Vân Đồn, Vân Phong, Phú Quốc phải vừa là tiền đồn Tổ Quốc, vừa là điểm đầu con đường cao tốc đưa Việt Nam đến với thế giới và Thế giới đến với Việt Nam

Giả sử có phép thần thông đưa Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc chỉ một đêm là biến thành Đặc khu Kinh tế như ta vẫn làm thì liệu có góp phần giúp Việt Nam phát triển. Lời đáp là “Không”. Bởi, nếu rập khuôn cách làm thành công từ thế kỷ 20 là “Đặc khu Kinh tế” mà thần kỳ đến thế, như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và cả nước đã và đang làm, thì kết quả thế nào đã rõ. Hơn nữa ở đất liền còn dư địa rất nhiều điều kiện để làm theo cách này, khỏi phải đến chân trời, góc biển. Còn cứ theo cách làm cũ, ví như đưa tư duy đất liền “chia lô, bán nền”, “bán rẻ tài nguyên” ra biển, sẽ chỉ một nhóm hưởng lợi, còn cả nước sẽ tiến nhanh hơn tới khủng hoảng.  

Ảnh: Ông Lý Quang Diệu, Thủ tướng Singapore đầu tiên. Với Triết lý: Singapore chỉ có thể phát triển khi Hội nhập Dân tộc và Hội nhập Quốc tế, cho nên năm 1965 khi vừa lập nước, dù là đời thứ tư họ Lý ở Quảng Đông và hơn 70 % Singapore là người Hoa, song ông vẫn lấy tiếng Anh là tiếng chính thức cùng tiếng Hoa, Tamin,… Tiếng Anh để Đoàn kết – Hội nhập Quốc tế; Tiếng Hoa, tiếng Tamin,… để Đoàn kết – Hội nhập Dân tộc. Nhờ thế, Singapore tiến bộ vượt bậc. Đây là một bài học đến nay vẫn còn sáng giá cho những đất nước đang khát vọng phát triển như Việt Nam.  

Nói như thế là vì: Xã hội Nông nghiệp từ thế kỷ 17 trở về trước coi “Đất đai” là biểu tượng của giầu có; Xã hội Công nghiệp thế kỷ 19 coi “Tiền” là biểu trưng cho sức mạnh; Còn Xã hội Tri thức  thế kỷ 21 lại coi “Văn hóa, Tri thức và Ứng dụng”, là công cụ và thước đo đánh giá sự giầu có, thành đạt. Vấn đề là: Chúng ta cần gì trong ba thứ? Và làm gì để đáp ứng nhu cầu này? Tên gọi “Đặc khu kinh tế” và phương thức thực hiện cho thấy dường như chúng ta cần tiền gấp và hy vọng sẽ có tiền bằng cách cho thuê đất giá rẻ với thời hạn 99 năm.

 Ảnh:  Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình, người đang nỗ lực thúc đẩy tiến trình Đổi mới Thể chế.

Thực tiễn trên thế giới và cả ở Việt Nam cho thấy cách làm này thường thất bại. Song dù có thành công về phương diện nào đó, như vay “nóng” được khoản tiền lớn, thì cũng không kéo lại con tầu 100 triệu dân đang mất động lực, mất phanh, và tụt dốc suy thoái. Vậy, “Đột phá và Kiến tạo” với ba vùng đảo thực chất là xác định mục  tiêu không phải tiền, mà là Văn hóa mới, Niềm tin mới, Cách làm mới của thế kỷ 21, giúp cả nước Thay đổi. Tức là, cái cần làm ngay là “Đặc khu Văn hóa – Tri thức Quốc tế, không phải “Đặc khu Kinh tế”.

Ảnh: Viện sĩ, GS. TSKH Đặng Vũ Minh, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, người luôn nỗ lực tạo lập Môi trường Văn hóa Kiến tạo và Khởi nghiệp trong Tầng lớp Tri thức.

Bình luận