Ba phương hướng tìm hiểu, nghiên cứu Văn hóa và Tư tưởng Hồ Chí Minh

BA PHƯƠNG HƯỚNG TÌM HIỂU, NGHIÊN CỨU VĂN HÓA VÀ TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH

Bài được ông Nguyễn Mạnh Can viết năm 2014 và được đăng trong cuốn “Làm gì cho Việt Nam phát triển?”, do Viện N/C – Thinh Tank SENA xuất bản tháng 5/2015. Trong đó có đoạn:“Người dân Việt Nam luôn sẵn niềm tự hào về Con người, Văn hóa và Tư tưởng Hồ Chí Minh. Đây là những tiền đề thuận lợi cơ bản, đảm bảo thành công cho công cuộc Đổi mới Chính trị, Đổi Mới Kinh tế, Đổi mới Văn hóa của Việt Nam.” 

 __________________________________________

LỜI MỞ ĐẦU

Năm 1945 tôi rời ghế trường Trung học Bưởi theo tiếng gọi giành Độc lập của Việt Minh tức Việt Nam Độc lập Đồng minh Hội và của Cụ Nguyễn Ái Quốc. Năm nay (năm 2015) tôi 87 tuổi đời và 69 tuổi Đảng. Tôi nhớ trước đây ai cũng vững niềm tin ở Việt Minh và Cụ Hồ, song vừa qua ở trong, ngoài nước lại rộ lên một số ý kiến chưa rõ, cho rằng đất nước suy thoái là do Cụ Hồ đã đưa Chủ nghĩa ngoại lai vào, đã truyền bá và thúc đẩy lối nghĩ “Hẹp hòi, Chia rẽ, Cực đoan”, nên hôm nay xã hội mới trì trệ, lạc hậu. Tôi chưa hiểu vì sao lại có thể nghĩ vậy vì: Việc ai đó đưa Chủ nghĩa Cộng sản hay Chủ nghĩa Tư bản vào Việt Nam là tất yếu, không trước thì sau, không người này thì người khác, vì đó là xu thế tất yếu thời đó; Song những điều tôi được biết và đã trình bày thì từ “Lời nói” đến “Việc làm” của Lãnh tụ Hồ Chí Minh đều thấm đẫm tư tưởng “Bình đẳng – Hòa hợp – Sáng tạo”, và dĩ nhiên như sáng với tối, luôn luôn đối nghịch với tư duy “Hẹp hòi, Chia rẽ, Cực đoan”. Thứ hai, việc “ăn không nên, làm không ra” hôm nay chủ yếu do chúng ta, những người đương thời, đã không thấy Con đường phải đi, hoặc vì Quyền lợi riêng, hoặc vì có cái “Ngã – cái Tôi ích kỷ”, và cái “Chấp – Quan điểm bảo thủ ” quá lớn hay đơn giản vì sợ Đổi mới nên cố giữ nếp Nghĩ cũ, cách Làm cũ. Vì thế đâu có thể đổ lỗi cho tiền nhân và Cụ Hồ, những người năm 1975 đã để lại cho hậu thế một non sông thống nhất, một đất nước hòa bình, và một vị thế lớn trên trường quốc tế.

Từ đây có thể thấy, Dân tộc khủng hoảng Niềm tin, Đất nước khủng hoảng Chiến lược, Quốc gia kém Hội nhập, chủ yếu do chúng ta muốn có một nước Việt Nam Mới, song lại chưa lấy tinh hoa Văn hóa và Tư tưởng Hồ Chí Minh làm gốc. Bài này được viết với mong muốn làm rõ hơn vấn đề rất hệ trọng này. Nhân đây, xin cảm ơn sâu sắc nhóm Nghiên cứu Thanh Văn, các chuyên gia Viện N/C SENA, các anh chị em, nhất là TS. Minh Đường đã có nhiều đóng góp cho bài viết này.

Người Việt Nam ai cũng yêu nước, song cách thức khác nhau, để không bị thiên kiến và tình cảm dẫn đến các tranh luận không đáng có, việc nghiên cứu Văn hóa, Tư tưởng Hồ Chí Minh được tiến hành trên “Ba Phương hướng – Ba  Tiêu chí” là:

1. Đóng góp cho Quốc gia và Thế giới, cho Dân tộc và Nhân loại.

2. Phù hợp với Xu thế Phát triển của Thời đại.

3. Được nhân dân Việt Nam kính yêu, trân trọng.

Ảnh: Ngày 3/10/2017, Ông Nguyễn Mạnh Can thăm Lão tướng Nguyễn Trọng Vĩnh (trái), nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Đại sứ Việt Nam ở Trung Quốc, nguên Phó ban Tổ chức TW, và tặng cuốn “Suy ngẫm về Tuyên ngôn Phát triển”, nói về 9 Đột phá để Kiến tạo và Khởi nghiệp Quốc gia, trên trang đầu cuốn sách ông viết: “Nhân 102 Xuân của Anh, Kính chúc Anh mạnh khỏe, minh mẫn, luôn đóng góp cho xã hội, và là tấm gương sáng cho Hôm nay và Mai sau”.

I. THEO TIÊU CHÍ ĐẦU LÃNH TỤ HỒ CHÍ MINH ĐÓNG GÓP CHO TỔ QUỐC VÀ DÂN TỘC, THẾ GIỚI VÀ NHÂN LOẠI HAI CÔNG TÍCH VĨ ĐẠI

Cũng như Cụ Phan Bội Châu, Cụ Hoàng Xuân Hãn và nhiều nhà lịch sử khác, Đại tướng Võ Nguyên Giáp gọi những người có công đánh ngoại xâm, giành lại non sông, thống nhất đất nước là Tổ Trung hưng. Theo ông, Tổ Trung hưng thứ nhất là Ngô Quyền, thứ hai là Lê Lợi. Lãnh tụ Hồ Chí Minh là Tổ Trung hưng thứ 3, và là người Cha của Việt Nam hiện đại, vì ngày 2/9/1945 Người đã khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và nhờ thế, Việt Nam lần đầu được thế giới biết với tư cách một nước Độc lập.

Trước đó thế giới chỉ biết xứ Đông Dương (Indochine) thuộc Pháp với các nước thuộc địa: Annam (gồm Bắc kỳ, Trung Kỳ, Nam kỳ), Lào, Campuchia. Sau khi tuyên bố Độc lập, Lãnh tụ Hồ Chí Minh đã tranh thủ phe XHCN, nhất là Liên Xô, Trung Quốc, giúp Việt Nam đánh đuổi thực dân, đế quốc xâm lược, chấm dứt hàng trăm năm đất nước bị chia cắt, chiến tranh tàn phá, mang lại Hòa bình & Thống nhất cho Việt Nam. Đây là công tích vĩ đại thứ nhất của Lãnh tụ Hồ Chí Minh cho Dân tộc và Đất nước Việt Nam.

Hệ lụy được Cụ Hồ thấy trước là qua hàng ngàn năm chiến tranh, chia cắt cộng với chế độ Bắc thuộc và một nền nông nghiệp tiểu nông đã làm không ít người Việt Nam có tâm lý Chia rẽ, Áp đặt, Bạo lực, Viển vông, Lệ thuộc, cho nên Dễ tiếp thu và Khó từ bỏ các hệ tư tưởng có nét tương đồng. Đó là lý do vì sao đến nay cực đoan vẫn tồn tại ở trong nước và hải ngoại trong cộng đồng người Việt.

Ngày nay, tác hại tư tưởng Hẹp hòi, Chia rẽ, Cực đoan đã rõ cả về Lý luận và Thực tiễn. Vì thế tuy thông cảm với những người trách cứ Cụ Hồ đã truyền bá tư tưởng này, song cũng cần nhắc là vào thời đó, tư tưởng Hẹp hòi, Chia rẽ, Cực đoan tiêu biểu là Chủ nghĩa Cộng sản và Chủ nghĩa Tư bản đang chi phối toàn thế giới, mạnh như thác lũ, nóng như cháy rừng, mà nước lũ thì không cần “đưa” nó cũng tự đến và người có “trí” sẽ biết không thể ngăn lũ mà chỉ có thể chuyển hay phân dòng lũ.

Ảnh: Ông Nguyễn Mạnh Can (người đứng thứ hai từ phải), túc trực bên linh cữu Lãnh tụ Hồ Chí Minh, đầu tháng 9/1969.

Trong bối cảnh này, Lãnh tụ Hồ Chí Minh đã đầy chí khí và trí tuệ để vừa “cưỡi lên sóng dữ để phân lũ”, vừa “đi thẳng vào đám cháy rừng để dập tắt nó”, bằng cách đốt lên và thổi bùng ngọn lửa Văn hóa và Tư tưởng Bình đẳng, Đoàn kết, Sáng tạo, khắc tinh của Văn hóa và Tư tưởng “Hẹp hòi, Chia rẽ, Cực đoan”, kiểu Đấu tranh giai cấp hay chống Cộng. Đây là công tích vĩ đại thứ hai của Lãnh tụ Hồ Chí Minh với Đất nước và Dân tộc.

Nếu công tích vĩ đại thứ nhất của Cụ Hồ là xác định một Việt Nam Hòa bình, Thống nhất trong lòng Thế giới, là ngọn cờ của phong trào giải phóng dân tộc thế kỷ 20, thì với công tích vĩ đại thứ hai, Lãnh tụ Hồ Chí Minh đã xây dựng thành công Văn hóa Hồ Chí Minh, Tư tưởng Hồ Chí Minh, nền tảng và nguồn động lực vô tận cho tiến trình phát triển một nước Việt Nam mới trong thế kỷ 21.

Với hai công tích trên, có thể nói trong lịch sử cận đại, không một ai có thể sánh với Cụ Hồ về công lao với Tổ Quốc và Dân tộc. Rõ ràng, Dân tộc khủng hoảng Niềm tin, đất nước khủng hoảng Chiến lược và suy thoái, phần sai lầm chủ yếu là do công tác Lý luận, Tuyên truyền do yếu kém, nên đã không chú ý đúng mức đến Văn hóa và Tư tưởng Hồ Chí Minh, không những thế, còn làm trầm trọng hơn khi quá hướng sự chú ý vào Đạo đức, Tác phong của Người.

Đây là điều phải sớm khắc phục vì nếu ở thế kỷ 20 trình độ công nghệ quyết định thứ bậc quốc gia, thì trong thế kỷ 21 quốc gia xuất khẩu văn hóa được xem là quốc gia hạng nhất; quốc gia xuất khẩu công nghệ là hạng 2; quốc gia xuất khẩu tài nguyên thô, lao động giản đơn là hạng 3, và đương nhiên đã xuống hạng 3 thì sẽ rất dễ tụt hạng.

II. THEO TIÊU CHÍ THỨ HAI LÀ VĂN HÓA, TƯ TƯỞNG CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH LUÔN LUÔN “ĐI CÙNG THỜI ĐẠI”

Chắc chắn trong lịch sử cận đại không có nhân vật Việt Nam nào được thế giới biết đến và có nhiều nhận xét tốt đẹp như Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cứ vào Internet tìm tên “Ho Chi Minh” sẽ thấy nhận xét vừa nêu là đúng. Hoặc giả có thể đọc các cuốn sách của các tác giả nước ngoài nói về Việt Nam, nhất là của các học giả, tướng lãnh Mỹ, ví như cựu Bộ Trưởng Quốc phòng Robert McNamara, sẽ thấy trong đó Hồ Chí Minh được nhắc đến nhiều lần như là đại diện xứng đáng cho phong trào giải phóng dân tộc trong thế kỷ 20. Học giả William J. Duiker trong cuốn “Hồ Chí Minh, một cuộc đời” đã thể hiện những mối quan tâm của Thế giới khi Chủ tịch Hồ Chí Minh mất:

… “Hà Nội nhận được hơn 22.000 bức điện tín từ các thủ đô lớn của 121 quốc gia trên thế giới bày tỏ lời ca ngợi ông và chia buồn với nhân dân Việt Nam. Thủ đô Mạc Tư Khoa chính thức ca tụng ông như là “người con vĩ đại của dân tộc anh hùng Việt Nam, một người lãnh đạo xuất sắc của phong trào giải phóng dân tộc và cộng sản quốc tế, và là người bạn vĩ đại của Liên bang Xô Viết.”

Các nước trong Thế giới Thứ Ba nhận xét về ông với những lời ca tụng như là một người bảo vệ những người bị áp bức. Một bài báo phát hành ở Ấn Độ mô tả ông như là tinh túy của “Dân tộc và là hiện thân của lòng khát vọng Tự do, của sự tranh đấu bền bỉ”. Một tờ báo ở Uruguay ghi nhận “Ông có một tấm lòng bao la như vũ trụ và có một tình thương vô bờ bến đối với các trẻ em. Ông là gương mẫu về đức tính giản dị và thẳng thắn trong tất cả mọi phạm vi.

Việc chú ý đến cái chết của ông Hồ Chí Minh đối với giới truyền thông các nước Tây Phương thật mãnh liệt. Những tờ báo ủng hộ các phong trào phản chiến có khuynh hướng mô tả ông bằng những lời lẽ ca tụng ông như là một địch thủ xứng đáng và là một người bảo vệ những kẻ yếu, những người bị coi là lép vế và những người bị áp bức. Ngay những người vẫn thường khăng khăng chống lại chế độ Hà Nội cũng đánh giá ông bằng những lời lẽ kính trọng ông như là một người đã tận hiến cả cuộc đời cho đại cuộc chiến đấu giành độc lập và thống nhất đất nước cho tổ quốc, coi ông như là người phát ngôn xuất chúng cho các dân tộc bị bóc lột ở trên thế giới.

Ảnh: Đại tướng Võ Nguyên Giáp và ông Nguyễn Mạnh Can thắp hương ở Đàn Xã Tắc, Đống Đa, Hà Nội.

Tác giả cuốn “Chiến tranh Watergate” và là chủ biên của “Bách khoa về Chiến tranh Việt Nam”, Stanley Kutler cho rằng, Duiker và nhiều tác giả Mỹ đã viết về Lãnh tụ Hồ Chí Minh như là một nhà cách mạng ái quốc gần với Tổng thống Mỹ Thomas Jefferson hơn là với V. I. Lenin.

Kutler còn nhận định, những đóng góp của Hồ Chí Minh cho tiến bộ của nhân loại đã vượt ra khỏi Việt Nam khi viết: “Thế giới có một bộ mặt khác vì ông Hồ, và những người như ông, những người đã lo lắng, chiến đấu và hi sinh để giải phóng quốc gia của họ thoát khỏi sự sỉ nhục và gông cùm của sự chuyên chế bạo ngược ngoại quốc.”

Nhà báo Úc Wilfred Burchett, từng được Ngoại Trưởng Kissinger nhờ làm trung gian giữa Mỹ và Việt Nam, trong cuốn “Việt Nam sẽ thắng” năm 1968 và cuốn “Châu chấu và Voi – Tại sao [Nam] Việt Nam sụp đổ” năm 1977, đã có những nhận xét rất sâu sắc khi nói về Lãnh tụ Hồ Chí Minh như đoạn:

 “Không phải thuần túy chỉ là Các – Mác, Lênin hay Mao Trạch Đông, mà chính là lịch sử 2000 năm chống ngoại xâm của Việt Nam đã tạo nên ông Hồ”; hay “… Một cái gì đó trong mỗi người Việt Nam đều có trong Hồ Chí Minh, một cái gì đó trong Hồ Chí Minh đều có trong hầu hết những người Việt Nam ngày nay, có thể nói dấu ấn của ông trên dân tộc Việt Nam thật là sâu đậm.

III. THEO TIÊU CHÍ THỨ BA LÀ VĂN HÓA, TƯ TƯỞNG CỦA LÃNH TỤ HỒ CHÍ MINH LUÔN TRONG LÒNG DÂN

Cũng chắc chắn trong lịch sử cận đại không có nhân vật nào được nhân dân Việt Nam kính yêu như Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Người đã đi vào lòng dân tộc như một người gần gũi, thân thuộc song vĩ đại. Trong các tác phẩm được thế giới đón nhận rộng rãi, nhà nghiên cứu về Việt Nam Wilfred Burchett đã thể hiện sinh động điều này khi viết: “Hồ Chí Minh là của toàn thể quốc gia Việt Nam. Không một lằn ranh giới nào ở vĩ tuyến 17 có thể làm cho người dân miền Nam xa lìa Hồ Chí Minh dù rằng Thủ đô được đặt ở miền Bắc. Hồ Chí Minh đã được chấp nhận là lãnh tụ và là nguồn cảm hứng cho mọi người Việt Nam – tất nhiên trừ số người đã lần lượt phục vụ người Nhật, Pháp, rồi Mỹ”.

Cách đây đã gần nửa thế kỷ, nhưng những người dân hai miền Nam, Bắc đã sống qua những năm 60, 70 của thế kỷ trước vẫn còn giữ mãi hình ảnh Lễ tang của Lãnh tụ Hồ Chí Minh diễn ra trên Quảng trường Ba Đình. Ngày ấy Dân tộc Việt Nam và Đất, Trời đã tương thông “Đời tuôn nước mắt, trời tuôn mưa” trước sự mất mát lớn này, nhưng người dân Việt Nam tin rằng, những bậc anh hùng có công lớn với đất nước, khi mất sẽ trở thành Thánh và họ sẽ sống mãi cùng Dân tộc để phù hộ cho các thế hệ sau gìn giữ, dựng xây Tổ Quốc. Với niềm tin này, trong ba vị Tổ Trung hưng của đất nước, Lãnh tụ Hồ Chí Minh là vị duy nhất được nhân dân tôn xưng Thánh.

Có thể thấy trong nhiều đền chùa cả nước, tuy khác nhau về quy mô, song nếu trước đây nơi nào cũng có ban thờ riêng của Đức Thánh Trần Hưng Đạo, thì nay lại có thêm ban thờ nữa cho Đức Thánh Tổ Trung hưng Hồ Chí Minh, và có lẽ khó có gì thuyết phục hơn những hình ảnh này để chứng minh cho luận điểm, Con người, Văn hóa, Tư tưởng Hồ Chí Minh luôn lớn lên “Trong lòng Dân tộc”.

Người dân Ấn Độ và Đảng lãnh đạo ở nước này tự hào vì đã có Con người, Văn hóa và Tư tưởng của Thánh Găng-đi. Đây là một trong những nguyên do làm cho đất nước Ấn Độ ngày càng phát triển. Người dân Việt Nam luôn sẵn có niềm tự hào về Con người, Văn hóa và Tư tưởng Hồ Chí Minh. Đây là những tiền đề thuận lợi cơ bản, đảm bảo thành công cho Đại hội XII, cũng như cho công cuộc Đổi mới Chính trị, Đổi Mới Thể chế, Đổi mới Văn hóa của Việt Nam.

Người dân Việt Nam kính yêu Con người, Văn hóa và Tư tưởng Hồ Chí Minh với cốt lõi là Trân trọng, Liên kết, Thống nhất các sự Khác biệt, kể cả Đối lập, chính vì thế mỗi người đều thấy có mình trong đó và ngược lại, không những thế họ còn tìm thấy ở đây những yếu tố làm con người có cuộc sống hạnh phúc hơn. Đó không chỉ là Nhân văn và Khoa học, mà còn là Minh triết và Sáng tạo.

Vượt qua mọi thiên kiến và thông lệ, Lễ tang của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong năm 2013 đã trở thành một Quốc tang lịch sử, một Quốc tang do nhân dân tổ chức. Có điều đó vì trong lòng mỗi người Việt Nam, Đại tướng là đại diện tiêu biểu cho Con người, Văn hóa và Tư tưởng Hồ Chí Minh.

Với hàng chục ngàn thanh niên trẻ thành kính tự xếp hàng chờ viếng tang, với cảnh xe kéo pháo đưa Đại tướng đến nơi an nghỉ cuối cùng qua một biển người xúc động, trong đó các cựu chiến binh, chiến sĩ của Đại tướng đứng nghiêm chào vị Tổng Tư lệnh, người Anh cả của Bộ đội Bác Hồ, với các nhà tu hành và các bà mẹ già đứng chờ nhiều giờ để cầu cho vong linh Đại tướng,… có thể nói đây chính là một buổi Lễ tôn vinh không tiền, khoáng hậu của nhân dân cho Con người, Văn hóa và Tư tưởng Hồ Chí Minh và thêm một sự khẳng định chắc chắn rằng Văn hóa và Tư tưởng Hồ Chí Minh xuất phát từ Dân tộc và mãi mãi lớn lên “Trong lòng Dân tộc.

Ảnh: Cụ Hồ ở Việt Bắc. Tấm ảnh này được ông Nguyễn Mạnh Can trân trọng lưu giữ từ đó đến nay. Đối với ông người Lãnh đạo đất nước không chỉ là “Đày tớ” cho Dân, mà còn là “Người con của Trời”, tức là biết sợ Trời, không tự trao cho mình quyền lực tuyệt đối mà như Cụ Hồ đã chỉ rõ: “Trăm điều phải có Thần linh pháp quyền”.

THAY LỜI KẾT Hay CHÍNH TRỊ MỚI, KINH TẾ MỚI, VĂN HÓA MỚI LÀ XU THẾ TẤT YẾU, LÀ NGUYỆN VỌNG VÀ QUYẾT TÂM CỦA DÂN TỘC.

Trong Thông điệp Năm mới 2014, Thủ tướng Chính phủ đã nói: “Động lực mà những cải cách trước đây tạo ra đã không còn đủ mạnh để thúc đẩy phát triển. Đây là lúc chúng ta cần có thêm động lực để lấy lại đà tăng trưởng nhanh và phát triển bền vững. Nguồn động lực đó phải đến từ Đổi mới Thể chế và phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ của Nhân dân”.

Nếu hiểu “Phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ của Nhân dân” theo nghĩa rộng là “Đổi mới Văn hóa” thì rõ ràng, muốn đất nước thoát khỏi sa lầy vào bẫy “thu nhập trung bình toàn diện” không chỉ về kinh tế, và muốn có “thêm động lực để lấy lại đà tăng trưởng nhanh và phát triển bền vững”, nhất thiết phải Đổi mới Chính trị, Đổi mới Kinh tế và Đổi mới Văn hóa. Ngày nay bất cứ đất nước nào muốn không bị bỏ lại phía sau đều phải làm như vậy. Là một cường quốc đang quyết hiện thực hóa “Giấc mộng Trung Hoa”, tranh ngôi bá chủ với Mỹ, đương nhiên Trung Quốc không đứng ngoài quy luật này.

Trước đây Mao Trạch Đông thích Pháp quyền XHCN – Pháp quyền của Bạo lực” hay Ý chí của Lãnh đạo cao nhất nên đề cao Pháp Gia, tiêu biểu là Hàn Phi – nhà lý luận chính trị thời Tần, mà coi thường Văn hóa và ông hay dùng “Phê Khổng Tử” mở màn các chiến dịch chính trị. Dưới thời Tập Cận Bình mọi việc đã thay đổi, ông vẫn đề cao Đổi mới Thể chế theo tinh thần Pháp Gia khi dẫn lời Hàn Phi “Khi mọi người tuân theo pháp luật, quốc gia đó mạnh mẽ. Khi mọi người không tuân thủ pháp luật, quốc gia đó suy yếu”.

Song đối với Chủ tịch Tập Cận Bình chỉ chừng đó chưa đủ, vì thế kể từ khi lên nắm quyền, ông đã tìm kiếm một nền tảng Văn hóa mới cho những gì ông gọi là Phục hưng dân tộc Trung Hoa. Đừng đơn giản rằng việc tái tạo truyền thống Nho giáo chỉ là một thủ đoạn của Trung Quốc nhằm củng cố tính hợp pháp của chế độ, cho dù nó có mục đích ấy. Điểm đáng kể là, hầu như các lực lượng xã hội khác nhau ở Trung Quốc đều thấy ở Nho giáo tiềm năng Văn hóa ổn định và xuyên suốt lịch sử, trong một thế giới hiện đại đầy biến động.

Ảnh: Tọa đàm tháng 9/2014 của cựu học sinh trường Bưởi, Đồng Khánh đã tham gia hai cuộc kháng chiến ở Môi trường Văn hóa “Khách thính chị Nhã” – “Khách thính 24 Hàng Chuối”, (Theo cách nói của Nhà văn, nhà Văn hóa Hữu Ngọc). Nhiều người trong ảnh như Thiếu tướng Bùi Đại, Họa sĩ Phan Kế An, Bà Lương Thị Nhã,… đã có dịp gặp và làm việc bên Cụ Hồ. Các ông Đặng Văn Việt “Hùm xám đường 4”, Nguyễn Mạnh Can,… cũng tham gia các cuộc gặp này.

Có quan niệm, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ gặp khó khi kết hợp hai tư tưởng có nhiều đối lập là Pháp Gia và Nho Giáo. Không hẳn vậy vì công cuộc cải cách mà Chủ tịch Tập Cận Bình đang nỗ lực thực hiện cũng là điều mà những vương triều thịnh trị Trung Quốc từng làm, tức là Văn hóa thì theo Đạo Nho, trị nước thì theo Pháp luật, nói theo ngôn ngữ ngày nay là “Đổi mới Văn hóa, Thượng tôn Pháp luật”. Dĩ nhiên, điểm hạn chế là Văn hóa này mới dừng ở chỗ xem Trung Quốc là trung tâm mà chưa coi Hội nhập Văn hóa Quốc tế là nền tảng tiến bộ.

Những điều vừa trình bày cho thấy công cuộc Đổi mới Thể chế & Đổi mới Văn hóa của Việt Nam có nhiều thuận lợi:

Thứ nhất, Đổi mới Thể chế & Đổi mới Văn hóa không chỉ là nhu cầu phát triển của Việt Nam, mà còn của khu vực và thế giới, nhất là của Mỹ (để bảo vệ ngôi vị Cường quốc số 1) và của Trung Quốc (để tranh giành ngôi vị này).

Thứ hai, Việt Nam đã có sẵn những tiền đề cho Đổi mới Thể chế và Đổi mới Văn hóa, đó là Văn hóa và Tư tưởng Hồ Chí Minh, một nền Văn hóa và Tư tưởng vừa Ổn định vừa Năng động, vừa có bề dày Lịch sử, vừa Hiện đại, vừa mang đậm dấu ấn của Tương lai. Đây cũng là những cơ sở để hy vọng và tin tưởng Đại hội XII sẽ thành công, có được Cương lĩnh mới, Chiến lược mới đưa đất nước Việt Nam phát triển. 

Tuy nhiên, để hiện thực hóa việc Đổi mới, trước hết phải làm rõ “Xây dựng Đảng” là bao gồm “Đổi mới Đảng” và “Chỉnh đốn Đảng. Trong đó Đổi mới Đảng là xây dựng một thể chế lãnh đạo của Đảng sao cho phù hợp với yêu cầu mới của xã hội, của thời đại. Trọng tâm Đổi mới Đảng là Đổi mới Tư duy, Đổi mới Đường lối, Chính sách, Đổi mới Tổ chức và Đổi mới cán bộ. Còn khi chỉ nhấn mạnh “Kiên định”, “Kiên trì” thì sẽ coi nhẹ “Đổi mới”, coi nhẹ đáp ứng những đòi hỏi bức xúc của xã hội, của thời đại.

Chỉnh đốn Đảng là chấn chỉnh những suy thoái về đạo đức, suy thoái về chính trị hiện tồn tại trong Đảng. Trọng tâm Chỉnh đốn Đảng là chống Tham nhũng vật chất và chú trọng chống Tham nhũng quyền lực. Muốn chống được tham nhũng phải tìm cho ra và giải quyết bằng được nguyên nhân gây ra tham nhũng, và theo như Bác Hồ thì không phải chỉ bắt giam và xử nghiêm, mà quan trọng là phải có cơ chế Kiểm soát quyền lực, phải Thi hành luật pháp cho nghiêm, phải thật sự Dân chủ trong Đảng, phải tôn trọng Quyền làm chủ của Dân, phải dựa vào Dân để xây dựng một Văn hóa chống tham nhũng trong xã hội, nhất là về phương diện pháp luật và đạo đức, v.v.

Để đảm bảo thành công cho sự nghiệp Đổi mới Thể chế, Đổi mới Văn hóa, tôi cho rằng sự nghiệp này phải khởi đầu từ  “9 thành tựu văn hóa lớn mà Bác Hồ đã lãnh đạo Dân tộc ta đạt được”. Tôi cảm thấy đây là điểm Xuất phát, là Nền tảng và định hướng cho sự nghiệp xây dựng Chính trị mới, Kinh tế mới, Văn hóa mới của Dân tộc và Đảng lãnh đạo. Những suy nghĩ này đã được trình bày trong cuốn “Giai đoạn Mới, Chính thể Mới, Văn hóa Mới” do Viện N/C SENA in và gửi Lãnh đạo và các cơ quan tháng 12/2012:

“Rạng sáng 2/9/2012, tôi chợt thấy như ai đánh thức, nhìn đồng hồ mới 3 giờ sáng. Cảm thấy bồi hồi, ngồi dậy mới nhớ ra rằng, đây là thời khắc đầu tiên của Quốc khánh lần thứ 67, đồng thời cũng là thời khắc đầu tiên tuổi đảng lần thứ 67 và tuổi đời 85 của tôi. Nghĩ về 67 năm qua, thấy Dân tộc và Đảng lãnh đạo đã làm biết bao công tích, nhưng cũng nuối tiếc rằng, những công tích ấy ngày nay đang dần trở thành quá khứ.

Nhưng tự nhiên tôi thấy đất trời như bừng sáng khi nhớ tới những lời dạy của Bác Hồ và tôi nghĩ: Nếu chúng ta cùng chung sức “Chống lại những gì đã Cũ kỹ, Hư hỏng, để tạo ra những cái Mới mẻ, Tốt tươi”, hẳn sẽ gìn giữ, phát huy những thành quả tốt đẹp của Cách mạng Tháng 8, và chỉ thế đất nước mới thực sự có những “ngày hội của quần chúng”.

Tôi vội lấy bút ghi lại những điều vừa ngộ và trăn trở, dường như 9 bài học thành công của Cách mạng Tháng 8”, “9 thành tựu Văn hóa của Dân tộc”, chính là 9 ước nguyện sâu thẳm của lòng tôi, cũng như của mỗi người Việt Nam. Đó là:

1. Có mục tiêu phấn đấu cao đẹp, rõ ràng, hợp lòng dân, hợp xu thế như những năm đầu Cách mạng tháng 8 năm 1945, đó là: Xây dựng nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa với mục tiêu Độc lập, Tự do, Hạnh phúc; Chống Giặc đói, Giặc dốt, Giặc ngoại xâm. Nước Việt Nam của người Việt Nam.

2Có Mặt trận Tổ quốc tập hợp toàn dân tộc, biết tổ chức và hành động hiệu quả như Mặt trận Việt Minh năm xưa. Trong các thành viên của Mặt trận có Sĩ, Nông, Công, Thương, Binh, có đầy đủ Đảng Tiên phong, Đảng Dân chủ, Đảng Xã hội và các đoàn thể khác.

3Chính phủ trí thức liên hiệp đoàn kết như Chính phủ Cụ Hồ năm 1945.

4Có chính sách trân trọng trí thức, trân trọng các thân sĩ, các nhà tư sản, địa chủ yêu nước, hằng sản, hằng tâm như những năm 1945 – 1946.

5. Có văn hóa tin cậy lớp trẻ, tôn trọng lớp già như thời Cách mạng Tháng 8.

6. Có chính sách động viên, tôn trọng Sở hữu tư nhân và Kinh tế tư nhân như những năm đầu Cách mạng Tháng 8.

7. Có những người lãnh đạo, đảng viên được Dân tin, Dân mến, Dân phục và Dân bầu chọn như những cán bộ Việt Minh thời kỳ đầu Cách mạng Tháng 8.

8. Biết “Dĩ bất biến, ứng vạn biến” để trong nước Đoàn kết, Độc lập tự chủ, tự cường. Ngoài nước Đoàn kết, thực hiện nghĩa vụ quốc tế.

9. Nêu cao khẩu hiệu “Tổ quốc trên hết, Dân tộc trên hết”. Trong nhà có bàn thờ Gia tiên và Tổ quốc. Có thế thì dù không có ảnh Mác, ảnh Lênin và cờ Đảng như thời Cách mạng Tháng 8 nhưng tinh thần cách mạng vẫn rất cao, tư tưởng, đường lối của Đảng, của Bác Hồ vẫn được nhân dân tuyệt đối tin theo và quyết tâm thực hiện”.

Đất nước và Dân tộc đang đứng trước những Thử thách lớn, đồng thời cũng là các Cơ hội Lớn ngàn năm có một. Để biến Thách thức lớn thành Cơ hội lớn nhất thiết phải có sự Chuẩn bị Chiến lược Lớn. Sứ mệnh này chỉ có thể hoàn thành một khi chúng ta nhìn tư tưởng Hồ Chí Minh không chỉ trên bình diện Đạo đức, mà quan trọng trên tầm vóc Triết học, Minh triết và Văn hóa.

Từ đây sẽ thấy cốt lõi của tư tưởng Hồ Chí Minh chính là sự “Thay đổi để Đoàn kết tức Trân trọng, Liên kết và Thống nhất”Và nếu hiểu “Thay đổi” là việc tự Thay đổi và xem “Đoàn kết” chính là việc thích ứng với Môi trường Thiên nhiên và Môi trường Xã hội, sẽ giúp mỗi người chúng ta nỗ lực cùng Đảng lãnh đạo và Dân tộc đạt thành tựu trong Sự nghiệp Đổi mới Chính trị, Đổi mới Kinh tế, Đổi mới Văn hóa để Chấn hưng Đất nước, Chấn hưng Dân tộc.

Hà Nội, ngày 15 tháng 12 năm 2014
Nguyễn Mạnh Can

Bình luận