Ảnh: Người Hồng Kông để lại thông điệp trên tường “Hồng Kông không phải Trung Quốc”. (Ảnh: Reuters)
Tóm tắt bài viết
– Những cuộc biểu tình ở Hồng Kông hai tuần vừa qua khá tương đồng với các phong trào dân chủ ở Đông Âu thế kỷ trước.
– Dù chính quyền Trung Quốc có thể học được bài học sau sự sụp đổ của Liên Xô, nhưng họ vẫn phải đối đầu với một khó khăn lớn nhất: khát vọng tự do của những con người đã không còn gì để sợ hãi.
– Liệu căng thẳng tại Hồng Kông có tiếp tục leo thang và đưa đến kết cục như Khối Xô Viết hay không?
Trong các phong trào dân chủ, khó khăn lớn nhất đối với chính quyền là khát vọng tự do của những người không còn sợ hãi. Đó là điểm chung giữa các phong trào tại Đông Âu thế kỷ trước và Hồng Kông hiện nay. Vậy, có thể có cùng một kết quả hay không?
Grant Newsham chuyên viên nghiên cứu cao cấp tại Diễn đàn nghiên cứu chiến lược Nhật Bản mới đây đã nêu quan điểm trên National Interest về mối tương quan giữa sự kiện đang diễn ra ở Hồng Kông và các phong trào dân chủ tại Đông Âu.
Ông cho rằng, cuộc nổi dậy của Hungari vào năm 1956 chống lại chính phủ theo chủ nghĩa Stalin do Liên Xô áp đặt đã thất bại, nhưng chủ nghĩa tự do đã chiến thắng sau đó cho tới ngày nay. Những sự kiện như ở Hồng Kông hai tuần qua dù rất nóng hổi nhưng thường có xu hướng nhanh chóng bị những người quan sát bên ngoài quên lãng. Vì vậy, đây có thể chỉ là một hơi thở yếu ớt trước khi Hồng Kông trượt sâu hơn vào sự kiểm soát của đại lục? Hoặc có thể một cái gì đó lớn hơn đang xảy ra như ở Đông Âu?
Người Hồng Kông xem ra rất quyết tâm. Bắc Kinh không có khả năng lùi lại mặc dù đã tạm dừng chiến thuật. Thay vào đó, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) có thể sẽ hoạt động thông qua các quan chức Hồng Kông địa phương, họ sẽ âm thầm bắt giữ và bắt giữ một cách tàn nhẫn, hoặc thậm chí là thực hiện các vụ bắt cóc các nhà lãnh đạo phong trào phản đối họ.
Cuộc biểu tình công khai làm kinh hoàng ĐCSTQ không chỉ là các cuộc biểu tình ở Hồng Kông. Bắc Kinh đang tuyệt vọng xóa bỏ ký ức về cuộc biểu tình tại quảng trường Thiên An Môn năm 1989 và cuộc tàn sát người biểu tình sau đó ở Bắc Kinh. Những người biểu tình, những người cũng ra đường với số lượng lớn ở các thành phố khác của Trung Quốc, chỉ muốn một số quyền tự do cá nhân và một chính phủ trung thực sẵn sàng lắng nghe tiếng nói của dân.
Theo ông Grant, không có gì đáng ngạc nhiên nếu ĐCSTQ đã nghiên cứu sự sụp đổ của Liên Xô để tránh những sai lầm tương tự. Họ đã có một số thành công. Nhưng theo những gì có thể quan sát được, khó khăn nhất là dập tắt ham muốn tự do của con người.
Cả ĐCSTQ và một vài người phương Tây cho rằng các quan niệm phương Tây về quyền tự do của con người không thích hợp với người Trung Quốc. Điều đó có thể gây tranh cãi. Trên thực tế, các cuộc biểu tình ở Hồng Kông có thể tương tự như các sự kiện ở Đông Âu trong nửa sau của thế kỷ XX.
Các phong trào dân chủ ở Đông Âu dù thất bại vẫn dẫn tới một kết quả sụp đổ của Khối Xô Viết
Năm 1956, cuộc nổi dậy của người Hungary lật đổ một chính phủ do Liên Xô kiểm soát đã nổ ra. Trong vài tuần, những người yêu nước Hungary chiến đấu với xe tăng Nga. Nhưng người Nga và đồng minh người địa phương của họ đã ra tay mạnh mẽ, giết chết hơn 2.500 người, bắt giữ 20.000 người và xử tử vài trăm người, trong đó có Thủ tướng Imre Nagy. Hơn 200.000 người Hung đã trốn sang các nước phương Tây trong cuộc nổi dậy hoặc ngay sau đó.
Nhiều người nổi dậy chống lại Liên Xô đã trốn chạy khỏi đất nước. Trong khi đó, một thế hệ trẻ đã lớn lên cùng với chính thể hiện tại. Và họ chỉ quan tâm tới nhạc jazz và quần jean. Họ không quan tâm đến chính trị. Họ đủ hạnh phúc với công việc được đảm bảo, chăm sóc sức khỏe và giáo dục miễn phí, nhà ở và thậm chí một chút tự do để đi du lịch nước ngoài.
Đồng thời, các hoạt động an ninh bảo vệ chế độ vẫn nằm trong tầm kiểm soát (được hỗ trợ bởi KGB của Nga) và ở đó, không có cơ hội thay đổi bất cứ điều gì một cách nhanh chóng.
“Còn những người Ba Lan trong phong trào Công đoàn Đoàn kết cuối thập niên 1970 thách thức chế độ lúc bấy giờ ở Ba Lan thì sao? Bạn mong chờ điều gì? Họ đã lãng phí thời gian của họ. Phong trào chỉ kích động người Nga và nó đã bị quên lãng sau khi mối quan hệ với Liên Xô được cải thiện.
Nhưng rồi một ngày vào năm 1989, Bức màn sắt (biên giới vật lý lẫn tư tưởng mang tính biểu tượng chia cắt châu Âu thành hai khu vực từ cuối Thế chiến II năm 1945 đến cuối cuộc Chiến tranh lạnh năm 1991 – theo Wikipedia) bị rạn nứt và sụp đổ nhanh chóng. Cùng ra đi với nó là Khối Xô Viết”, Grant nói.
Như vậy một sự kiện có thể kéo theo các sự kiện khác và không thể nói chắc chắn điều gì, Xô Viết đã sụp đổ nhanh chóng sau một loạt các cuộc nổi dậy bất thành trong khu vực.
Có một hình ảnh mang tính biểu tượng như thế này đã diễn tả chân thực sự sụp đổ có tính hệ thống. Trong lễ kỷ niệm 20 năm ngày Bức tường Berlin sụp đổ (năm 2009), người Đức đã cho dựng lên hàng dài những khối xốp cao 9 feet (2,7m) phủ bạt để các em học sinh từ khắp châu Âu vẽ lên những ý tưởng về thế giới trong tưởng tượng của các em tại chính nơi bức tường từng tồn tại 2 thập kỷ. Sau đó các khối này sẽ bi đẩy cho đổ như một chuỗi quân cờ domino khổng lồ. Nhưng nó không đổ hết một loạt mà đan xen với các lần dừng lại, đó là lúc các chức sắc khác nhau lên phát biểu.
Diễn giả đầu tiên là cựu thủ tướng Hungary, người đã mở ra biên giới đất nước của ông vào mùa xuân năm 1989. Nhà lãnh đạo phong trào Công Đoàn đoàn kết Ba Lan, Lech Walesa cũng lên phát biểu, trong đó có đoạn: “…sẽ không có Công đoàn Đoàn kết ở Ba Lan nếu không có Mùa xuân Prague vào năm 1968, sẽ không có cuộc nổi dậy nào của Séc nếu không có Hungary vào năm 1956, và điều đó sẽ không xảy ra nếu không có ví dụ về Cuộc nổi dậy của công nhân Đức ở Đông Berlin năm 1952”.
Khát vọng tự do không bao giờ có thể bị dập tắt
Các phong trào sẽ nối tiếp phong trào cho đến khi có những thành công nhất định. Về việc phong trào đòi tự do lớn hơn ở Hồng Kông sẽ diễn ra như thế nào, phải nói rằng rất khó để thống trị những người đã không còn sợ hãi. Theo Grant, có thể sẽ có nhiều cuộc biểu tình ở Hồng Kông hơn nữa.
“Có lẽ Quảng trường Thiên An Môn là quân cờ domino đầu tiên, tiếp theo là sự chuyển đổi Đài Loan từ chế độ độc tài quân sự sang một xã hội tự do và dân chủ thịnh vượng. Do đó, thực tế đã liên tục chứng minh rằng chính phủ tự do và đồng thuận vẫn tương thích với văn hóa Trung Quốc chứ không chỉ là những giá trị riêng của phương Tây.
Và những người ở Trung Nam Hải có thể đã cân nhắc điều này mặc dù vẫn đang xây dựng một nhà nước giám sát và chi tiêu cho an ninh nội bộ nhiều hơn là phòng thủ bên ngoài.
Hãy xem xét cơn giận dữ của Bắc Kinh vào năm 2012 – 2013 khi tờ New York Times và Bloomberg công khai sự giàu có của lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc, bao gồm các tài khoản ngân hàng và doanh nghiệp ở nước ngoài.
Giới tinh hoa Trung Quốc đã và đang thiết lập các cơ sở ở nước ngoài, để trốn thoát trong nhiều năm, trớ trêu thay họ lại tìm kiếm chỗ trốn ở các nền dân chủ tự do của thế giới. Có lẽ họ nghi ngờ rằng khát vọng tự do được thể hiện tại Quảng trường Thiên An Môn năm nào vẫn đang âm ỉ, sẵn sàng bùng cháy và không dễ dàng bị dập tắt. Thật vậy, ngay cả Mao Trạch Đông cũng không thể dập tắt được khát vọng này”, ông Grant chia sẻ.
Ông cũng khẳng định rằng, đã có những bài học rõ ràng giữa kinh nghiệm Đông Âu và Trung Quốc dưới sự cai trị của ĐCSTQ. Ở đâu thì cũng sẽ luôn có những khát khao liên tục cho tự do, nhất là dưới một chế độ đàn áp và những nỗ lực ngày càng khắc nghiệt để đàn áp người dân với tiềm lực kinh tế đang giảm dần.
“Đối với phe thế giới tự do, họ phải đứng lên để thể hiện sự tự do cao hơn của con người, bất kể tỷ lệ cược như thế nào. Thời gian sẽ trả lời”.
Theo Tất Thăng – Đại Kỷ Nguyên
Bình luận