Trong các cộng đồng bị thiệt thòi nhất của Việt Nam, phản ứng của chính phủ thường là quan hệ gia trưởng – các quyết định từ trên xuống được đưa ra với mục đích thúc đẩy lợi ích tốt nhất của cộng đồng liên quan – trong khi quyền tự chủ, sự tham gia cộng đồng và quyền sở hữu trong quá trình phát triển kinh tế không hề được coi là một phần của con đường phát triển.
Đó là lý do tại sao “phát triển” không mang lại lợi ích công bằng cho mọi người. Các dự án không nên được đề xuất CHO những cộng đồng còn khó khăn, mà nên là CÙNG VỚI họ. Đó là cách tốt nhất để giúp họ mạnh mẽ hơn. Đây thật sự là một cơ hội tuyệt vời: các dự án nên được xây dựng dựa trên khả năng đóng góp của cộng đồng – và điều đó sẽ đảm bảo sự phù hợp, sự bền vững trong dài hạn và sự tham gia của các bên liên quan.
Trong một dự án nghiên cứu năm 2017 được thực hiện ở Đồng Hới, Quảng Bình, chúng tôi đã nghiên cứu cách lũ lụt đô thị tác động đến các trường học trong thành phố và cách các bên liên quan có thể đóng góp cho sự an toàn của trường học cũng như đảm bảo việc giáo dục trẻ em không bị gián đoạn.
Đồng Hới đã trải qua nhiều trận bão và lũ lụt trong quá khứ – năm 2016 là thời điểm mà sự tàn phá của chúng đặc biệt nặng nề. Lũ lụt vào tháng 10 năm 2016 đã dẫn đến cái chết của 7 học sinh ở Đồng Hới, làm hư hại một phần không nhỏ vật dụng và thiết bị trường học. Các trường học địa phương bị tụt lại sau vài tuần so với chương trình học trên toàn quốc. Cũng có những tác động sâu rộng về mặt kinh tế và xã hội đối với cả cộng đồng.
Nghiên cứu của chúng tôi chỉ rõ tại sao việc các nhóm và cá nhân khác nhau tham gia vào quá trình ngăn ngừa thiên tai lại quan trọng đến vậy. Khi thực hiện dự án, chúng tôi đã nói chuyện với không chỉ những người quản lý trường học và những người thực hiện chính sách của chính phủ, mà còn cả sinh viên, phụ huynh và giáo viên. Điều chúng tôi nhận thấy là ngay cả những người có nguy cơ cao nhất ở Đồng Hới cũng có thể tận dụng khả năng của mình để giảm thiểu tác động của lũ lụt.
Ở đây, các trường đóng một vai trò thiết yếu trong cuộc sống của một cộng đồng. Họ không chỉ tạo điều kiện cho việc giáo dục trẻ em và thanh thiếu niên mà còn là nơi tập hợp xã hội. Chúng giúp tạo ra sự kết nối và tinh thần cộng đồng giữa các gia đình.
Tại Đồng Hới, chúng tôi thấy rằng cộng đồng địa phương đã có thể huy động cứu trợ sau trận lụt năm 2016 trước khi bất kỳ viện trợ nào khác đến. Điều này chính là bằng chứng mà đã được khẳng định trong nhiều trường hợp ở khắp nơi trên thế giới: cộng đồng chính là những người phản ứng đầu tiên (với thiên tai).
“Năm ngoái, khi gia đình chúng tôi hỗ trợ các nạn nhân sau lũ lụtt, một số người mà chúng tôi đến thăm đã 87 hoặc 90 tuổi. Khi chúng tôi đến, họ ôm chúng tôi và khóc”. Một phụ huynh ở Trường Tiểu học Đông Mỹ, Đồng Hới nói.
Cộng đồng có thể hỗ trợ lẫn nhau. Chúng tôi đã được nghe kể về các gia đình đã chia sẻ nhà và nguồn lực cho những nạn nhân đến tận khi họ có thể phục hồi. Mọi người thực sự quan tâm đến nhau và điều đó xác nhận những gì chúng ta đã biết về lòng tốt của con người.
Cộng đồng thật sự đoàn kết với nhau. Nhưng nhiều người sẽ đặt ra câu hỏi liệu vai trò của chính phủ trong tất cả những điều này là gì?
Chính phủ có thể thúc đẩy nhiều sự thay đổi, đặc biệt là sự giao tiếp và phối hợp giữa các cấp chính quyền và các bên liên quan khác nhau (người quản lý, giáo viên và phụ huynh) cần được cải thiện. Điều này cần phải đi cùng với các chính sách giảm thiểu những tổn thương mà cộng đồng này phải đối diện hằng ngày.
Nhắc đến những tổn thương mà những cộng đồng này phải gánh chịu khiến, chúng ta phải chất vấn tình hình kinh tế chính trị hiện tại – mà trong đó chỉ khiến tình trạng bất bình đẳng ngày càng trầm trọng hơn, mà những người có trách nhiệm không dám nhìn thẳng vào điều đó.
Khi chúng ta chật vật tìm lời giải cho điều này – hãy nhớ rằng chúng ta có thể kêu gọi việc “thay đổi hệ thống” – và mọi người đều có thể yêu cầu trách nhiệm giải trình của chính phủ về những quyết định chính sách về những chương trình hành động còn nhiều thiếu sót. Nhiều tiếng nói từ các cá nhân cùng chia sẻ tầm nhìn và các giá trị với nhau đã và đang tiếp tục lên tiếng vì điều này.
Và những tiếng nói này cần được lắng nghe và ủng hộ. Một trong những điều tốt nhất mà chính phủ có thể làm là hồi đáp những sáng kiến do cộng đồng phát triển, cung cấp bất kỳ nguồn lực cần thiết, và đơn giản là không can thiệp vào công việc của họ.
Trích bài của Jason Von Meding – Minh Châu dịch
Theo Tạp chí Tia Sáng
Bình luận