Phi công Tiêm kích Đức tha mạng Oanh tạc cơ Mỹ

Lòng trắc ẩn khiến phi công tiêm kích Franz Stigler hộ tống oanh tạc cơ Mỹ về nơi an toàn dù vừa trải qua trận đánh ác liệt.

Năm 1943, quân Đồng minh triển khai liên tiếp các đợt không kích ác liệt nhằm hủy diệt nền công nghiệp của Đức Quốc xã, khiến tiềm lực kinh tế và quốc phòng nước này bị kiệt quệ. Thiếu úy Charles “Charlie” Brown là một trong những phi công oanh tạc cơ B-17F Mỹ tham gia chiến dịch.

Trong đợt không kích ngày 20/12/1943, thiếu úy Brown phải vật lộn để điều khiển chiếc oanh tạc cơ B-17F hư hỏng nặng trên không phận Đức sau khi trúng hỏa lực phòng không đối phương. Brown bị thương ở vai, xạ thủ súng máy đuôi Hugh Eckenrode thiệt mạng, những thành viên còn lại trong tổ bay cũng bị thương nặng.

Ảnh: Một phi đội oanh tạc cơ B-17F của Không đoàn số 379 (Ảnh: USAF).

Chiếc B-17F đã hai lần bị pháo phòng không bắn trúng khi tiếp cận nhà máy sản xuất máy bay Focke-Wulf ở thành phố Bremen, buộc tổ lái tắt một động cơ và giảm tốc. Điều này khiến họ tụt lại phía sau đội hình của Không đoàn oanh tạc cơ số 379, đồng thời bị các tiêm kích Đức áp sát tấn công.

Có tới 15 chiến đấu cơ Đức tập kích chiếc B-17F. Toàn bộ phần đuôi của nó bị phá nát, phần mũi bằng kính cũng bị bắn vỡ, hệ thống điện, thủy lực, liên lạc và cấp dưỡng khí bị hỏng, nhiều dây cáp thò ra ngoài qua những lỗ hổng trên thân máy bay. Tuy nhiên, oanh tạc cơ Mỹ vẫn tiếp tục bay.

Brown ngất đi trong thời gian ngắn vì đau đớn, mất máu và thiếu oxy, còn chiếc B-17F mất lái vào chúi mũi xuống đất. Điều này dường như đã cứu mạng cả tổ lái, khi các phi công Đức cho rằng chiếc B-17F sẽ đâm xuống đất nên quyết định bỏ đi, không tiếp tục truy đuổi.

Brown tỉnh lại khi máy bay chỉ còn cách mặt đất vài trăm mét. Anh cố gắng điều khiển máy bay về phía tây và hướng đến nơi an toàn ở Anh cách đó hơn 400 km.

Phi công này không thể đưa chiếc B-17F lên độ cao trên 300 m và nhận ra rằng mình đang ở gần một sân bay Đức. Ngay sau đó, anh phát hiện một tiêm kích Bf 109 của đối phương tiếp cận từ bên cạnh, gần đến mức có thể thấy phi công Đức ra hiệu yêu cầu oanh tạc cơ Mỹ hạ cánh.

Các xạ thủ súng máy trên chiếc B-17F đều bị thương và không thể bắn chiến đấu cơ Đức. Brown lắc đầu ra hiệu từ chối hạ cánh, dù không chắc rằng có thể bay đến Anh.

Chiếc Bf 109 bay cạnh oanh tạc cơ Mỹ trong thời gian ngắn trước khi lùi về sau và tăng độ cao. Brown tưởng rằng đối phương sẽ khai hỏa nhưng không có gì xảy đến, trước khi ngỡ ngàng nhận ra chiến đấu cơ đối phương đang hộ tống mình. Tiêm kích Đức duy trì cự ly đó với oanh tạc cơ Mỹ ngay cả khi hai máy bay đã vượt qua đường bờ biển và hướng ra Biển Bắc.

Sau khi rời xa khỏi bờ biển, chiếc Bf 109 mới lại áp sát oanh tạc cơ Mỹ. Brown nhìn thấy phi công Đức giơ tay chào kiểu nhà binh rồi vòng lại, quay về đất liền.

Ảnh: Tranh vẽ mô tả vụ Tiêm kích Đức hộ tống Oanh tạc cơ Mỹ (Ảnh: War Story).

Chiếc B-17F sau đó hạ cánh an toàn xuống căn cứ của Phi đoàn oanh tạc cơ số 448 trên đất Anh. Ngoại trừ xạ thủ súng máy đuôi thiệt mạng, toàn bộ thành viên tổ lái đều sống sót. Brown kể lại sự việc nhưng không quân Mỹ quyết định giữ bí mật chuyện này, bởi việc phi công Đức tha mạng và hộ tống máy bay Mỹ trở về được coi là không phù hợp với những thông điệp thời chiến.

Charlie Brown sống sót qua Thế chiến II, trở về nhà học đại học và tái gia nhập không quân Mỹ năm 1949. Ông nghỉ hưu với quân hàm đại tá năm 1965 và chưa từng kể với ai về sự kiện ngày 20/12/1943 cho đến buổi gặp mặt các cựu phi công vào năm 1986. Câu chuyện khiến nhiều người nghi vấn, thậm chí bản thân Brown cũng ngờ vực chính mình, cho rằng ông đã tưởng tượng sự việc trong lúc nửa tỉnh nửa mê vì các vết thương.

Brown quyết định tìm kiếm người phi công Đức hộ tống mình. Đến năm 1990, ông nhận được bức thư từ một người có tên là Franz Stigler đang sống ở Canada. Trong thư, Stigler cho biết mình chính là phi công Đức đã hộ tống chiếc B-17F của Brown.

Stigler là phi công thuộc Không đoàn tiêm kích số 27 của Đức với thành tích 27 lần bắn hạ máy bay đối phương. Sáng 20/12/1943, ông điều khiển chiếc Bf 109G-6 đối phó phi đội oanh tạc cơ Mỹ. Chiếc B-17F của Brown bay ngang qua sân bay khi tiêm kích của Stigler đang được tiếp dầu. Dù tiêm kích bị hư hại trong trận đánh trước đó, phi công Đức vẫn cất cánh với mong muốn hạ oanh tạc cơ Mỹ.

Tuy nhiên, khi áp sát đối phương, Stigler phát hiện nó bị hỏng nặng. Ông có thể thấy thi thể xạ thủ súng máy ở phía đuôi và các thành viên tổ lái bị thương qua những lỗ hổng trên máy bay Mỹ.

Chỉ huy Không đoàn 27 trước đó nói với cấp dưới rằng họ không bao giờ được bắn phi công đối phương đang nhảy dù. Dù phi hành đoàn chiếc B-17F chưa nhảy dù thoát ly, họ rõ ràng đã mất khả năng chiến đấu nên Stigler quyết định không tấn công.

Ảnh: Brown (trái) và Stigler trong một lần gặp mặt (Ảnh: War Story).

Ông bay bên cạnh và ra hiệu cho Brown hạ cánh. Stigler cho biết hành động này không nhằm yêu cầu Brown đầu hàng, mà vì ông nghĩ chiếc B-17F bị hư hại nặng đến mức không thể lết về đến đất Anh. Khi đối phương từ chối, Stigler bắt đầu bay sát chiếc B-17 nhằm ngăn các khẩu đội phòng không Đức ở bờ biển khai hỏa. Ông bay cùng oanh tạc cơ cho đến khi nó rời không phận Đức.

Stigler chưa bao giờ kể với ai về điều này vì lo sợ bị cấp trên trừng phạt, dù ông cũng tò mò về số phận oanh tạc cơ Mỹ được mình tha mạng. Ông tiếp tục tham chiến cho đến khi Thế chiến II kết thúc và di cư đến Canada năm 1953.

Khi nghe được câu chuyện của Charlie Brown năm 1990, Stigler xác nhận mọi tình tiết là thật. Hai người đều bất ngờ khi phát hiện họ sống cách nhau chỉ hơn 300 km. Họ trở thành bạn bè thân thiết và thường xuyên ghé thăm nhau, cũng như kể cho người khác về những gì trải qua. Cả hai phi công qua đời cách nhau chỉ vài tháng vào năm 2008.

Theo War History

Bình luận