NĂM BÀI VIẾT NHÂN NGÀY 30/4 VÀ 19/5/2019. Bài số 2: Từ lời Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Tin cậy lẫn nhau, Phối hợp Hành động”, bàn về ý kiến: “Không ham tăng trưởng, chạy theo kinh tế”; “Phải xây dựng Văn hóa, giữ gìn Đạo đức”

MỞ ĐẦU

Ngày 10/4/2019, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu: “Không ham tăng trưởng, chạy theo kinh tế”; “Phải xây dựng văn hóa, giữ gìn đạo đức”. Thực tiễn từ năm 1976 đến nay cho thấy, để ý muốn này thành hiện thực phải “Toàn thể xã hội vào cuộc” để “Cùng dẫn dắt, cùng Hành động”chứ không thể chỉ trông đợi ở năng lực “Ứng phó” trên cơ sở “Mệnh lệnh” hay “Xin/Cho” của cá nhân Lãnh đạo và Chính thể cầm quyền, ví như yêu cầu “Xử lý nghiêm”, “Khởi tố hình sự”, hay cùng lắm là “Cả hệ thống chính trị vào cuộc”,…

 Vì “Văn hóa” và “Đạo đức” xã hội không thể có được nếu chỉ nhờ “Ý chí” Lãnh đạo các cấp và các biện pháp cưỡng chế , cho nên, muốn ý kiến Tổng Bí thư, Chủ tịch nước có thể đi vào cuộc sống thì trước hết mỗi  người  dân, tức mỗi thành viên trong xã hội, cần hiểu rõ về các vấn đề như: “Không ham Tăng trưởng” nào?; “Không chạy theo Kinh tế” nào?; “Giữ gìn Đạo đức” nào? và “Xây dựng Văn hóa” nào?…

Tiếp theo, để ý kiến của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước có thể trở thành thực tiễn, thì Tinh hoa 5 tầng lớp xã hội, bao gồm Tầng lớp Chính thể, Tầng lớp Kinh tế, Tầng lớp Tri thức, Tầng lớp Cộng đồng và Tầng lớp Tôn giáo, nhất là Tinh hoa của Tầng lớp Chính thể, cần là tấm gương cho xã hội, để từ đây xây dựng một Môi trường xã hội tốt đẹp với cốt lõi là “một Văn hóa mới”, “một Chính thể mới, theo quan điểm phổ quát của Thế giới và của Chủ tịch Hồ Chí Minh.  

ĐÃ ĐẾN LÚC “CÙNG DẪN DẮT, CÙNG HÀNH ĐỘNG” ĐỂ CÓ “MỘT VĂN HÓA MỚI”, “MỘT CHÍNH THỂ MỚI” NHƯ LỜI CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH NÓI   

Phổ biến việc người thực thi công vụ nhân danh cái “Đúng” của pháp luật, sẵn sàng ra tay quá mức với người khác; Cũng quen thuộc việc một cộng đồng dân cư sẵn sàng đánh “hội đồng” đến chết người bị bắt quả tang hay có dấu hiệu phạm pháp; Không thiếu các cán bộ có cấp hàm trong lĩnh vực bảo vệ và thực thi pháp luật lại vi phạm đạo đức tối thiểu một cách thô bạo; Cũng là bình thường việc người phụ nữ này tổ chức đánh đập người phụ nữ khác bằng đòn thù, rồi nghĩ ra mọi cách làm họ nhục nhã từ chửi rủa đến lột quần áo; Rồi hàng chục nam sinh cưỡng ép tập thể một nữ sinh; và những nữ sinh được coi là ngoan, học giỏi nay lột đồ, và vô cớ cùng đánh dã man một bạn nữ không có khả năng tự vệ từ ngày này sang ngày khác.

Những tin “nóng” kiểu này bên cạnh các bài viết về cuộc sống sang chảnh của các cặp “đại gia và chân dài” trên các phương tiện truyền thông vô hình chung thành tuyên truyền cho lối sống hưởng thụ vật chất và bạo lực cho mọi lứa tuổi. Đã xảy ra điều đáng sợ nhất, đó là thế hệ trẻ bị băng hoại. Họ đang học người lớn cách nhân danh những điều tốt đẹp như tình yêu, lẽ phải, … hay mượn tên tuổi những người nổi tiếng để thực thi cái “Triết lý Đấu tranh” với người khác, hay đáng sợ hơn là tùy tiện làm theo cái Ý chí của “Tôi”, không cần lý do xác đáng, mà không nhận biết làm thế chỉ biểu hiện sự bất lực và yếu kém của chính mình.

Bế tắc về Niềm tin, một bộ phận không nhỏ thế hệ trẻ “Chán Đảng, xa rời Chính trị” như Tổng Bí thư nhận xét, để quay sang có những thần tượng không giống ai, thể hiện tâm lý chán nản, phá phách. Thực tiễn từ năm 1976 đến nay cho thấy, việc cải thiện từng bước theo kiểu Ứng phó chỉ làm vấn đề thêm trầm trọng. Đã đến lúc xây dựng một Văn hóa mới, một Chính thể mới để có một Môi trường xã hội tốt đẹp, trong đó mỗi thành viên tìm thấy hạnh phúc nhờ xây dựng cái “Tốt đẹp” cho mình và xã hội, thay vì thích thú đi chống cái mình cho là “Xấu xa” của người khác.

Ảnh: Từ trái: Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cùng dâng hương trong Tết Kỷ Hợi 2019.

Ảnh: Ngày 10/4/2019, tại Phủ Chủ tịch Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã gặp mặt và phát biểu nhiều ý kiến của minh với đại diện Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Trước bối cảnh đất nước đứng trước nhiều thách thức lớn, song cũng đứng trước nhiều Cơ hội lớn về cơ đồ, tiềm lực, vị thế,… Tổng Bí thư, Chủ tịch nước  dường như  đã có ý tự động viên mình và động viên người khác khi phát biểu “Chưa bao giờ đất nước có cơ đồ, tiềm lực, vị thế như ngày hôm nay”. Song ông cũng nhìn thấy thực trạng xã hội khi tâm sự: “Xót ruột khi đạo đức xuống cấp”.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cho rằng, cần có cơ chế kiểm soát quyền lực cho tốt, nhốt quyền lực vào trong lồng cơ chế, kiểm tra ngang, kiểm tra dọc, từ trên xuống, từ dưới lên, cũng như, phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm,…  Ông nhấn mạnh, không thể để đạo đức xuống cấp, không ham tăng trưởng, chạy theo kinh tế,  phải chăm lo giải quyết các vấn đề xã hội, xây dựng văn hóa, giữ gìn đạo đức. Ông khẳng định nhất quán theo con đường XHCN; Đổi mới nhưng không đổi màu, kiên định Cương lĩnh, đường lối của Đảng. Kinh tế nhà nước là chủ đạo, kinh tế tư nhân là động lực quan trọng.

Tuy nhiên, có nhiều ý kiến khác biệt khi cho rằng:

Thứ nhất: Đổi mới không chỉ là Kiểm soát quyền lực, mà quan trọng là Tạo lập Quyền lực mới cho Chính thể và Xã hội;

Thứ hai: không nên “nhất quán đi theo một con đường”, tức nhất quán một Giải pháp, mà nên nhất quán Mục tiêu là mang lại Độc lập, Tư do, Hạnh phúc cho nhân dân, cũng như vị thế cho dất nước;

Thứ ba: Đảng cầm quyền cần có Cương lĩnh mới, đường lối mới, không nên mặc định trước thành phần kinh tế nào là “Chủ đạo”, cũng như mặc định trước bộ phận xã hội nào là “Lãnh đạo”. Nhà nước tạo điều kiện bình đẳng và thuận lợi cho mọi thành phần kinh tế và chú trọng không thất thu thuế.

Ảnh: Biển “Đường Điện Biên Phủ” trên hè phố có nhiều ô tô, xe máy (Ảnh tác giả ngày 11/4/2019). Trước biển đường là các bảng quảng cáo bia chạy suốt phố, đêm có đèn hoa chiếu sáng; Vì thế, có người dân cho rằng, con đường này nên đổi tên thành “Đường Bia”. Sau biển đường là tấm bảng lớn mầu đỏ của chính quyền với nội dung: TUYẾN PHỐ Không được kinh doanh buôn bán trên hè phố; Cấm để xe đạp, xe máy đỗ trên hè phố, lòng đường.

Tấm biển đường này cách Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Cột Cờ Hà Nội và Hoàng Thành Thăng Long Hà Nội chỉ một vài trăm mét. Những gì trông thấy từ tấm biển này vừa minh họa  cho quan niệm “Không ham Tăng trưởng, chạy theo kinh tế” “Phải xây dựng Văn hóa” và “Giữ gìn Đạo đức” là có lý, vừa phần nào giải đáp cho câu hỏi: “Không ham tăng trưởng” nào”? “Không theo Kinh tế nào”; Cũng như cho thấy vẫn còn một khoảng cách lớn giữa “Lời nói” và “Việc làm” của Chính thể, và vì thế sẽ phải rất nỗ lực để thay đổi Nhận thức và Việc làm của Lãnh đạo các cấp, cũng như của các thành viên trong xã hội, nếu như muốn lời nói của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước trở thành hiện thực.

                                                                        

Ảnh: Vỉa hè nhiều tuyến đường của Hà Nội như Nguyễn Trãi, Trần Phú (Hà Đông), Trần Duy Hưng, Nguyễn Chí Thanh vừa mới được lát đá tự nhiên đắt tiền, nhưng nay đã  đang xuống cấp, cả hàng dài vỉa hè nhan nhản vết nứt, vỡ gạch, bề mặt vỉa hè lồi lõm, lởm chởm (Tin và ảnh từ các báo ngày 10/4/2019 ).

Cuối năm 2016, bỏ qua mọi tranh cãi về tính hiệu quả, UBND Thành phố Hà Nội quyết định ban hành quy định các dự án, tuyến đường mới, dự án cải tạo hè phố với quan niệm là phải dùng vật liệu là đá tự nhiên, có kết cấu bền vững đảm bảo sử dụng 50-70 năm. Dự kiến đến năm 2020, sẽ có hơn 900 tuyến đường tại 12 quận nội thành, vỉa hè được thay thế từ gạch truyền thống sang đá tự nhiên có kết cấu bền vững với tuổi thọ lên đến 70 năm. Tuy nhiên, thực tiễn không giống tính toán của UBND TP Hà Nội, nhiều tuyến phố được lát đá tự nhiên, mới được khoảng 2 năm song nay đã bong tróc hàng loạt.

Trước đó, khi được phản ánh là nhiều tuyến phố gạch lát bằng đá tự nhiên vừa lát đã bong tróc, vỡ, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã trực tiếp tự mình khảo sát và đi đến kết luận, nguyên nhân bong tróc, nứt vỡ là do gạch mỏng, vì thế ông đã cho đặt gạch tự nhiên có độ dầy hơn và quyết định vẫn thực hiện Dự án tiếp tục. Cho dù vậy, kết quả vẫn không như mong muốn. Có thể xem đây là một ví dụ cho thấy việc cần thiết phải phát huy sức mạnh của toàn xã hội để cùng xây dựng  “Văn hóa hóa quyết sách” & “Khoa học hóa quyết sách” thay cho “Mệnh lệnh hóa quyết sách” & “Lãnh đạo hóa quyết sách”.

Ảnh: Bên ngoài và bên trong Lễ hội Văn hóa Truyền thống Việt Nam diễn ra từ ngày 5 đến 9/4/2019. Lễ hội này làm nhiều người thất vọng. Các báo từ Nhân dân điện tử đến Thanh niên đều có bài nhất loạt phản ánh tình trạng này. Một vị khách bức xúc: “Hằng ngày vẫn có trăm, ngàn khách du lịch quốc tế đến Hoàng thành. Không hiểu họ thấy cảnh này thì nghĩ gì về văn hóa truyền thống Việt Nam. Chẳng biết là cởi mở hay là sự tùy tiện đến mức vô trách nhiệm, phản văn hóa ở một lễ hội văn hóa giữa Hoàng thành Thăng Long – Di sản văn hóa UNESCO thế giới – ở thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến. Báo Thanh niên viết: “Không rõ, UBND TP.Hà Nội nghĩ thế nào về sự cố này. Lễ khai mạc festival còn có sự tham gia của Phó chủ tịch UBND TP phụ trách văn hóa xã hội”.

Về một Lễ hội Văn hóa Truyền thống Việt Nam, nhưng trong đó lại có quá nhiều mặt hàng “đặc thù” như  quần áo lót, bột thông cống, dụng cụ thông tắc bồn cầu… thì sự bất cập về văn hóa đã tăng vọt. Một chuyên gia nghiên cứu di sản kiến trúc của ĐH Kiến trúc Hà Nội, phát biểu “Đưa những loại hoạt động dung tục quá là đã làm hạ thấp Di sảnPhải hỏi vai trò quản lý ở đó như thế nào. Phải rạch ròi chứ không thể để nhộn nhạo như thế”.

BA CƠ SỞ ĐỂ TẠO LẬP MỘT MÔI TRƯỜNG XÃ HỘI TỐT ĐẸP THEO QUAN NIỆM PHỔ QUÁT CỦA THẾ GIỚI

1) Phải giữ gìn các giá trị đạo đức phổ quát của Nhân loại

Con người sinh ra đã mang sẵn trong mình mầm Thiện và Bất thiện. Tùy Môi trường Gia đình và Môi trường xã hội mà cái “Tôi thiện” trở nên những điều tốt đẹp trong cuộc sống, hoặc “Tôi bất thiện” dễ bùng phát thành bạo lực, thành tệ nạn xã hội, tức cái Ác. Muốn con người trở nên lương thiện, phải xây dựng một Môi trường Xã hội biết ngăn cản cái Ác và phát huy cái Thiện. Cái Thiện là những giá trị đạo đức phổ quát của Nhân loại như: Trung thực, Dũng cảm, Chăm chỉ, Nhân ái, Sáng tạo, …

Với mục tiêu này, kinh Phật dạy mỗi cá nhân tu tại gia, tức các thành viên xã hội phải từ bỏ cái “Tôi” tức cái “Ngã” bất thiện này. Để thực hiện điều nay, Đức Phật đưa ra Ngũ giới, tức 5 điều ngăn: Đầu tiên là không có tư tưởng và hành động sát hại sinh linh; thứ nữa là không trộm cướp, tà dâm; không nói dối, không nói lời ác độc và không rượu chè, cờ bạc.      

Để xây dựng cái Tôi thiện, nền đạo đức phương Đông cho là trước hết phải từ bỏ cái Tôi bất thiện, vốn dễ mắc. Người xưa xây dựng chữ “Tôi” tức chữ “Ngã – 我 theo kiểu tượng hình gồm bộ thủ (cái tay) ghép với bộ qua (cái giáo để đâm). Hình tượng này cho thấy, khi quá coi trọng Cảm giác, Suy nghĩ, Lý lẽ của cái “Tôi”, thưc chất đã chuẩn bị vũ khí để chiến đấu với người khác. Khi cái “Tôi” bị phóng đại thành “Duy ý chí”, người ta sẵn sàng đè bẹp lợi ích và quan điểm người khác, và đó chính là Tư duy bất Thiện, là nguồn gốc cái  Ác.

2) Biết tôn trọng Quyền con người

Từ xưa đến nay, từ phương Đông đến phương Tây, những xã hội thịnh trị đều coi trọng “Dân và Trăm họ” hay “Con người và Xã hội”, bởi vì “Đẩy thuyền là Dân nà lật thuyền cũng là Dân”. Lịch sử nhân loại cho thấy, những chế độ áp đặt tư tưởng bằng bạo lực có thể có những kết quả nhất thời, song về lâu dài đều dẫn đến suy thoái và diệt vong.   

3) Biết coi trọng Hiệu quả của Lao động

Hàn Phi, nhà Lý luận chính trị cổ đại, sống hơn 2000 năm trước, người được Tần Thủy Hoàng, vị Hoàng đế thống nhất Trung Hoa rộng lớn thán phục: “Được nói chuyện với con người này, chết cũng không tiếc”. Hãy khoan bàn về lời nói có khí tượng đế vương của Tần Thủy Hoàng, khi ông vua này bày tỏ thái độ khiêm cung, trân trọng Tinh hoa, trân trọng các bậc Hiền tài, bởi vì các vị vua muốn làm nên nghiệp lớn đều phải có thái độ như vậy, để chú ý tới nội dung Hàn Phi bàn về “Hiệu quả” trong công tác lãnh đạo:

“Đạo làm vua là khiến cho bầy tôi phải có trách nhiệm nói, lại phải có trách nhiệm về chỗ không nói. Lời nói không có đầu đuôi, lời bàn không được xác đáng, như thế thì phải chịu trách nhiệm về lời nói. Lấy chuyện không nói để tránh trách nhiệm, để giữ lấy địa vị lớn, như thế là chịu trách nhiệm về chỗ không nói”.

Hàn Phi viết về quan điểm “Hiệu quả” trong khoa học công nghệ cũng rất rõ ràng, theo ông vấn đề không ở chỗ ai giỏi hơn ai, mà là ai phục vụ người khác giỏi hơn, phục vụ xã hội tốt hơn. “… Mặc Tử làm một con diều (thiết bị bay) bằng gỗ, mất ba năm mới xong. Diều bay được một ngày thì hỏng. Học trò của ông ta nói: “Thầy giỏi đến nỗi có thể khiến con diều bằng gỗ bay được”. Mặc Tử trả lời “Ta không giỏi bằng người làm trục xe, làm không mất buổi sáng mà có thể chở ba mươi thạch đi xa, sức chở lớn”.

Hay với quan điểm “Hiệu quả” trong thực thi luật pháp của Hàn Phi. Theo ông, để xã hội có pháp luật thì mỗi người dân phải hiểu pháp luật là cách tốt nhất đáp ứng nhu cầu của họ. Sau đó lại phải biết luật nào dùng cho đối tượng nào? ở đâu? khi nào? v.v.. cuối cùng luật sẽ được áp dụng trong quá trình tố tụng ở tòa án thế nào? Trên quan điểm “Hiệu quả”, cả ba vấn đề này ở Việt Nam còn  nhiều chuyện phải bàn. Vậy mà, trước đây hơn 2000 năm, Hàn Phi đã viết: “Những điều mà kẻ sâu sắc mới hiểu được thì không thể đưa ra làm lệnh, vì dân không phải tất cả đều sâu sắc. Những điều chỉ có người hiền mới có thể làm được thì không thể dùng làm pháp luật, vì dân không phải tất cả đều hiền”.

BA CƠ SỞ ĐỂ TẠO LẬP MỘT MÔI TRƯỜNG XÃ HỘI TỐT ĐẸP THEO TƯ TƯỞNG CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH 

Có thể tóm tắt các quan niệm chủ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong 6 chữ, đó là “Bình đẳng”, “Hội nhập” và “Thống nhất”.

1)  Bình đẳng

“Bình đẳng” được hiểu không chỉ dùng cho Cá nhân, mà còn dùng cho Cộng đồng và Tổ chức. Bình đẳng được hiểu đơn giản là ai cũng có quyền lợi và trách nhiệm như nhau. Không mặc định trước cái gì là “Chủ đạo” và cá nhân nào hay bộ phận xã hội nào là “Lãnh đạo”. Trong xã hội ai có năng lực nào tốt nhất để phục vụ xã hội, đều sẽ được trọng dụng một cách công bằng và hiệu quả. Thực tiễn cho thấy, chỉ có sự bình đẳng thật sự mới phát huy được được sự sáng tạo của cá nhân, Cộng đồng và Tổ chức.

Điều này ngày càng trở nên một yếu tố không thể khác, nhất là trong Cách mạng Xã hội 4.0 với nòng cốt là Cách mạng Văn hóa 4.0 và Cách mạng Công nghiệp 4.0. Đơn giản là trong Thời đại mới này, không một cá nhân nào, một bộ phận xã hội nào có thể “Nghĩ thay”, “Làm thay” cho toàn xã hội.

2) Hội nhập

Hội nhập hay Đoàn kết theo Chủ tịch Hồ Chí Minh được hiểu là cách thức tạo động lực mới từ sự Trân trọng, Liên kết và Thống nhất các sự Khác biệt, kể cả Đối lập.  Trong đó “Liên kết” chỉ cách thức phối hợp để tạo nên động lực mới thông qua sự biến đổi về “Lượng”. “Thống nhất” là cách thức phối hợp để tạo nên động lực mới thông qua sự biến đổi về “Chất”. Lãnh tụ Hồ Chí Minh thường lấy ví dụ một chiếc đũa dễ bẻ gẫy, song sẽ khó bẻ cả bó đũa để minh họa sự biến đổi về “Lượng” và câu ca dao “Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao” để diễn tả sự biến đổi về “Chất”.

Hiện vẫn có ý kiến ngần ngại với Đổi mới thể hiện trong các khẩu hiệu kiểu “Hòa nhập nhưng không Hòa tan” hay “Đổi mới nhưng không Đổi màu”. Nỗi lo lắng này tồn tại là do đến nay vẫn chưa làm rõ việc Đổi mới không phải là kiên định “Màu cũ”, tức giữ nguyên “Lượng cũ”, “Chất cũ”, mà Đổi mới là tạo nên các nguồn lực mới thông qua “Liên kết” các yếu tố tương đồng để có “Lượng mới” và thông qua  “Thống nhất” các yếu tố Khác biệt, kể cả “Đối lập” để có “Chất mới”. Nói cách khác, Đổi mới không chỉ làm đậm đà mầu sắc đã có, mà còn tạo thêm nhiều mầu sắc mới rực rỡ và tươi đẹp.

Đây chính là bản chất triết học của Đổi Mới được xây dựng trên tư tưởng Hồ Chí Minh có cốt lõi là Đoàn kết, Hội nhập với nền tảng là “Trăm điều phải có thần linh Pháp quyền”. Vì thế, một khi hiểu và nắm vững tư tưởng Hồ Chí Minh sẽ yên tâm không còn sợ “Đổi màu” hay “Mất màu”, bởi vì chính Hội nhập và Đổi mới lại bảo vệ và nâng cao bản sắc của cái “Tôi” hay rộng hơn là bảo vệ và nâng cao bản sắc của Quốc gia, của Dân tộc.

3) Thống nhất

Nét đặc sắc nhất của Tư tưởng Hồ Chí Minh là nằm ở sự “Thống nhất”, được thực hiện qua việc Kết nối giữa Con người với Con người, giữa Con người với Thiên nhiên và giữa Con người với Vũ trụ. Đây là nền tảng của Hạnh phúc.

Trong khi những người bình thường hay dễ nhìn nhận và hành động theo cách nhìn chia rẽ hoặc quá thiên về Văn hóa, hoặc quá thiên về Khoa học, hoặc quá thiên về Lãnh đạo, thì Chủ tịch Hồ Chí Minh là thể hiện cao quý cho sự Thống nhất cao độ giữa “Văn hóa”, “Khoa học” và “Lãnh đạo”. Vì thế, với người Lãnh đạo, cũng với như người dân, thì việc học tập tư tưởng Hồ Chí Minh của không nên chỉ dừng ở việc nhớ và hiểu lời của Người, mà phải hiểu trên cơ sở nào mà Người lại “Nói” và “Làm” như vậy.  

Ảnh: Các đại biểu Quốc hội khóa I của Hà Nội ra mắt cử tri ngày 12-1-1946. Bác sĩ Trần Duy Hưng – người đeo kính đứng sau Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông là vị Chủ tịch đầu tiên và lâu nhất của Hà Nội, và đồng thời cũng là một trong những người sớm nhất hiểu được Khái niệm “Thần linh Pháp quyền” được Bác Hồ làm sáng tỏ khi Người mở đầu bản Tuyên ngôn độc lập bất hủ của dân tộc Việt Nam: “Tất cả mọi người sinh ra đều bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được, trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”.

Theo bản Tuyên ngôn độc lập năm 1945, do Chủ tịch Hồ Chí Minh soạn thảo, các quyền của Con người là do tạo hóa ban cho, và là bất khả xâm phạm. Đây là “Thần linh Pháp quyền”  và là pháp luật cao nhất. Các đạo luật do nhà nước ban hành chỉ là thứ phát. Chúng sẽ bị coi là vô hiệu nều trái với “pháp luật của tạo hóa”. Đó là lý do vì sao Chủ tịch Hồ Chí Minh lại dạy: “Trăm điều phải có thần linh pháp quyền”. Đây là điều vô giá mà Chủ Tịch Hồ Chí Minh để lại. Vấn đề là phải biết thắp sáng khối óc của chúng ta bằng tư tưởng của Người. Và sự nghiệp khai sáng cần bắt đầu từ việc Nhận thức và Ghi nhận bản Tuyên ngôn độc lập là nguồn gốc quan trọng nhất cho mọi việc cần làm để đất nước phát triển trong đó có Hiến pháp mới của Việt Nam

Chủ tịch Hồ Chí Minh nói:Cả đời tôi chỉ có một mục đích là phấn đấu cho quyền lợi Tổ quốc và hạnh phúc của quốc dân. Người căn dặn, không được kiên định biện pháp và phải thực hiện theo cách “Kế hoạch một, biện pháp mười”. Nắm vững tinh thần này, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Trân nói về tinh thần Đổi mới của Bác sĩ Trần Duy Hưng:“ Hà Nội xưa là đất Kẻ Chợ, nhiều gia đình có nghề thủ công, cho nên nếu thành phố cho các hộ gia đình phát triển sản xuất thì vừa tạo công ăn việc làm, vừa tăng thêm sản phẩm cho xã hội. Tôi bàn với anh Hưng và được anh ủng hộ về việc cho Hà Nội phát triển thủ công nghiệp trong các hộ gia đình tư nhân“.

Ảnh: Bác sĩ Trần Duy Hưng vẫy chào nhân dân Hà Nội trong Ngày giải phóng Thủ đô, ngày 10-10-1954. Tất cả các công văn, diễn văn, thư từ, điện tín đều do đích thân vị Chủ tịch đầu tiên và lâu nhất của UBND TP Hà Nội  soạn thảo rồi đọc đi đọc lại nhiều lần cho thật trôi chảy. Ngày thường, nếu không quá bận, ai cần cũng có thể gặp được ông. Ông có một cuốn sổ ghi lại hầu hết những cuộc gặp gỡ với từng người dân và nguyện vọng của họ với ký hiệu đánh dấu các trường hợp đã hoặc chưa giải quyết. Thông thạo tiếng Anh, tiếng Pháp và tiếng Trung nên trong các sự kiện ngoại giao, người ta thấy vị Chủ tịch thành phố không cần đến phiên dịch. Ông đón khách với tâm thế như đón những người thân trong nhà.

Ảnh: Bác sĩ Trần Duy Hưng tại Lễ đặt tên phố Điện Biên Phủ, Hà Nội.

Một người con của vị Chủ tịch đầu tiên của UBND TP Hà Nội kể: “Trừ những lúc đi công tác xa hay tham dự các sự kiện nghi lễ, ngoại giao, còn lại cụ tự lái xe đi khắp nơi giải quyết công việc, kiểm tra công tác phòng, chống lụt bão, hộ đê, thăm hỏi chiến sĩ… Cha tôi thích tự làm mọi thứ, không muốn nhờ ai, làm phiền ai”.

Những ngày Hà Nội bị máy bay Mỹ ném bom, ông Chủ tịch thành phố tự lái xe đến tất cả những nơi bị đánh phá, nhiều lần ông trực tiếp giúp các y tá, bác sĩ băng bó cho những người bị thương. Ông trực tiếp tự tay nhặt từng bộ phận thi thể của các nạn nhân trong những trận bom Mỹ… Nhiều người dù bị thương đã không cầm được nước mắt trước tấm lòng của vị Chủ tịch UBND Thành phố. Khi bom Mỹ đánh trúng Đại sứ quán Pháp, dứt tiếng máy bay, cụ đã có mặt để thăm hỏi, chia sẻ khi các nhân viên ngoại giao vẫn còn ở dưới hầm trú ẩn. Người con của vị Chủ tịch đầu tiên của Hà Nội kể: “Cha tôi nói, nhiều người khác có thể làm điều đó, nhưng nhìn cha làm, người dân sẽ thấy ông Chủ tịch thành phố đang ở đây, cùng chúng ta. Vào lúc khó khăn nhất, người dân cần nhìn thấy người lãnh đạo ở bên cạnh mình”.

Hà Nội, ngày 15 tháng 4 năm 2019

TS. Nguyễn Tâm Chính

Bình luận