Giọng ca sinh năm 1987 không tích cực chạy show, ra album mà muốn dùng âm nhạc để thực hiện những dự án cộng đồng.
Lê Cát Trọng Lý mới đây làm khách mời trong một đêm nhạc ở Hà Nội. Trong chiếc áo sơ mi dáng rộng, quần âu, cô ca sĩ nhỏ bé tự đệm đàn, hát hai ca khúc do mình viết – Vì sao cố giấu đi thật thà, Và ta không hát như lúc xưa. Sáng tác của Lý không nói về tình yêu mà chất chứa những ký ức, hoài niệm của mỗi người. Trò chơi nhớ số nhà, số điện thoại thuở bé, những người bạn cũ được cô kể lại một cách dung dị bằng âm nhạc.
Tùng Dương ví von Lê Cát Trọng Lý “mềm mại, dịu dàng” như nước, Thanh Lam nhận xét âm nhạc và con người cô “trong trẻo, hồn nhiên” trong khi ca sĩ tự nhận mình là một kẻ “khù khờ”. Cô đặt tên một dự án âm nhạc của mình là Khù khờ tour, những người yêu mến Lê Cát Trọng Lý cũng gọi mình là “Khù khờ tộc”.
“Ơi chúng ta cứ quên đi, nơi chúng ta bước lên xe, nơi chúng ta rất là già”, Lê Cát Trọng Lý viết trong Khù khờ ca. “Khù khờ” đối với Lý là một ý niệm, một cách sống. Cô hướng đến sự tự do, hành động theo tiếng gọi của đam mê. Nhiều người trách cô “khờ”, dù có lượng fan lớn nhưng không tích cực chạy show, tổ chức concert, ra sản phẩm. Mỗi liveshow của Lý “cháy vé” nhanh nhưng thường hạn chế số lượng. Cô từng lý giải không muốn chạy theo sự xô bồ của nền công nghiệp giải trím, thay vào đó, dùng âm nhạc để thực hiện những sứ mệnh với cộng đồng.
Sinh ra trong gia đình có ba là ca sĩ Lê Băng Thanh, Lê Cát Trọng Lý bộc lộ năng khiếu âm nhạc từ nhỏ. Trong cuốn sách 1987, cô tâm sự thuở bé, cô làm bạn với radio, mê chương trình Giao hưởng và Thính phòng. Cô thần tượng Beethoven đến nỗi chép một chân dung của ổng để ở bàn học lúc 14, 15 tuổi. Năm 2006, khi đang là sinh viên khoa tiếng Nga của Đại học Đà Nẵng, Lý bỏ vào TP HCM học Nhạc viện. Cô chọn ngành viola cổ điển theo mong muốn của bố.
Năm 2008, ca sĩ, nhạc sĩ gây chú ý trong chương trình Bài hát Việt. Với Chênh vênh, cô cùng lúc đoạt giải “Ca sĩ thể hiện ca khúc hiệu quả tháng 12”, “Bài hát của năm”, “Nhạc sĩ trẻ triển vọng”. Hình ảnh cô gái nhỏ nhắn có mái tóc ngắn ngủn, gương mặt bầu bĩnh và giọng hát trong trẻo, đượm buồn được nhiều người yêu mến. Sau Chênh vênh, cô tiếp tục giới thiệu nhiều sáng tác như Chuyến xe, Giấc mộng lớn, Cơn bão nghiêng đêm, Lúng ta lúng túng, Trời ơi… Ca từ của Lý được nhận xét giàu triết lý, đẹp và giàu chất thơ. Nhiều sự vật, hiện tượng thiên nhiên được cô miêu tả sống động. Tình yêu trong âm nhạc của ca sĩ lãng mạn, man mác buồn với những cái chạm tay lướt nhẹ, những nụ hôn khẽ khàng, lời tỏ tình vụng về…
Giới trẻ “phải lòng” Lê Cát Trọng Lý bởi âm nhạc của cô nói hộ họ những nỗi “chênh vênh” của tuổi trẻ. Nữ ca sĩ được xem như tên tuổi tiêu biểu của các nghệ sĩ Indie. Nhiều đêm trong chuyến lưu diễn xuyên Việt mang chủ đề Vui Tour của ca sĩ sau đó “cháy vé”. Khán giả lớn tuổi cũng dành nhiều cảm tình cho Lê Cát Trọng Lý nhờ sự mộc mạc, không màu mè. Ca sĩ cũng từng tâm sự: “Lý rất may mắn. Nếu Lý đi làm ít tiền, không có tiền mua bộ quần áo đẹp để mặc đi hát thì Lý mặc đồ của mình thôi. Và Lý không đau khổ. Có nhiều người phải thuê bộ quần áo đẹp để mặc rồi ngập trong nợ nần. Rất là khổ”.
Chuyến du học cuối năm 2016 khiến Lê Cát Trọng Lý thay đổi. Sau một năm ở Đan Mạch, Lý trở về nước để thực hiện chuỗi hòa nhạc ở Hà Nội và TP HCM. Cô giới thiệu những tác phẩm mới như Con chim già ngất ngư, Ta nhe nanh to, Đường đến ngôi nhà không có, Dưới mưa dừng bước… Các ca khúc khai thác mạnh mẽ yếu tố cổ điển và dân gian đương đại, do cellist Nguyễn Thanh Tú chuyển soạn.
Ca khúc “Chẳng thể chia ra làm đôi”
Lê Cát Trọng Lý tâm sự sau thời gian du học, cô không còn muốn viết về những cảm xúc yêu đương, “chênh vênh” của cái tôi cá nhân. Cô thừa nhận trước kia “yêu nhiều, đớn đau chẳng ít” nhưng hiện tại, cô quan tâm đến những tình cảm lớn lao hơn. Những chuyến đi thực tế giúp cô thêm yêu thiên nhiên. Cô quan tâm đến việc bảo vệ môi trường, biến đổi khí hậu, những trẻ em nghèo và muốn dùng âm nhạc để truyền tải những vấn đề này. Cô viết về những vì sao, dòng suối, rừng cây. Trong nhiều chương trình, cô giới thiệu chuỗi những ca khúc đố vui để tương tác với khán giả.
Một số khán giả nhận xét nhạc của Lý “khó nghe hơn”, “cần tính chuyên môn cao”. Lý cũng thường tự nhận các sáng tác của cô “buồn ngủ”, “nhạt”. Thế nhưng lượng fan trung thành vẫn ủng hộ cô hết mực. Các concert của cô đều chật kín. Album Chẳng thể chia ra làm đôi “cháy hàng”.
Trong một buổi gặp gỡ ở Hà Nội, khi nhận được câu hỏi “Vì sao Lý không hát những ca khúc được nhiều người yêu mến trước kia?”, cô trả lời gọn lỏn: “Lý không thích nữa”. Trên sân khấu một chương trình ở L’espace năm ngoái, cô kể: “Đi đâu, tôi cũng được yêu cầu biểu diễn bài này, nhưng hôm nay nhất định không” Nói xong, Lý cất giọng hát vo: ‘Nhiều người ôm giấc mơ giàu sang, vài người ôm giấc mơ bình yên” ‘. Cô xoay một vòng, tay vung lên, miệng hô vang: “Hây”. Khán giả bên dưới bật cười. Một lần khác, cô bày tỏ sự ưng ý với những tác phẩm mới: “Trải qua 10 năm làm nghề, cho đến những bài hát gần đây, tôi mới thấy bớt xấu hổ khi nghe lại”.
Lê Cát Trọng Lý hát “Khù khờ ca'”
Chương trình dài hơi mới nhất của Lê Cát Trọng Lý mang tên Khù khờ tour. Cô thực hiện những chuyến đi đến các vùng nông thôn khắp đất nước, tư vấn, chăm sóc sức khỏe, kết nối các em nhỏ với những nhà hảo tâm… Tất cả được Lý miêu tả ngắn gọn – “không chỉ để ca hát”. Cô cho biết muốn kết nối những người bạn có năng lực và sự tử tế với nhau để cùng làm những điều tươi đẹp, tập trung vào niềm vui, bớt đi sợ hãi, chần chừ, nghi ngại trong cuộc sống. Kinh phí trang trải chuyến đi lấy từ lợi nhuận bán đĩa của cô. “Sau mỗi chuyến đi, tôi thấy tâm hồn rộng mở hơn”, ca sĩ chia sẻ.
Lê Cát Trọng Lý từng tâm sự: “Ước mơ của Lý là sống mà cảm nhận được sự bình an, cuộc sống của mình mang lại lợi ích cho chính mình và những người khác. Điều đó rất khó. Có khi, bạn phải dành cả cuộc sống để rèn luyện từng ngày”. Ca sĩ vẫn đang theo đuổi ước mơ ấy một cách “khù khờ”, đầy “mộng mơ”.
Hà Thu
Bình luận