào trước một cường quốc có dã tâm xâm lược và bành trướng?” và “Việt Nam làm thế nào để từ một nước nghèo, có thể bứt phá trong phát triển để trở thành một quốc gia hùng cường?”.

Thế giới tiến bộ cần Việt Nam phát triển là vì Việt Nam là một mảnh ghép quan trọng trong Chiến lược phát triển Ấn Độ Dương & Thái Bình Dương của các cường quốc. Trong xu thế phát triển tất yếu của thế giới, Việt Nam sẽ có một vị thế tốt đẹp nếu đóng vai trò thúc đẩy tiến trình phát triển này, còn nếu cứ giữ thái độ thiếu Hội nhập thực sự thì sẽ đứng ngoài cuộc, và cùng lắm chỉ được chấp nhận làm “Người quan sát thầm lặng”. 

Chỉ còn hơn một năm nữa là kết thúc năm 2020. Đến hôm nay, đã có thể kết luận, hầu như tất cả các chỉ tiêu kể cả định tính và định lượng về phát triển kinh tế, xã hội mà Chính thể ta đã đặt ra, lấy mốc là năm 2020 đều không đạt được, cho dù Phát triển kinh tế được coi là nhiệm vụ trung tâm của đất nước và để hiện thực hóa “Nhiệm vụ Trung tâm” này Việt Nam đã phải chấp nhận bỏ qua những hệ lụy thấy trước, khi tăng trưởng kinh tế chủ yếu nhờ đi vay và bán tài nguyên thô cũng như xuất khẩu lao động giản đơn.

Sự thực là, cho dù đã nỗ lực đến vậy, Việt Nam vẫn không những không hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế đã tự đặt ra, mà nguy hiểm hơn, còn kéo theo đạo đức suy thoái, văn hóa xuống cấp, môi trường ô nhiễm trầm trọng. Hệ lụy lớn hơn cả là thế hệ trẻ bị ảnh hưởng bởi một lối sống quá “Duy vật” tức coi trọng vật chất và bạo lực, quá coi trọng ý muốn của cái “Tôi” ích kỷ.

Câu hỏi lớn của “Người Dân” và “Toàn Dân” với Lãnh đạo và Chính thể cầm quyền là: Đất nước ta có đủ điều kiện phát triển, giàu khát vọng, lại nỗ lực lớn, thế thì vì sao Việt Nam không làm được điều mà các nước khác như Singapore, Hàn Quốc, … đã làm là đưa một nước nghèo thành một quốc gia phát triển? Hơn nữa, họ làm trong thời gian ngắn hơn nhiều so với 44 năm “Quá độ” của Việt Nam.

Năm 2020 sẽ phải là một năm bản lề, để vừa thực thi một Kết thúc tất yếu cho Giai đoạn 44 năm (1976 – 2020), có đặc trưng là Mô hình phát triển được xây dựng từ Mô hình Cộng hòa XHCN kiểu Xô Viết; Đồng thời, năm 2020 cũng là năm Mở ra một Giai đoạn phát triển mới, có đặc trưng là Mô hình phát triển được xây dựng từ mô hình Dân chủ, Cộng hòa của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

3) CHỈ KHI CÓ HỆ THỐNG TRIẾT LÝ MỚI VÀ NHIỆM VỤ TRUNG TÂM MỚI, VIỆT NAM MỚI CÓ THỂ TRỞ THÀNH MỘT QUỐC GIA PHÁT TRIỂN

Việc thiếu vắng Hệ thống triết lý mới phù hợp với Khát vọng của Dân tộc và Xu thế phát triển tất yếu của Thế giới làm xã hội thì thiếu vắng Niềm tin, còn công tác Lý luận chính thống thì buộc phải hợp thức hóa các quan điểm bất cập như “Bản chất Thời đại không thay đổi”, nhằm biện minh cho Lãnh đạo đang sao chép và lệ thuộc lối Nghĩ, lối Làm theo cách “Mệnh lệnh” và “Xin/Cho” thời chiến. Thực tiễn cho thấy, không thể đến Mục tiêu mới bằng Con đường cũ và những việc làm theo cách thức này chỉ làm xã hội dễ suy thoái và khủng hoảng.

Nhiều vị Lãnh đạo đất nước và người Dân đã bày tỏ tâm trạng bức xúc, lo lắng trước các hiện tượng suy thoái trong xã hội về mọi phương diện, từ kinh tế đến văn hóa, giáo dục,… đang xẩy ra và ngày càng bùng phát. Có tình trạng này là vì Lãnh đạo, Chính thể và Xã hội vừa muốn có các thành tựu mới, để đưa Việt Nam từ một nước nghèo thành một Quốc gia Phát triển trong thế kỷ 21, lại vừa không muốn thay đổi “Lối Nghĩ cũ?”, “Cách làm cũ” trong thế kỷ 20 đã đưa Việt Nam từ một nước nô lệ thành một Quốc gia Độc lập. Nguyên nhân của tình trạng này trước hết là bởi Hệ thống triết lý đang có vai trò chủ đạo được xây dựng trên nền tảng Duy vật, nay không còn phù hợp với nhu cầu phát triển.  

Một trong những thành tựu quan trọng hàng đầu trong tiến trình Đổi mới từ năm 1986 đến 2006 chính là đã xác định tư tưởng Hồ Chí Minh phải là kim chỉ nam cho mọi hoạt động của xã hội. Tuy nhiên, đến nay thành tựu này chưa được phát huy, lý do trước hết do công tác Lý luận hiện vẫn chưa làm rõ được bản chất của tư tưởng Hồ Chí Minh. Không những thế, không ít kết quả nghiên cứu của công tác Lý luận chính thống do phải phục vụ “Chính trị”, vì thế đã có nhầm lẫn lớn khi tuyên truyền rằng, tư tưởng Hồ Chí Minh chỉ là “Áp dụng sáng tạo” một Học thuyết của nước ngoài được xây dựng trên cơ sở Duy vật.

Ảnh: Mọi sự vật mới được nảy sinh chủ yếu là nhờ Kết nối và Cân bằng. Vì thế, Phép Biện chứng của phương Tây hay Kinh Dịch của phương Đông đều xem Thay đổi là bản chất của mọi sự vật. Vậy nên, khi Thế giới đã thay đổi thì tư tưởng của con người cũng không thể không Thay đổi. Sẽ là cản trở phát triển, một khi áp đặt mỗi con người, mỗi quốc gia không được thay đổi, phải “Nghĩ” và “Làm” theo tư tưởng của một cá nhân, ngay cho dù cá nhân này là một thiên tài. Sẽ là “Thế lực thù địch” với Phát triển, một khi đến nay vẫn muốn phải sao chép và áp đặt một tư tưởng đã có cách đây đã hàng trăm năm, được xây dựng trên nền tảng phân biệt hóa và cực đoan hóa thịnh hành thời đó như “Duy vật”, “Duy tâm” , “Duy khoa học”,… Dĩ nhiên, nay đã trở thành quá lỗi thời.     

Sự ngộ nhận này gây nên những hệ lụy lớn do mâu thuẫn giữa Nhận thức và Thực tiễn, ví như nếu đã coi “Kinh tế là nhiệm vụ trung tâm”, thì khó mà lại yêu cầu “Không ham tăng trưởng, chạy theo kinh tế”; Hay xuất phát từ quan niệm, khâu yếu nhất là khâu quan trọng nhất, thì sẽ khó mà không chú trọng Văn hóa và Đạo đức như Kinh tế, khi hai lĩnh vực này đang suy thoái và xuống cấp.

 

Ảnh: Làng quê Việt Nam thế kỷ 21. Những hình ảnh này gợi nhớ đến Văn hóa truyền thống Việt Nam, cơ sở và điểm xuất phát xây dựng một Văn hóa mới cho Việt Nam.

Tháng 11/1945, tức là chỉ một tháng trước Toàn quốc Kháng chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Dân tộc chúng ta đã bước sang một Giai đoạn mới, tất nhiên phải có một Chính thể mới và một Văn hóa mới”. Điều này cho thấy sự “Là một” giữa xây dựng Văn hóa mới và tạo lập Chính thể mới. Người cũng chỉ rõ: Nhiệm vụ lúc này là “Gây dựng cho đất nước một Văn hóa mới và phải làm thế nào cho Văn hóa Việt Nam sẽ chiếm được một địa vị trong nền Văn hóa Thế giới. Cái văn hóa này cần phải có tính cách Khoa học, tính cách Đại chúng, thì mới thuận theo trào lưu của tư tưởng hiện đại”.

Người cũng chỉ dẫn cách thức xây dựng một Văn hóa mới: “Phương Đông hay phương Tây có cái gì hay, cái gì tốt thì phải học lấy để tạo ra nền Văn hóa Việt Nam. Nghĩa là lấy kinh nghiệm tốt của văn hóa xưa và văn hóa nay, trau dồi cho Văn hóa Việt Nam thật có tinh thần thuần túy Việt Nam để hợp với tinh thần Dân chủ”.

Cảm nhận được ý nghĩa lớn lao của việc xây dựng một Văn hóa mới, trước hết phải bắt đầu từ sự trân trọng và yếu thương Con người, trong bài thơ “Tiếng hát con tàu” nhà thơ Chế Lan Viên đã viết những câu thơ giàu tình yêu và triết lý:

Nhớ bản sương giăng, nhớ đèo mây phủ

Nơi nào qua, lòng lại chẳng yêu thương?

Khi ta ở chỉ là nơi đất ở

Khi ta đi, đất đã hóa tâm hồn!

Vì thế, sau năm 2020, khi đã quá rõ cả về Thực tiễn và Lý luận, thì Nhiệm vụ Trung tâm phải là xây dựng Văn hóa và Kinh tế, trong đó Văn hóa phải đi trước một bước, nhất là Văn hóa Lãnh đạo, thay vì quá chú trọng đến Kinh tế và coi xây dựng Kinh tế là nhiệm vụ trung tâm. Đây cũng là lý do vì sao Chủ tịch Hồ Chí Minh lại đặt “Đàng hoàng hơn” lên hàng đầu và dùng cụm từ “Nhân dân ta” chứ không phải “Cả hệ thống Chính trị” khi nói: “Đến ngày thắng lợi nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước ta Đàng hoàng hơn, To đẹp hơn”.

Để hiện thực hóa “Nhiệm vụ trung tâm mới” cần phải có một Hệ thống triết lý mới thay thế Hệ thống Triết lý cũ nay đã lạc hậu. Hệ thống triết lý mới được xây dựng trên cơ sở xem bản chất tư tưởng Hồ Chí Minh là Bình đẳng, Hội nhập, Sáng tạo với cốt lõi là Đoàn kết/Hội nhập, cũng như tư tưởng này có xuất phát điểm, nền tảng và động lực là Quyền Con người. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kế thừa và phát huy sáng tạo Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của Mỹ và Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền năm 1789 của Pháp khi Người xem Quyền Con người là Quyền của Cá nhân và Cộng đồng, Quyền của Tổ quốc và Nhân loại đều là một và gọi đó là “Thần linh pháp quyền”; Người căn dặn “Trăm điều phải có thần linh pháp quyền”.

Nhu cầu thực tiễn ngày càng cấp bách, khát vọng về một Việt Nam hùng cường ngày càng to lớn. Trong bối cảnh này, ngay từ bây giờ, từ Lãnh đạo đến mỗi người Dân, trước hết phải đồng sức, đồng lòng xây dựng một Hệ thống Triết lý Phát triển mới. Chỉ có như vậy, mới phát huy và phối hợp được sức mạnh của mỗi cá nhân, cộng đồng và tổ chức để tạo nên sức mạnh Quốc gia. Đây là tiền đề không thể thiếu cho Tổ quốc Việt Nam sau năm 2020 trở nên Tốt đẹp hơn, Thịnh vượng hơn, Mạnh mẽ hơn.

Hà Nội, ngày 18 tháng 4 năm 2019

TS. Minh Đường

Bình luận