Xã hội luôn cần nhiều “Không gian Văn hóa”

XÃ HỘI LUÔN CẦN NHIỀU “KHÔNG GIAN VĂN HÓA”

LỜI GIỚI THIỆU

Nói về ngày Lễ Quốc khánh đầu tiên 2/9/1945, trên Quảng trường Ba Đình, ai cũng thấy ấn tượng khi biết một nữ sinh Hà Nội đã cùng một nữ chiến sĩ người Tày mặc áo màu chàm từ chiến khu Việt Bắc về đã kéo cao lá cờ đỏ sao vàng trên kỳ đài, trước lúc Bác Hồ đọc bản “Tuyên ngôn Độc lập” lịch sử.

Ảnh: Nữ sinh Dương Thị Thoa (trái) khi là học sinh trường Đồng Khánh, Hà Nội và cũng là thời gian bắt đầu các hoạt động yêu nước; và Ảnh bà chụp trên quảng trường Ba Đình (phải) nhân dịp kỷ niệm Quốc khánh lần thứ 50, ngày 2/9/1995.

Người nữ sinh Thủ đô đó là Giáo sư Lê Thi, tên thật là Dương Thị Thoa, con Giáo sư Dương Quảng Hàm, Hiệu trưởng đầu tiên của trường Chu Văn An – trường Bưởi dưới thời chính quyền Cụ Hồ. Ông đức độ, nghiêm cẩn, tài năng, học trò thời đó ai cũng kính trọng, quý mến. Giáo sư cũng là một liệt sĩ cách mạng hy sinh từ những ngày đầu cuộc Toàn quốc kháng chiến.

Tháng 9/1946, GS. Lê Thi gia nhập Đảng, phụ trách Hội Phụ nữ Cứu quốc Hoàn Kiếm. Toàn quốc kháng chiến bùng nổ, bà cùng Trung đoàn Thủ đô chiến đấu 60 ngày đêm ở Hà Nội. Trong kháng chiến bà giữ nhiều vị trí công tác khác nhau, trước khi nghỉ hưu năm 2000, bà làm Viện trưởng Viện Triết học, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Gia đình và Phụ nữ (Nay đổi tên là Viện Gia đình và Giới).

Bà đi nhiều, biết nhiều, nhưng bà nhớ nhất những nơi bà đã gắn bó, trưởng thành, đã tham gia hoạt động như gia đình, nhóm các bạn học, một phong trào, một tổ chức, v.v. Bà gọi chung đó là “không gian văn hóa”. Theo bà, càng ít “Không gian Đấu tranh”, càng nhiều “Không gian Văn hóa”, dân tộc càng tiến bộ. Giờ đây tuy sức khỏe không còn được như xưa, song ở bà vẫn còn nguyên ánh mắt trong sáng sôi nổi của cô nữ sinh Đồng Khánh Hà Nội ngày nào khi bà băn khoăn, trăn trở: Làm thế nào để đất nước ta, dân tộc ta có ngày một nhiều những “Không gian Văn hóa”?

Tháng 5/1941, dưới sự chủ tọa của Lãnh tụ cách mạng Nguyễn Ái Quốc vừa mới trở về nước, Hội nghị BCH Trung ương Đảng đã họp và khẳng định: Trong lúc này quyền lợi bộ phận của giai cấp phải đặt dưới sự sinh tử, tồn vong của quốc gia, của dân tộc”. (Văn kiện Đảng toàn tập, T.7, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội 2000).

Có lãnh tụ mới, Đảng đã thay đổi mục tiêu và đường lối đấu tranh phù hợp với giai đoạn cách mạng mới. Nhờ vậy, ngày 2/9/1945 đất nước độc lập. Ngày 2/9/1946, trong cuộc họp mặt với Việt kiều tại Paris, kỷ niệm một năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9, Bác Hồ đã nói về nguyên nhân thành công: “Chính sự đoàn kết, đoàn kết hoàn toàn và không gì phá vỡ nổi của toàn thể nhân dân chúng ta, đã khai sinh ra nước Cộng hoà của mình… Một dân tộc đã có một nền văn hoá lâu đời, nhưng lại có đủ khả năng để trẻ lại…”

Những nội dung lời Bác Hồ nói vừa nêu ở trên đã được GS. Lê Thi, qua những trải nghiệm của chính mình, mô tả sinh động trong bài viết “Xã hội luôn cần nhiều không gian văn hóa. Bài viết gồm ba phần:

Phần 1. Văn hóa và Chính trị là nguồn cung cấp năng lượng thắp sáng ngọn đèn Lý luận;

Phần 2. Xã hội luôn cần “không gian văn hóa” và những người trí thức tạo ra các “không gian văn hóa mới”;

Phần 3. Xã hội dân sự – phức hợp các không gian văn hóa.

Qua những “không gian văn hóa” mà GS. Lê Thi đã trải nghiệm từ trước Cách mạng Tháng 8 đến nay, bài viết đã trình bày chân thực những quan niệm mới dưới góc nhìn “Văn hóa” về những vấn đề mà chúng ta đang quan tâm như: Nguyên nhân nào đã làm xã hội ta vẫn còn lạc hậu? Làm thế nào để đất nước ta phát triển?

Ban Biên tập

———————————————————————–

Phần I
VĂN HÓA VÀ CHÍNH TRỊ LÀ NGUỒN CUNG CẤP
NĂNG LƯỢNG THẮP SÁNG NGỌN ĐÈN LÝ LUẬN
———————————

1. Quan niệm về “Trí thức” và “Không gian văn hóa”.

Bài viết này trình bày các sự việc theo quan niệm “không gian văn hóa”. Có thể hiểu một cách đơn giản, không gian văn hóa là một môi trường xã hội, trong đó thúc đẩy con người “Nghĩ” những ý nghĩ tốt đẹp, “Làm” những việc làm tốt đẹp. Với tôi, “không gian văn hóa”, hay đầy đủ hơn “không gian văn hóa truyền thống” quan trọng nhất là gia đình.

Tôi sinh ngày 3/6/1926 trong một gia đình nhà giáo, ông bà nội, ngoại theo Nho học, còn bố mẹ thì cả Nho học và Tân học, nhờ thế hai cụ đối xử bình đẳng với các con, trai cũng như gái. Bố tôi là Giáo sư Dương Quảng Hàm, ông dạy văn và sử Việt Nam ở trường Bưởi, mẹ tôi bán tạp hóa. Bố mẹ tôi có 8 con, 4 trai, 4 gái. Bốn chị em đều học trường Đồng Khánh, Hà Nội, bây giờ là trường Trưng Vương. Vì là trường nữ sinh, nên chỉ có cô giáo, thỉnh thoảng mới có một thầy dạy vẽ. Chị em tôi sau giờ học ít đi chơi phố và không có các bạn trai.

Từ thâm tâm, tôi rất cảm ơn cha mẹ tôi đã cho tôi ăn học, cung cấp cho tôi những kiến thức quý báu cần thiết cho hoạt động cách mạng sau này, đặc biệt đã rèn luyện trong tôi nếp sống, đạo đức của con nhà giáo: Trọng “Nhân”, “Nghĩa”, “Lễ”, “Trí”, “Tín”, không trọng giầu sang, danh vọng, bạo lực. Với tôi, đó là cơ sở nền tảng, gốc gác cho sự phát triển nhân cách của con người.

Ảnh: Giáo sư Dương Quảng Hàm thời trẻ.

Tôi coi bố tôi – Giáo sư Dương Quảng Hàm không chỉ là người lao động trí óc có bằng cấp mà là một người trí thức thực sự bởi ông đã giáo dục chúng tôi biết yêu cả văn hóa truyền thống, cũng như biết yêu cả những yếu tố của văn hóa mới như bình đẳng, nhân quyền,… và lúc cần thì phải biết đấu tranh cho tiến bộ. Vì thế, với tôi văn hóa gia đình, văn hóa mới, đạo đức cách mạng, đều đan xen ảnh hưởng, không hề mâu thuẫn.

Sau ngày 2/9/1945, bố tôi làm Hiệu trưởng trường Bưởi. Ông cụ bảo “Chính phủ chưa ra lệnh cho hiệu trưởng nghỉ, chỉ mới cho học sinh nghỉ tản cư” nên ngày nào cũng đến trường Bưởi trực, sáng đi tối về. Toàn quốc kháng chiến bùng nổ, bố tôi bố trí mẹ tôi tản cư trước. Sau ngày 19/12/1946 ít hôm, giặc Pháp tràn lên phố Hàng Bông, bắt bố tôi và một số người nữa rồi bắn chết. Có tin là bắn ở khu đất trống ở Tòa án tối cao bây giờ, nhưng không tìm được hài cốt. Bấy giờ gia đình tôi làm mộ giả ở quê, sau này, nhà nước công nhận cụ là liệt sĩ.

Tôi cho rằng có lẽ không riêng tôi mà lớp thanh niên thủ đô, đặc biệt lớp học sinh trẻ tham gia Cách mạng tháng Tám 1945 tại Hà Nội cũng gặp những điều tương tự, tuy hoàn cảnh gia đình có thể khác nhau, nhưng đều tiếp nhận ảnh hưởng của văn hóa truyền thống dân tộc, văn hóa Hồ Chí Minh. Về già thấy thấm thía hơn, rằng những văn hóa này đã góp phần hình thành nhân cách con người Việt Nam thế hệ chúng tôi trong giai đoạn mới của đất nước.

Với tôi, Cách mạng Tháng 8 trước hết là một sự thay đổi vĩ đại mang lại Độc lập cho đất nước, đồng thời tạo nên một “không gian văn hóa mới”. Không gian văn hóa lớn này lại tương tác với các không gian văn hóa khác làm nảy sinh các không gian văn hóa mới. Ví như Cách mạng Tháng 8 đã tác động đến hàng ngàn vạn gia đình, trường học, các nhóm bạn bè, cơ quan, xí nghiệp,… làm những cộng đồng này thêm sức sống mới, tạo nên những hoạt động mới trước đây chưa có.

Sức sống của một xã hội phát triển còn thể hiện ở việc hình thành các không gian văn hóa mới. Đó có thể chỉ là các hoạt động cụ thể như Tuần lễ quyên góp vàng ủng hộ Chính phủ hay phong trào Bình dân học vụ, trong đó người biết chữ tự nguyện giúp người chưa biết đọc, biết viết. Đó cũng có thể là các tổ chức mới, trước đây chưa có như Đoàn Phụ nữ cứu quốc, Đoàn thanh niên Cứu quốc, hay tự vệ sao vuông Thủ đô,…

Có nhiều định nghĩa về trí thức, từ định nghĩa của Mác đến những người khác, song đều xem trí thức là những người hiểu biết, có ý thức về xã hội, dám đấu tranh với cường quyền vì quyền lợi cộng đồng, vì tiến bộ xã hội. Trí thức có thể là người lao động trí óc có bằng cấp cao, nhưng cũng có thể là công nhân hay nông dân. Theo góc nhìn văn hóa, có thể nói, trí thức là những người hiểu biết, có ý thức về xã hội, họ là những người tiên phong trong việc hình thành và vận động những người xung quanh cùng xây dựng những “không gian văn hóa” mới. Đương nhiên, họ đủ dũng cảm để vững vàng trước khó khăn gian khổ.

2. Khi mà Văn hóa và Chính trị đã trở nên lạc hậu, thì ngọn đèn Lý luận dù đã từng sáng chói, song rồi cũng lụi tàn do không đủ năng lượng.

Trước đây tôi làm công tác nghiên cứu lý luận, song nay phần vì sức khỏe, phần vì còn quan tâm các vấn đề khác, nên cũng không tập trung đọc nhiều, không theo sát những đổi mới trong lĩnh vực này. Xã hội Việt Nam hiện nay, bên cạnh những tiến bộ về vật chất thì đáng tiếc về phương diện tinh thần không được như vậy, bởi nhiều tệ nạn hơn, bất an hơn, tiềm năng khủng hoảng trong mọi lĩnh vực, không chỉ trong kinh tế, mà đặc biệt trong trong văn hóa, giáo dục, khoa học,… không ngừng gia tăng.

Tình trạng này dẫn đến một vấn đề hết sức nghiêm trọng, đó là khủng hoảng Niềm tin, nói đơn giản là mất niềm tin. Chúng ta đang mất niềm tin ở sự tiến bộ xã hội, mất Niềm tin ở cộng đồng, mất Niềm tin ở lãnh đạo, v.v.. Có tình trạng trên thường được cho rằng, nguyên nhân là do chúng ta bị Khủng hoảng Lý luậnChính sự lạc hậu đã làm công tác lý luận trở thành cản trở, thậm chí còn đi ngược đà phát triển chung của dân tộc và xu thế tiến bộ của nhân loại.

Dễ có nhận định như vậy bởi công tác Lý luận của chúng ta hiện nay bộc lộ rõ nét ba đặc trưng cơ bản như sau:

Thứ nhất, là lầm lẫn giữa mục tiêu và giải pháp. Đây là căn bệnh cố hữu trong công tác lý luận khi coi Ý thức hệ, vốn là Giải pháp, lại thành Mục tiêu, thậm chí thành tín điều tôn giáo. Vì thế, mới phổ biến các quan niệm kiểu “Bản chất thời đại không thay đổi”; “Kiên định Chủ nghĩa”; “Giữ vững lập trường giai cấp”; v.v.. Điều này báo hiệu những thách thức lớn, nhưng đồng thời cũng báo hiệu những cơ hội lớn đang tới gần, tạo đà cho đất nước thay đổi.

Thứ hai, chậm trễ. Nên nhớ rằng, việc đúng nhưng thực hiện sai thời điểm nói chung là mang lại hậu quả xấu, thậm chí không ít trường hợp còn gây tác hại chẳng kém gì phá hoại. Vậy mà chúng ta hay xem nhẹ, còn thanh minh hộ là do có “động cơ tốt”. Công tác lý luận có ý nghĩa dẫn đường cho chúng ta khỏi lạc hậu với thực tiễn, điều đó ai cũng biết, nhưng dẫn đường thì phải đi trước, chậm trễ đi sau thì hậu quả là cả đoàn, trong đó có mình, đương nhiên là đi lạc.

Lại nhớ lời Đức Phật dạy, kẻ vô minh nhất, tức là những kẻ không “biết” nhất, chính là những kẻ “Hại mình, hại người”. Những người không có năng lực dẫn đường, nhưng lại cứ “quá hăng hái”, không để những người thạo đường làm việc, là thuộc vào trường hợp này, bởi họ sẽ kéo cả đoàn, trong đó có họ, lâm vào tình trạng bế tắc, không có lối ra. Tôi thấy Bác Hồ cái gì cũng “BIẾT”. Vì vậy, thế giới mới suy tôn là Danh nhân Văn hóa. Người nói, lãnh đạo phải biết lao động chân tay, công nhân phải biết về quản lý. Người cũng dạy “Không biết thì chỉ là chính trị xuông, không lãnh đạo được”. 

Thứ ba, chưa biết và chưa dũng cảm nhận khuyết điểm, không minh bạch. Lý luận trước hết là khoa học. Đây không phảỉ là khoa học tự nhiên hay khoa học xã hội, càng không phải là khoa học công nghệ, mà là khoa học thống nhất các khoa học. Nên nhớ, đặc tính đầu tiên của khoa học là tính logic nội tại. Điều này có nghĩa sẽ không khoa học, khi trong cùng một sự việc mà câu trước thì “phải đột phá”, câu sau thì “phải kiên trì”. Như thế là “chưa biết” về khoa học, mà “chưa biết” thì như Bác Hồ nói, không thể làm lãnh đạo được, nhất lại là lãnh đạo Lý luận.

Đánh giá về nguyên nhân của tình trạng này, tôi cho rằng, không chỉ sự yếu kém của công tác lý luận gây nên tình trạng văn hóa, chính trị, kinh tế – xã hội ta chậm phát triển, mà cũng như giáo dục, khoa học,…, chính Lý luận cũng bị ảnh hưởng tiêu cực do bởi Chính trị và Văn hóa đi xuống. Vấn đề là, để Việt Nam có được nhiều những ngọn đèn lý luận khác nhau chiếu rõ con đường phát triển, chúng ta cần làm gì?

3. Văn hóa mới, Chính thể mới, tạo nên từ Văn hóa, Chính thể Hồ Chí Minh, kết hợp với tinh hoa văn hóa của nhân loại,  sẽ tiếp nguồn năng lượng, tạo nên sức sống mới cho lý luận.

Cổ nhân nói “Ngõng cửa xoay không có mối mọt, dòng nước chảy không có bọ gậy”, việc “Kiên định không thay đổi” sẽ tạo nên các “Không gian thiếu văn hóa”, còn “Sáng tạo và dũng cảm thay đổi” sẽ tạo ra các “Không gian văn hóa mới”. Có thể nói, tạo ra các “không gian văn hóa mới” chính là nhu cầu thiết yếu, đang ngày một tăng của xã hội và là nghĩa vụ của người trí thức.

Thực tiễn cho thấy Văn hóa Hồ Chí Minh, chính thể Hồ Chí Minh không chỉ xuất phát và nâng tầm văn hóa truyền thống Việt Nam, mà trong đó còn có tính thời đại. Khác hẳn với triết lý cốt lõi “Đấu tranh giai cấp” của Chủ nghĩa Mác – Lênin, chỉ biết có công, nông; Triết lý “Đoàn kết” của Bác Hồ, không phân biệt tôn giáo, chính kiến, v.v., rất gần với bản chất “Hội nhập” hôm nay của nhân loại.

Tôi nghĩ, Học thuyết nào cũng chỉ là công cụ, nó ví như con dao, trong tay kẻ ác thì là công cụ xấu, trong tay người lao động lương thiện thì là công cụ tốt. Internet cũng vậy, nó làm con người gần nhau, hiểu biết hơn nhưng cũng không ít trường hợp, nó lại thúc đẩy những dục vọng tầm thường, và một ví dụ nữa, nọc rắn độc, chất gây nghiện, v.v., rất có hại song trong y tế lại có tác dụng tốt. Vì thế, “Thay đổi Ta” chính là cái “Dĩ bất biến” mà Bác Hồ đã dùng để “Ứng” và đưa cả dân tộc băng qua muôn “Vạn biến”?

Phần II
XÃ HỘI LUÔN CẦN “KHÔNG GIAN VĂN HÓA” VÀ NHỮNG
NGƯỜI TRÍ THỨC TẠO NÊNKHÔNG GIAN VĂN HÓA” MỚI
———————————

1. Từ 17-19/8/1945, người dân Hà Nội, dẫn đầu là thanh niên học sinh, sinh viên, được Việt Minh lãnh đạo, đã xây dựng thành công một không gian văn hóa vĩ đại.

Năm 1943, tôi học năm thứ 4 Thành chung, bà Giám đốc Pháp bắt học sinh các lớp tập hát, múa, đóng kịch, tổ chức lễ hội yêu nước để lấy tiền ủng hộ Mẫu quốc Pháp. Có ông Lưu Hữu Phước đến dạy hát, ông Thế Lữ hướng dẫn tập vở kịch “Tục lụy”. Chúng tôi rất vui vì chưa bao giờ quang cảnh trường học lại tự do và thoải mái như vậy.

Sau ngày lễ đó, chúng tôi lại làm một buổi biểu diễn riêng lấy tiền ủng hộ Hội truyền bá quốc ngữ. Trong buổi đó chị bạn cùng lớp tôi là Nguyễn Thị Tâm (bí danh hoạt động là Tuyết Minh), mới hỏi tôi: “Có thích đọc báo không?”, tôi hỏi báo gì, chị ấy nói: “Báo chiến khu chuyển về”. Tôi tò mò xin đọc. Hóa ra là Báo Cứu Quốc. Chị ấy nói đọc xong thì chuyển cho người khác. Ý thức yêu nước của chúng tôi bắt đầu như thế.

Như đã nói, với tôi Cách mạng Tháng 8 là một không gian văn hóa vĩ đại nhưng gần gũi. Vì là một không gian văn hóa, cho nên nó phải do những người trí thức thực hiện. Việc tạo lập “Không gian văn hóa” này với tôi bắt đầu từ chị bạn cùng lớp Tuyết Minh, sau này là chính trị viên đại đội thuộc Trung đoàn Thủ đô. Khi đó chị đã vào Mặt trận Việt Minh. Qua Báo Cứu quốc, qua chị ấy tôi biết thêm về Việt Minh, về cụ Nguyễn Ái Quốc…; Với tinh thần yêu nước, tôi cố gắng phổ biến báo chí, tổ chức quyên góp tiền, gạo, muối, cá khô, thuốc men để gửi lên chiến khu, còn gửi thế nào tôi không biết. Đương nhiên, chúng tôi càng chưa bao giờ nghe nói đến Chủ nghĩa xã hội, tới chủ nghĩa Mác – Lênin.

Lúc bấy giờ tổ chức Việt Minh gồm có Đoàn Phụ nữ cứu quốc, Đoàn Thanh niên cứu quốc và Mặt trận Việt Minh. Tháng 1/1945, tôi chính thức được vào Đoàn Phụ nữ cứu quốc, lễ kết nạp tổ chức bí mật tại nhà chị Hảo ở Phà Đen. Nhiệm vụ tôi vẫn là đi tuyên truyền và tổ chức quyên góp. Hơn một tháng trước ngày khởi nghĩa, chị Tuyết Minh nói với tôi là chuẩn bị lên chiến khu. Tôi mừng lắm, không nói với ai trong gia đình, lặng lẽ gói ghém quần áo. Nhưng thực ra có lên chiến khu gì đâu, mà đến ở nhà chị ấy để chuẩn bị cho khởi nghĩa. Chúng tôi học các bài hát Diệt phát xít, Tiến quân ca, đọc báo Cứu quốc,…

Ngày 17/8/1945, chúng tôi tập hợp trước quảng trường Nhà hát lớn để dự mít tinh của Tổng Hội viên chức do Chính phủ Trần Trọng Kim tổ chức. Được ít phút là lá cờ đỏ sao vàng từ gác hai nhà hát buông xuống, rồi hai chị đại diện Mặt trận Việt Minh xuất hiện. Chúng tôi hô khản giọng “Muôn năm Việt Nam”, “Việt Minh muôn năm”, rồi vẫy tung cờ đỏ sao vàng bằng giấy đã chuẩn bị sẵn. Từ đó, chúng tôi tỏa ra các phố, vừa đi vừa hát và hô vang các khẩu hiệu. Càng đi đoàn người càng đông, vừa biểu dương và thu hút lực lượng cho Việt Minh.

Ảnh: Mít tinh ngày 17/8/1945 tại Nhà hát Lớn. Từ mít tinh ngày 17/8/1945 tại Quảng trường Nhà hát Lớn của Tổng hội viên chức Chính phủ Trần Trọng Kim, đã biến thành cuộc tuần hành quần chúng theo Việt Minh. Khí thế của quần chúng và thái độ “Đặt quyền lợi Tổ quốc trên hết” của chính phủ cũ đã góp phần làm nên cuộc Cách mạng Tháng 8 không đổ máu.

Đến ngày 19/8/1945 thì số người tham gia lên rất đông. Sau khi dự mít tinh và nghe đại diện Việt Minh tuyên bố đánh đổ phát xít Nhật và thực dân Pháp, giành chính quyền về tay nhân dân, chúng tôi tỏa đi các nơi. Chúng tôi được chỉ định cướp trại Bảo an binh ở Hàng Bài. Chúng tôi là con gái nên được đưa lên hàng đầu, giáp mặt với lính Nhật gác cửa trại. Cả đoàn hò hét: Mở cửa ra, hạ súng xuống! Hai lính Nhật lăm lăm súng nhưng cũng phải mở cửa. Mọi người ùn ùn kéo vào rầm rộ chiếm trại lính, cử người gác những điểm quan trọng, còn lại đi động viên, thuyết phục lính bảo an ủng hộ Cách mạng.

Chính trong dịp này, tôi biết ông Đinh Ngọc Liên, nhạc trưởng đoàn quân nhạc trại Bảo an binh, ngày ấy vẫn gọi là ông Quản Liên. Ông ấy bảo: “Tưởng Việt Minh thế nào, hóa ra toàn các cô thiếu nữ quần trắng áo dài”. Ông Liên đã gặp ông Vương Thừa Vũ, trung đoàn trưởng Trung đoàn Thủ đô và đã đưa cả đội kèn về với Việt Minh, đây là tiền thân của tiểu đoàn quân nhạc quân đội ta tháng 11/1955 đã đón Bác Hồ, Trung ương Đảng và Chính phủ về Thủ đô.

Ông Liên có nhiều công với cách mạng và được phong hàm đại tá. Nhưng đó là chuyện sau, còn lúc đó, trong không khí phấn khởi, ông chỉ huy dạo nhạc cho chúng tôi hát Tiến quân ca, Diệt phát xít. Sau khi chiếm xong trại Bảo an binh, vài ngày sau chúng tôi được lệnh rút khỏi trại trở về khu phố tuyên truyền cho bà con về Mặt trận Việt Minh, chuẩn bị cho ngày Tuyên ngôn Độc lập 2/9/1945.

Ảnh: Năm 1989, GS. Lê Thi (áo trắng) và bà Đàm Thị Loan mới gặp nhau lần thứ hai, sau 44 năm kể từ ngày 2/9/1945. Khi đó Bà Loan là Trung tá, phu nhân Đại tướng Hoàng Văn Thái. Đây là những bức ảnh đầu tiên của người nữ sinh Hà Nội mặc áo dài trắng và người nữ du kích áo chàm năm xưa của chiến khu Việt Bắc đã cùng kéo cao cờ đỏ sao vàng trên kỳ đài trước lúc Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập.

2. Không gian văn hóa cảm động – Ngày Lễ lớn của dân tộc, 2/9/1945.

Chúng tôi cố vận động nhân dân đi thật đông. Đoàn thể nào vận động đối tượng đó. Ai cũng náo nức, mong thấy Cụ Hồ. Ngày 2/9/1945, các cửa hiệu hầu hết đóng cửa, mọi người rầm rập kéo về Quảng trường Ba Đình. Phụ nữ ngoại thành áo nâu, quần đen, chít khăn mỏ quạ. Phụ nữ nội thành áo dài, quần trắng. Thanh niên sơ mi cộc tay, quần soóc. Công nhân quần áo xanh, các đoàn tu sỹ mặc áo đen, khăn trắng, các nhà sư thì mặc áo nâu, áo cà sa vàng. Đội quân ở chiến khu về quần áo nâu chàm. Tự vệ Hà Nội mũ ca lô xanh, phù hiệu vuông,…Tôi ở đoàn phụ nữ Liên khu I, áo dài quần trắng, đi giày ba ta, tay cầm gậy để giữ trật tự.

Đoàn chúng tôi ngay hàng đầu, nên khi cần người lên kỳ đài kéo cờ là mọi người giục: “Lê Thi lên đi”. Người thứ hai là một chị du kích người Tày, áo chàm, quần bó cạp. Cả hai không quen nhau, cùng hồi hộp, lo lắng kéo cờ. Khi bài Tiến quân ca kết thúc, cũng là lúc lá cờ tới đỉnh, tung bay lồng lộng trong nắng vàng tháng 8, khi đó chúng tôi mới nhìn nhau vui sướng, thở phào nhẹ nhõm.

Đây là lần đầu tiên tôi được ở gần Cụ Hồ, được nghe giọng Bác “Tôi nói đồng bào nghe rõ không?” Mắt tôi rưng rưng khi nghe Cụ đọc bản Tuyên ngôn Độc lập. Sau buổi lễ, chúng tôi chia tay nhau, không ai biết tên ai. Mãi đến năm 1989, qua Báo Quân đội nhân dân chúng tôi mới được gặp lại và mới biết tên chị du kích người Tày năm xưa là chị Đàm Thị Loan, vợ Đại tướng Hoàng Văn Thái.

3. Những không gian văn hóa mới, từ 2/9/1945 đến 19/12/1946.

Vào thời gian này tôi vừa là Hội trưởng Hội Phụ nữ cứu quốc khu Hoàn Kiếm, vừa tham gia Đoàn thanh niên, đội Tự vệ chiến đấu, đội Tuyên truyền xung phong. Việc gì tôi cũng làm, từ vận động quần chúng biểu tình “biểu dương lực lượng” nhân dịp phái đoàn Mỹ thay mặt Đồng Minh nhận thư đầu hàng của phát xít Nhật đến kêu gọi thanh niên Nam tiến, chiến đấu cùng đồng bào miền Nam. Rất nhiều buổi tiễn đưa thanh niên nam, nữ Nam tiến đã diễn ra tại ga Hàng Cỏ.

Chúng tôi tuyên truyền chủ trương Đại đoàn kết của Bác Hồ, khuyên nhân dân bình tĩnh, đặc biệt là với quân Tàu Tưởng, không nghe các đảng phái phản động. Những cuộc nói chuyện được tổ chức ở các rạp hát Olympia (Hồng Hà), Philamonique (Bờ Hồ), Palace (Hàng Khay),… Đến 1/1/1946 là ngày thành lập Chính phủ Liên hiệp lâm thời, lại hướng dẫn người dân đi bầu cử và giải thích vì sao phải dành 80 ghế không qua bầu cử cho các đảng phái khác, vừa nói để đồng bào hiểu là Đảng nói giải tán nhưng Bác Hồ, ông Phạm Văn Đồng, ông Võ Nguyên Giáp,… vẫn lãnh đạo Chính phủ.

Ngày 6/1/1946, lần đầu tiên người dân được cầm lá phiếu đi bầu Quốc hội, và sau đó thông qua bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Tôi may mắn hơn nhiều anh chị em vì vừa đủ tuổi được bỏ phiếu Quốc hội khóa I, nhưng ngay ở Hà Nội ngày ấy cũng còn nhiều người chưa biết đọc, biết viết. Tôi phải đọc giúp và ai nấy đều chọn người đầu tiên để bỏ phiếu là Bác Hồ.

Trong cuộc mít tinh trước nhà hát Lớn thành phố, Bác đã giải thích về chủ trương ký Hiệp định và đã phải giơ tay thề: “Tôi thề không bao giờ bán nước”. Chúng tôi ôm nhau khóc vì lòng kính yêu Bác, vì sự tin tưởng tuyệt đối dành cho Người. Nghe Bác thề, vừa đau lòng, vừa căm giận bọn phản động nói láo. Đây cũng là một kỷ niệm – một không gian văn hóa khó quên trong cuộc đời tôi.

Phong trào Tuần lễ vàng bắt đầu từ tháng 9/1945. Liên khu I có nhiều nhà giàu có ở các phố Hàng Bông, Hàng Gai, Hàng Đào, Hàng Ngang… nên chúng tôi tích cực kêu gọi đóng góp tiền, vàng bạc cho Quỹ Cứu quốc – Kiến quốc. Bản thân tôi cũng ủng hộ đôi xuyến vàng đeo tay. Đến thu là có giấy biên nhận, ghi sổ, danh sách công bố toàn thành phố. Nhờ đó ta thu được nhiều tiền, và hơn cả là sự tin tưởng, ủng hộ của nhân dân với Chính phủ kháng chiến mới thành lập.

Ảnh từ trên: Chính phủ ra mắt Quốc hội ngày 3/11/1946; Các nhà hằng tâm, hằng sản góp tiền vàng cho Quỹ Cứu quốc, Quỹ Độc lập ở Nhà hát Lớn.

Chúng tôi tham gia phong trào Bình dân học vụ ngay tại phố Hàng Bông, Hàng Gai. Theo học có cả nam, nữ, phần lớn là những người giúp việc trong các gia đình Hà Nội, nên học thường vào buổi tối. Mỗi lớp có 1 giáo viên và 2 phụ giáo. Chúng tôi còn được huy động học lớp huấn luyện thể dục ở khu Việt Nam học xá (nay là trường Kinh tế quốc dân). Sau một tháng học, tôi về vận động nữ thanh niên tham gia tập thể dục buổi sáng. Chúng tôi thường chạy quanh hồ Hoàn Kiếm, vừa chạy vừa hô “Khỏe vì nước, kiến thiết quốc gia”.

Ảnh: Người dân Hà Nội với phong trào bình dân học vụ năm 1946.

Ảnh: Bà Lê Thi (giữa) và các bạn trong trang phục “Đời sống mới” chuẩn bị để dự Lễ kỷ niệm Quốc khánh 2/9/1946.

Phong trào Đời sống mới vận động chị em cắt tóc ngắn, mặc váy màu xanh, sơ mi trắng. Ngày 2/9/1946, kỷ niệm Quốc khánh ở Nhà hát thành phố, sau đó đi biểu tình. Trời đổ mưa, nhưng chúng tôi vẫn đi, dù váy xanh phai màu, ướt cả bít tất trắng. Chúng tôi tham gia lớp Huấn luyện thanh niên do Bộ Thanh niên tổ chức. Lớp có nam, nữ thanh niên và một vị ni cô cũng tham gia. Tối nào cũng thay phiên gác đêm. Tôi nhớ khi lên lớp ai buồn ngủ sách vở rơi xuống đất là cả lớp cười vang. Vị ni cô là hay ngủ gật nhất. Có lẽ vì nghe cũng chán!

 4. Không gian văn hóa đồng đội – 60 ngày đêm cùng Trung đoàn Thủ đô.

Tôi vào Đội tự vệ chiến đấu thành Hoàng Diệu từ cuối 1945. Tháng 9/1946, tôi được kết nạp Đảng và sinh hoạt tại Chi bộ Hoàn Kiếm. Trước ngày Kháng chiến toàn quốc, chúng tôi được lệnh chuẩn bị chiến đấu và vận động nhân dân tham gia chiến đấu. Anh em tự lo vũ khí. Chủ yếu là lựu đạn, súng lục, giáo, mác. Tôi được Chi bộ cho một quả lựu đạn và xin được một khẩu súng lục nhỏ, đạn 6×35.

Ảnh: Ngăn đường làm ụ chiến đấu.

Ảnh: Ban Chỉ huy Trung đoàn Thủ đô bàn kế hoạch tác chiến.

Sau đó ít hôm thì tôi vào Đội tuyên truyền, úy lạo của Trung đoàn Thủ đô, đóng tại 78 phố Hàng Bạc. Chúng tôi đến các đơn vị lấy tin tức các trận đánh để báo Chiến thắng công bố. Báo bốn trang, ra hàng ngày. Có máy in với hai thợ in ở dưới nhà, giấy in người ta đi tản cư bỏ lại. Sau đó chúng tôi mang báo đến các trận địa và Quân y viện tại phố Hàng Buồm đọc cho thương binh nghe. Thức ăn của Trung đoàn Thủ đô dựa vào thực phẩm dân để lại, rất thiếu rau tươi. Nhiều chị cấp dưỡng ban đêm mạo hiểm bò ra bãi ven sông Hồng để lấy rau về cho anh em các đơn vị. Về sau chị em có sáng kiến ngâm đỗ xanh làm giá và xay đỗ tương làm đậu phụ.

Tôi nhớ mãi Tết Đinh Hợi 1947. Trung đoàn đón Tết cùng cộng đồng người Hoa ở Hàng Buồm. Quà Tết quý nhất là thư Bác chúc Tết chiến sỹ Trung đoàn Thủ đô. Chúng tôi đến các ụ chiến đấu đọc thư Bác. Có đồng chí thương binh bị uốn ván, lưng đã cứng, yêu cầu đỡ dậy để nghe thư Bác. Vừa đọc chúng tôi vừa khóc vì tình cảm của Bác và vì thương anh. Thay quà Tết, chúng tôi hát cho các anh nghe, lại kiếm ruy băng tết thành nơ, gắn cho mỗi chiến sỹ. Tôi còn nhớ các anh đề nghị gắn nơ cho một chiến sỹ hi sinh, đã bó chiếu. Tôi rất sợ, nhưng vẫn mở chiếu gắn chiếc nơ đỏ vào ngực anh rồi bó chiếu lại. Đó là một kỷ niệm sâu sắc đối với tôi.

Ngày 15/1/1947, hai bên thỏa thuận ngừng bắn một ngày để dân rút ra. Nhân đó, một số bộ đội, thương binh của ta rút ra ngoài an toàn. Lúc này, lực lượng Trung đoàn Thủ đô và dân còn lại khoảng hơn 1.000 người. Ngày 17/1/1947, Trung đoàn Thủ đô làm Lễ quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh tại rạp Chuông vàng Thủ đô ở phố Hàng Bạc. Chúng tôi hăng hái giơ tay thề. Buổi lễ diễn ra trang trọng lắm!

Ngày 17/2/1947, được lệnh rút lui. Chúng tôi hụt hẫng vì đã thề quyết tử bảo vệ Thủ đô. Cấp trên mới giải thích là theo lời Bác, ta rút lui chuẩn bị lực lượng rồi lại tấn công. Lệnh rút phổ biến trong Chi bộ buổi sáng, buổi chiều thông báo, buổi tối rút lui. Lúc đó rét lắm, chúng tôi đi hàng một, nối đuôi nhau đi từ phố Hàng Bạc, Hàng Muối đến cột Đồng hồ, rồi xuống bãi rau ven sông Hồng. Bắt đầu đi từ 7 giờ tối, mà khi tốp đầu qua sông thì đã 3 giờ sáng. Nhìn lại Thủ đô thấy bầu trời khói lửa mù mịt, do ta đốt lửa để nghi binh quân Pháp.

Ảnh: Đơn vị nữ Trung đoàn Thủ đô trong chiến dịch rút lui thần kỳ. GS. Lê Thi không đội mũ và bà Tuyết Minh đi ngoài hàng.

Lễ mừng công tổ chức ở làng Thượng Hội, huyện Đan Phượng, tỉnh Hà Đông với sự có mặt của đồng chí Võ Nguyên Giáp. Trung đoàn Thủ đô được chính thức tặng danh hiệu và lá cờ truyền thống thêu 4 chữ “Trung đoàn Thủ đô”. Tinh thần đang hăng hái nên khi rút ra khỏi Thủ đô, được đồng bào hoan hô, lại thấy xấu hổ vì đã chẳng bảo vệ được lại còn rút lui. Tâm trạng lúc ấy rất buồn, người ngoài không thể nào hiểu được.

5. Không gian văn hóa tại Vĩnh Yên từ 5/1947 đến 8/1948.

Sau khi rời Trung đoàn Thủ đô, tôi về Phú Thọ làm công tác tăng gia sản xuất, sau đó tôi được điều động về công tác ở Vĩnh Yên. Tôi về đấy cũng là dịp Đại hội Phụ nữ tỉnh. Khi khai lý lịch, tôi chỉ khai là biết đọc, biết viết, vì ở đây toàn chị em nông dân, nếu khai được học hành tôi sợ chị em ngại và xa lánh. Sau đó tôi được bầu vào Ban Chấp hành và được phân công làm Phó Bí thư, giống như Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ tỉnh bây giờ. Trước khi nhận công tác, những cán bộ ở Hà Nội và các nơi khác về đều được cấp tiền để may quần áo như “nông dân”.

Thời đó các cán bộ dân vận, phụ nữ, thanh niên… đều không có phụ cấp. Đến 1954 tôi về Hà Nội mới có phụ cấp hàng tháng. Tuy vậy, thỉnh thoảng tôi cũng xin mẹ tôi được mấy đồng. Ngoài ra, hàng tháng đi công tác dưới xã, bà con cho ăn, khi về cấp dưỡng trả bằng tiền bữa không ăn. Cho nên chăm xuống xã thì cũng có chút tiền.

Tôi có trách nhiệm gặp gỡ phụ nữ nông dân và vận động ủng hộ kháng chiến. Khó là phải bớt nói năng kiểu “tiểu tư sản”. Tôi là cán bộ tỉnh được nhận công tác ở huyện Tam Dương, nơi ông Kim Ngọc là Bí thư huyện, sau là ông Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Yên. Ông ấy cứ đi chợ về lại bảo: “Hôm nay có mấy con “tạch tạch sè” (tiểu tư sản) lượn ra lượn vào, nom tức cả mình”. Tôi nghe vậy sợ lắm, không dám cãi. Ông ấy nói: “Các cô có thói quen gì ở thành phố thì phải bỏ đi. Nói là phải nói như dân. Xuống địa phương, phải quan sát người nông dân… Ăn mặc thì giống rồi, nhưng biết ăn nói thế nào cho như nông dân? Tôi với một chị cán bộ người Hà Nội, vài tháng gặp nhau mới dám than thở, chứ bình thường thì im lặng chịu đựng.

Ảnh: Bà Lê Thi những năm ở Vĩnh Yên, 1947.

Mặc dù đã “vô sản hóa” bằng cách chít khăn mỏ quạ, mặc áo nâu, song vì không “hóa” được chất trí thức nên bà Lê Thi vẫn bị Bí thư huyện ủy Kim Ngọc gọi là “tạch tạch sè” tức tiểu tư sản – cách quan niệm trí thức theo Trung Quốc. Tiểu tư sản tức là có ít tư sản, đỡ xấu hơn tư sản nhưng còn xa mới là vô sản.

Vào năm 1947, kháng chiến vừa bùng nổ, ở Vĩnh Yên người dân chưa biết nhiều, Tây cũng chưa đánh đến đó. Tôi được giao vận động người dân tham gia Hội Phụ nữ cứu quốc, và ủng hộ kháng chiến dưới hình thức “Hũ gạo kháng chiến”, mỗi bữa bớt lại một nắm gạo, hoặc ít tiền. Người dân nghèo nhưng cũng ủng hộ bộ đội bằng tiền. Trong suốt thời kỳ đầu kháng chiến, ta chưa liên hệ được với Trung Quốc, Liên Xô cũng chưa giúp đỡ, chỉ trông cậy vào dân. Bộ đội sống nhờ dân góp gạo, góp tiền. Công lao của nhân dân là vô cùng to lớn.

Ở địa phương phụ nữ trẻ rất nhiều. Họ thích nghe hát, các bài hát chiến khu, cách mạng… Nên xuống đến nơi là cán bộ phải hát, không hát là họ không thích, cứ phải hát cho họ nghe để họ phấn khởi rồi mới nói chuyện. Tôi nhớ cốt nói được chuyện ủng hộ bộ đội Cụ Hồ, ủng hộ kháng chiến. Sau đó mới quay lại xem ủng hộ được bao nhiêu gạo, bao nhiêu tiền và tiếp tục vận động. Phong trào kéo dài suốt thời gian kháng chiến, dạo đầu làm tích cực lắm. Bộ đội phải trông cậy ở dân nên song song với phong trào Hũ gạo kháng chiến, có phong trào Tăng gia sản xuất ở nông thôn.

Chị em nói muốn thuyết phục được dân thì phải xuống làm cùng. Thế là tôi làm việc nhà giúp nông dân, trồng rau, nuôi lợn, rồi đi cấy. Mới đầu thì cấy ruộng cạn, người ta cấy khóm lúa thẳng đứng, tôi cấy không hiểu sao cứ xòe bát hương, làm chị em cười ầm cả lên, nhưng rồi cũng tạm được. Nhổ mạ hay đi gặt thì dễ hơn. Cấy lúa dưới nước thì tôi chịu hẳn, chỉ nhìn chứ không thể làm được. Cán bộ sống với dân, ở với dân, ăn với dân thì phải làm cùng dân. Dù tôi không làm được gì nhiều, họ làm gì thì làm theo, khiến họ buồn cười nhưng vẫn làm. Mỗi lần xuống ở với dân mươi ngày là mệt phờ, nhưng rất vui.

6. Không gian văn hóa tại Tuyên Quang, từ 1948 đến 1950.

Khoảng giữa năm 1948, tôi có quyết định được điều động lên tăng cường cho tỉnh Tuyên Quang. Nói đến Tuyên Quang cũng ngại lắm, vì có đồng bào Tày nên không biết sẽ ăn nói thế nào. Nhưng đã có quyết định là đi. Đi bộ từ Vĩnh Yên qua Phú Thọ lên Tuyên Quang, mất 9 ngày. Bấy giờ tôi là Chủ tịch Hội Phụ nữ tỉnh, cô em họ là thư ký, một chị làm Phó chủ tịch, một chị làm thường trực. Chúng tôi nhờ người dân dạy tiếng Tày, may là học tiếng Tày cũng dễ. Chỉ có điều, các huyện cách nhau 6 – 7 chục cây số, mà toàn là đi bộ, nhưng tôi vẫn thường xuyên đi.

Lên trên này tôi thay đổi cách ăn mặc, không phải mặc quần áo nông dân nữa. Trên đây đi lại khó khăn nên tôi đeo một chiếc ba lô xin được. Xuống xã gặp chị em người Tày cũng đơn giản hơn. Cán bộ phụ nữ đến cũng vẫn phải hát, nhưng nói chuyện thì chỉ cần nói ý chính và đơn giản. Lúc đó có hai phong trào là tăng gia sản xuất và ủng hộ kháng chiến. Tăng gia sản xuất là để tự túc về đời sống, đồng thời để có thể ủng hộ gạo cho kháng chiến, vì thế chúng tôi kết hợp hai phong trào đó với nhau.

Ảnh: GS. Lê Thi và các đồng đội cũ bên cạnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đây cũng là một “Không gian văn hóa” của bà.

Còn phong trào Mùa đông binh sĩ là vận động nhân dân ủng hộ tiền để mua áo rét cho bộ đội. Bên cạnh đó là động viên thanh niên đi bộ đội, vì trên miền núi cần người vào bộ đội địa phương. Người Tày thực thà, đơn giản, họ muốn việc làm phải có kết quả rõ. Nếu họ ủng hộ cái áo thì phải bảo đảm đến tay bộ đội. Hai là nhắc đến Bác Hồ thì họ rất tin tưởng, vì trước Bác Hồ đã ở vùng đó.

Ở Tuyên Quang mỗi lần xuống xã phải đi 5 – 6 chục cây, đi một mình và mất một hai ngày. Do không có kinh phí nên ít triệu tập các huyện về tỉnh họp. Khi nào các chị em địa phương cần mới lên tỉnh hỏi. Bấy giờ công tác dân vận là chính nên ít văn bản, nghị quyết và ít phải làm báo cáo. Phong trào học chữ Quốc ngữ ở miền núi lúc đó cũng kém, vì số đông đồng bào chưa nói được tiếng phổ thông – tiếng Kinh. Nhưng ở Tuyên Quang thì ăn uống tốt hơn: có cơm, rau, măng, cá, …

Từ năm 1945, tôi dự lớp huấn luyện tuyên truyền của ông Trần Huy Liệu, qua đấy tôi biết anh Hồng Hà, chồng tôi hiện nay. Anh cho tôi mượn sách báo… và cũng là người cho tôi khẩu súng lục 6×35. Chiến sự bùng nổ thì anh ấy ở ngoài, còn tôi ở trong Hà Nội. Sau tôi lên Vĩnh Yên thì anh ấy lại bận việc bên Quận 6, vì anh ấy là Công an. Mãi đến khi lên Tuyên Quang, anh ấy họp trên Việt Bắc mới hay ghé thăm tôi. Đầu năm 1949, ông Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Công an tỉnh giục chúng tôi tổ chức cưới trước khi anh Hồng Hà đi học ở nước ngoài.

Các học viên lớp anh Hà mời nhà gái lên rồi tổ chức cưới luôn. Thế là nhà gái lũ lượt từ Tuyên Quang đi bộ đến tận Bắc Cạn, nơi anh Hồng Hà đang tập trung, dẫn đầu là ông thường vụ Tỉnh ủy. Tôi vừa bị sốt rét, chân lại đau nên mọi người cho ngồi trên ngựa. Lúc qua suối, ngựa trượt chân làm tôi ngã xuống suối. Sợ quá, không dám ngồi ngựa nữa mà cứ tập tễnh đi. Ông Hoàng Quốc Việt làm chủ hôn. Đám cưới đơn giản nhưng vui lắm, có bánh kẹo, mua ở vùng tự do, có vài mâm cơm mời mọi người. Tôi mang theo một chiếc áo dài từ khi rời Hà Nội. Hai vợ chồng bàn nhau chưa vội có con. Anh ấy đi đến năm 1954 mới về, đến giữa 1955 chúng tôi sinh con đầu lòng. Nhớ khi đó, phần lớn chúng tôi còn trẻ, lại có phong trào “ba khoan” – “khoan” yêu, “khoan” lập gia đình, và “khoan” có con.

Ảnh cưới Ông, Bà Hồng Hà, Lê Thi ngày 17/4/1949 tại huyện Định Hóa, Bắc Cạn. Ông bà quen nhau rồi nên vợ, nên chồng, nhờ cùng tham gia từ những ngày đầu kháng chiến, bảo vệ Độc lập, Thống nhất của Tổ Quốc.

7. Không gian văn hóa ở Hà Nội tạm chiếm, từ 5/1950 đến 5/1954.

Tháng 3/1950, tôi đi dự Đại hội Phụ nữ toàn quốc lần thứ nhất gặp chị Như, Chủ tịch Hội phụ nữ Hà Nội, chị ấy xin tôi và một số chị em nữa về Hà Nội công tác. Tôi nghĩ được về Hà Nội ngay, nhưng rồi lại đi lên chợ Bến, Hòa Bình. Hóa ra phải lên khu căn cứ Thành ủy Hà Nội trước. Cuộc sống ở đây cũng khó khăn lắm. Dân nghèo, cán bộ có cơm ăn là mừng rồi. 

Hàng ngày chỉ ngồi đọc chỉ thị, nghị quyết, tôi thấy rất bức bối. Có lần tôi gặp ông Trần Quốc Hoàn, Bí thư Thành ủy Hà Nội, đề nghị được vào nội thành hoạt động vì ngồi mãi chán quá. Sau đó có quyết định cho tôi về Hà Nội, nhưng để giữ bí mật nên trong đó nói là tôi lên Việt Bắc ở với chồng. Khoảng tháng 9, tháng 10/1950, tôi đi bộ mất nửa tháng về đến Hà Nội. Đến Vân Đình, tôi khai là bị sốt rét nên hồi cư. Tôi xin sẵn một cái giấy ở đó để về Hà Nội làm “tít” – title (chứng minh thư). Gia đình tôi đã về Hà Nội từ năm 48, 49 nên tôi coi như mình bị ốm, về Hà Nội nghỉ, không nói với mẹ là về công tác.

Đến năm 1951 các anh ấy mới chính thức bắt liên lạc với tôi qua anh Trần Sâm, sau này là Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội. Mỗi tháng họp một lần và thay đổi địa điểm luôn. Gặp nhau mừng lắm, nhưng ra khỏi cửa là coi như không quen biết. Sau đó trường cô đỡ Bệnh viện Bạch Mai tuyển học viên. Tôi đỗ thứ hai, với số tiền học bổng hàng tháng, tôi sống cũng khá đàng hoàng. Bệnh viện lúc đó là bệnh viện làm phúc dành cho người dân nghèo, đặc biệt là ở ngoại ô.Ảnh: GS. Lê Thi cùng các chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô. Trong cả hai ảnh bà đều mặc áo đen, đội mũ tai bèo. GS. Lê Thi tham gia chiến đấu với Trung đoàn Thủ đô 60 ngày đêm, chắc chắn với bà, đó là những “Không gian văn hóa” không bao giờ quên.

Có một chị học lớp hộ sinh sau tôi, tên là Hà Phương, cán bộ ở ngoài vào. Ngoài việc đọc báo, chúng tôi quyết định ra một tờ báo viết tay, gọi là “Phụ nữ Thủ đô”. Tôi lên Hàng Thiếc mua mấy cái khay thiếc, rồi mua gelatin đun chảy, đổ vào khay để nguội cho đông lại như thạch cao. Chị Phương viết chữ ngược rất giỏi, viết xong chị áp vào tấm thạch cao, tôi cho giấy áp vào đó để in. Mỗi lần in được 50 đến 100 cuốn, mỗi cuốn khoảng chục trang to bằng quyển vở. Khoảng 1, 2 tháng ra một cuốn, tập hợp các tin tức trong và ngoài Hà Nội.

Khoảng đầu năm 1952 có một chị bị bắt, đã khai ra tôi là Lê Thi, ở Hàng Bông. Bọn mật thám đến nhà tôi định bắt, mẹ tôi mới giở sổ hộ khẩu ra thì chẳng có ai tên là Lê Thi cả, chỉ có Dương Thị Thoa. Sau vụ này mẹ tôi gửi tôi lên hiệu thuốc Hoàng Xuân Hãn ở phố Tràng Thi, rồi lại chuyển đến nhà thờ Nam Đồng ở phố Hàng Bột. Khoảng 10 ngày sau, tôi lại về bệnh viện Bạch Mai.

Tôi học ba năm, đến năm 1954, đang chuẩn bị lấy bằng cô đỡ thì nhận được quyết định ra vùng tự do công tác. Sau đó tôi được phân công về Hội liên hiệp phụ nữ Trung ương tại Việt Bắc. Lúc đó đã sắp chiến thắng, nhưng tôi không biết, chỉ thấy dọc đường, bộ đội ta giải rất nhiều tù, hàng binh Pháp. Lên Hội Liên hiệp phụ nữ Trung ương được một tuần lại nhận quyết định chuyển sang Trường Công an Trung ương ở Chiêm Hóa, Tuyên Quang.

Hóa ra chồng tôi, anh Hồng Hà đã đi Trung Quốc về và hiện làm Hiệu trưởng. Anh xin ông Trần Quốc Hoàn, lúc đó là Bộ trưởng Bộ Công an, chuyển tôi công tác về nhà trường để “hợp lý hóa” cảnh vợ chồng xa cách từ năm 1949. Vậy là tôi không được ở Hà Nội khi tiếp quản Thủ đô, và cũng không lấy được bằng cô đỡ, mà được tham gia một lớp đào tạo của ngành Công an. Sau đó, tôi làm Phó Trưởng phòng Tổ chức của trường. Đây cũng là lời mô tả tóm tắt các “không gian văn hóa” của tôi trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp.

 Phần III
XÃ HỘI DÂN SỰ – PHỨC HỢP CÁC KHÔNG GIAN VĂN HÓA
———————————

1. Không gian văn hóa nghiên cứu lý luận.

Từ 1955, khi về Hà Nội, tôi đã từ không gian văn hóa dân vận chuyển sang sống, làm việc trong một không gian văn hóa mới – không gian văn hóa nghiên cứu lý luận. Năm 1957 – 1959 tôi được cử đi học lớp lý luận cao cấp đầu tiên ở trường Nguyễn Ái Quốc Trung ương (Ông Nguyễn Đức Bình cùng học một lớp). Chúng tôi say mê đọc sách, viết sách, viết bài báo. Sau tôi về công tác ở nhà trường.

Năm 1961, tôi về Ban Triết học thuộc Ủy ban Khoa học Nhà nước. Trưởng ban lúc đó là anh Hoàng Minh Chính, anh Vũ Khiêu là Phó ban. Những năm đó, chúng ta quy “Thầy” Liên Xô là “xét lại” (ý nói có “tội” vì dám xét lại những giáo điều của Chủ nghĩa Mác – Lênin). Anh Hoàng Minh Chính sau đó bị đình chỉ công tác. Một loạt cán bộ của ta đang học ở Liên Xô cũng bị gọi về dù chưa kết thúc khóa học, do sợ bị đào tạo theo hướng “xét lại”. Đang làm nghiên cứu sinh phải về có anh Nguyễn Văn Nghĩa, Phạm Hựu,… Đang học đại học cũng phải về như anh Đặng Xuân Kỳ, Nguyễn Hữu Ân,…

Ảnh: GS. Vũ Khiêu thay mặt lãnh đạo trao tặng Huân chương cho GS. Lê Thi.

Ảnh: Lễ kỷ niệm 10 năm thành lập Trung tâm nghiên cứu về Phụ nữ và Gia đình. Giáo sư Lê Thi nói: “Lý luận của Việt Nam muốn tiến bộ phải hội nhập thực sự với nền học thuật của thế giới”.

Cuối 1963 Ban Triết học nâng lên thành Viện Triết học. Anh Phạm Như Cương từ Học viện Nguyễn Ái Quốc ra phụ trách Viện. Sau đó anh Vũ Khiêu sang làm Viện trưởng đầu tiên của Viện Xã hội học. Năm 1981 khi anh Cương lên làm Viện trưởng Viện Khoa học Xã hội, tôi được giao Quyền Viện trưởng Viện Triết. Năm 1985, tôi được làm Viện trưởng, Phó Viện trưởng có các anh Tài Thư, anh Tương Lai, anh Dương Phú Hiệp. Sau 1987 tôi rời Viện Triết và xin thành lập Trung tâm nghiên cứu Phụ nữ và Gia đình (nay đổi tên là Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới) rồi làm giám đốc Trung tâm. Năm 2000 thì nghỉ hưu khi 73 tuổi.

Với con mắt hiện tại sẽ thấy trong công tác nghiên cứu triết học hồi đó có rất nhiều vấn đề còn cần phải bàn cãi, song nhớ lại 26 năm sống và làm việc ở đây bao giờ tôi cũng thấy vui vì được sống trong một không gian văn hóa nghiên cứu lý luận chân thành, cởi mở cũng như đã ít nhiều đã có đóng góp trong học thuật cũng như những việc đời thường của Viện Triết – không gian văn hóa mới này. 

 2. Không gian văn hóa Hợp tác quốc tế về bình đẳng giới.

Từ năm 1997 đến 2003, tôi làm Chủ tịch Quỹ hỗ trợ bình đẳng giới Việt Nam. Quỹ được thành lập theo đề nghị của Sứ quán Thụy Điển muốn hỗ trợ tài chính cho việc thực hiện sự bình đẳng giới ở Việt Nam. Đầu tiên các hoạt động của Quỹ là do sứ quán Thụy Điển ở Việt Nam tài trợ, đến năm 2000, sứ quán Đan Mạch cũng hỗ trợ tài chính cho quỹ này.

Các hoạt động của quỹ rất đa dạng: 1. Mở các lớp về bình đẳng giới cho phụ nữ nông dân các địa phương. Tham gia lớp học có cả các cán bộ quản lý chính quyền địa phương; 2. Tài trợ một số tiền nhất định không quá 10 triệu cho các hộ phụ nữ, nông dân nghèo, giúp họ có vốn để mở rộng sản xuất nông nghiệp; 3. Mở các lớp dạy nghề, ….

Ban Quản trị Quỹ có 7 người: 3 ở phía Bắc, 2 ở miền Trung, 2 ở miền Nam. Các thành viên Ban Quản trị có thù lao hàng tháng, đi công tác có công tác phí và có nhiệm vụ: 1. Quảng bá các hoạt động của Quỹ; 2. Giúp đỡ chị em ở địa phương làm Dự án. 3. Kiểm tra các dự án được gửi đến trước khi đưa ra hội đồng Quỹ xét tài trợ; 4. Trực tiếp xuống địa phương kiểm tra công tác tài chính, rút kinh nghiệm việc làm của Ban lãnh đạo Quỹ của địa phương. 5. Gặp các hộ nhận tiền để mở rộng sản xuất, xem xét kết quả các lớp về bình đẳng giới và các lớp dạy nghề ở địa phương.

Sau lễ kỷ niệm 5 năm thành lập Quỹ, cuối năm 2003, tôi xin nghỉ theo gợi ý của chị Hằng, nhân viên sứ quán Thụy Điển để một chị khác thay. Nhưng chị này không làm được việc nên chị Hằng lại mời chị Hoàng Thị Lịch, trước là Phó Chủ tịch cùng với tôi làm Chủ tịch Quỹ. Tuy nhiên, đến năm 2004, chị Lịch cũng xin nghỉ do bất đồng ý kiến với chị Hằng. Thật đáng tiếc, tôi cho là công tác hợp tác quốc tế có ý nghĩa hết sức quan trọng trong tiến trình phát triển xã hội. Tuy nhiên, để đoàn kết và thực sự hợp tác trong lĩnh vực này đòi hỏi phải rất nỗ lực.    

Ngoài các công tác trên, từ 1973 đến 2011 tôi đã viết riêng 14 cuốn sách, chủ biên 13 cuốn, 26 cuốn viết chung với nhiều tác giả. Tôi cũng viết nhiều bài nghiên cứu gửi đăng trên các tạp chí của các Viện thuộc Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam (nay đổi tên là Viện Khoa học xã hội Việt Nam), chỉ tính từ 1989 đến 2011 có 218 bài đã được xuất bản. Năm 2012 tôi viết 7 bài, hiện đang gửi đăng 5 bài trên một số tạp chí chuyên ngành. Cho đến nay tôi vẫn thích đọc sách, với tôi chắc đây sẽ là một niềm vui không bao giờ đứt quãng.

3. “Khách thính chị Nhã” Một không gian văn hóa ấm cúng.

Tôi và chị Lương Thị Nhã cùng tuổi nhau, học cùng năm ở trường Đồng Khánh Hà Nội, lại cùng rời Thủ đô tham gia kháng chiến. Song do điều kiện công tác, mãi đến khi nghỉ công tác chúng tôi mới có điều kiện để gặp gỡ nhau nhiều hơn. Nhưng còn một yếu tố nữa, đó là chị Nhã và các anh chị trường Đồng Khánh, trường Bưởi đã chọn nhà chị Nhã ở 24 Hàng Chuối là “trụ sở” của một tổ chức dân sự rất đáng yêu – một không gian văn hóa ấm cúng.

Ảnh: GS. Lê Thi và Bà Lương Thị Nhã tháng 11/2012.

Nhà văn hóa Hữu Ngọc sử dụng cụm từ “Khách thính chị Nhã” khi viết về căn phòng chị Nhã ở ngôi nhà 24 Hàng Chuối, nơi một số trí thức Việt Nam, đều đã tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp nhưng rất trân trọng văn hóa Pháp đến để gặp gỡ nhau trao đổi và nghe những người như anh Hữu Ngọc, Giáo sư người Pháp R. Darriulat, v.v., thuyết trình về văn hóa, về các vấn đề hội nhập.

Tạp chí “Hồ sơ và Sự kiện” đánh giá về anh Hữu Ngọc: “Nếu có cuộc bầu chọn người có công chuyên chở văn hóa Việt Nam đến với bạn bè quốc tế và ngược lại, thì chắc chắn, một trong những ứng viên sáng giá nhất chính là nhà văn hóa Hữu Ngọc. Ông là tác giả của hàng nghìn bài báo và nhiều công trình về văn hóa đồ sộ từ cổ chí kim, từ Đông sang Tây như Phác thảo văn hóa Pháp; Mảnh trời Bắc Âu; Văn hóa Thụy Điển; Văn hóa Mỹ; Khám phá Văn hóa Việt Nam…”

Tôi cũng nghĩ theo tinh thần này về “Khách thính chị Nhã”. Ở đây hàng tháng có các sinh hoạt tổ thơ, các buổi sinh hoạt cựu học sinh trường Bưởi, cựu học sinh trường Đồng Khánh, v.v.. Thỉnh thoảng cũng có một chị cán bộ an ninh tới dự nhưng không khí không vì thế mà kém vui. Không khí học tập luôn mới vì chị Nhã rất quan tâm mời những giáo sư, những nhà nghiên cứu ở nước ngoài đến trình bày những vấn đề mới về văn hóa, về hội nhập quốc tế đến trình bày. 

Tôi quý chị Nhã vì chị yêu quý mọi người và muốn ai cũng được vui, từ  trong gia đình đến bạn bè hàng xóm. Chị luôn nhiệt tình và tìm các cách để mọi người được gần gũi, cùng hoạt động với nhau. Lời ca và thơ chị làm thể hiện rất rõ tinh thần này, chắc vì thế anh Vũ Khiêu có tặng chị Nhã bốn chữ “Nhã bút sinh hoa”, lấy ý từ thơ cổ “Dưới ngòi phong nhã là những hàng chữ như gấm như hoa”.

Ảnh: Từ trái: Bà Lương Thị Nhã; Bà Lady Borton, người đã dịch tiểu thuyết “Số đỏ” của Vũ Trọng Phụng sang tiếng Pháp; Nhà văn hóa và “chuyển giao văn hóa” Hữu Ngọc; Ông Trần Tam Giáp, Chủ nhiệm Câu lạc bộ hưu trí Bộ Ngoại giao, nguyên Đại sứ Ai Cập. Ảnh chụp tại “Khách thính chị Nhã” 24 Hàng Chuối năm 2009; Bà Nhã quan niệm Hội nhập văn hóa chính là nguồn sống cho không gian văn hóa.

Chị cùng các bạn cựu học sinh Đồng Khánh Hà Nội diễn vở “Tục lụy”, tổ chức các buổi giao lưu giữa trường Đồng Khánh, trường Bưởi, trường Quốc học Huế, các buổi sinh hoạt phường với chị em, các cháu nhỏ hoàn cảnh còn khó khăn,… Tham gia có người quen cũ như anh Trần Hoàn, cũng có người mới chỉ tham dự một vài buổi như chị Võ Thị Thắng, nhưng không khí bao giờ cũng ấm áp. Tôi cho rằng đây là một nét đẹp tiêu biểu của văn hóa mới – văn hóa hội nhập.

Qua những gì vừa nêu, tôi cho rằng, để xã hội có thể phát triển bền vững, mỗi tổ chức lãnh đạo phải tập hợp được phần tinh hoa nhất trong các Tầng lớp xã hội. Chỉ có như vậy, xã hội mới có thể phát triển bền vững thông qua việc có một chính phủ hiệu năng. Chỉ riêng với yêu cầu này, xã hội dân sự đã có một vai trò rất tích cực. 

Ảnh: Bà Nhã được những người xung quanh quý mến vì bà muốn mọi người được vui và luôn tạo dựng các Không gian Văn hóa qua các buổi gặp mặt, tham quan cho các cựu học sinh Đồng Khánh, các cán bộ trong phường Phạm Đình Hổ,…

Bình luận