Tại hội thảo Giáo dục 2018 với chủ đề “Giáo dục đại học – Chuẩn hóa và hội nhập quốc tế” do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội phối hợp với Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh tổ chức ngày 17/8/2018, vấn đề tự chủ được nhìn nhận là một trong những tiêu chí quan trọng để các đại học Việt Nam chuẩn hóa và quốc tế hóa, bắt đầu phải bằng tự chủ học thuật.
Ảnh: Sinh viên ĐHQGHN trong phòng thí nghiệm của trường. Nguồn: Báo Nhân dân.
Đề cập đến những xu hướng chính của giáo dục đại học trên thế giới hiện nay, ông Dilip Parajuli, chuyên gia kinh tế của Worldbank tại Việt Nam đã rút ra ba yếu tố quan trọng là tự chủ và trách nhiệm giải trình, quốc tế hóa, tài chính bền vững, vấn đề tự chủ đại học cần được đặc biệt quan tâm. Đồng tình với quan điểm này, GS. TS Nguyễn Hữu Đức, Phó giám đốc ĐHQGHN, đã viện dẫn ví dụ từ Malaysia, quốc gia coi việc tăng tính tự chủ đại học là một trong những chính sách trọng yếu để các trường đại học nâng cao năng lực hệ thống giáo dục. Nhờ vậy, hiện Malaysia xếp thứ 21 trong bảng xếp hạng U21 của Australia về hệ thống giáo dục đại học quốc gia và bảng xếp hạng QS về tiềm lực hệ thống giáo dục đại học năm 2018.
Tự chủ đại học chưa thể phát huy ưu điểm ở Việt Nam. Ông Dilip cho rằng, dù Việt Nam đang đi đúng hướng nhưng vẫn còn có nhiều hạn chế trong quá trình thực hiện tự chủ. Trước nhận xét này của ông, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Văn Phúc cho rằng nhiều quy định về pháp luật liên quan đến giáo dục vẫn chưa tạo điều kiện cho tự chủ đại học ở Việt Nam. Một đại biểu khác trong ngành giáo dục là PGS.TS. Đỗ Văn Dũng, hiệu trưởng ĐH Sư phạm kỹ thuật TP Hồ Chí Minh bổ sung: “Cơ chế hiện nay không cho phép các hiệu trưởng dám làm, dám chịu trách nhiệm”.
Có một vấn đề tồn tại là hiện Việt Nam còn hiểu chưa đúng về tự chủ đại học. GS. TS Võ Văn Sen, nguyên Hiệu trưởng trường Đại học KHXH&NV, ĐHQG TP.HCM, đã góp ý: “Hiện nay có một cách hiểu lệch lạc trong các trường đại học ở Việt Nam là chỉ quan tâm đến tự chủ tài chính. Với một nước đang phát triển và nền đại học vẫn còn đang trong tình trạng sơ cấp như hiện nay, việc vội chạy theo cơ chế thị trường sẽ làm hạn chế sự phát triển của các ngành khoa học cơ bản.” Ông lấy ví dụ tại Nhật Bản, vấn đề tự chủ đại học chỉ mới được nói đến rộng rãi và mạnh mẽ khi họ đã trở thành đại cường quốc. Đồng ý với ý kiến của GS. TS Võ Văn Sen, GS. Phạm Quang Minh, hiệu trưởng ĐH KHXH&NV, ĐHQGHN nhận xét, điều quan trọng nhất đối với các trường đại học là được tự do học thuật, chứ không phải tự chủ tài chính. GS. Minh đề xuất tự chủ đại học ở Việt Nam có lẽ cần bắt đầu bằng “khoán học thuật” – để các giảng viên tự chủ trong việc dạy và nghiên cứu. Từ quan sát của người ngoài cuộc, ông Dilip cũng nhấn mạnh, tự chủ đại học phải bắt đầu bằng tự chủ học thuật, rồi mới đến tự chủ tổ chức và tự chủ tài chính.
Các ý kiến của chuyên gia tham dự hội thảo đều đã được các cơ quan quản lý Nhà nước ghi nhận. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu: “Sáng tạo ra tri thức là một trong những sứ mệnh của trường đại học. Các trường đại học cần được tự chủ về chuyên môn thì mới khơi dậy sáng tạo cho từng thành viên trong nhà trường. Đây là tự chủ căn bản nhất.” Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng lưu ý rằng cần luật hóa những quy định về tự chủ đại học trong Luật Giáo dục đại học sửa đổi và bổ sung hệ thống pháp luật liên quan, vì “khi Luật chưa sửa thì có nhiều điều chưa thực hiện được”.
Minh Thuận |
Theo Tạp chí Tia Sáng |
Bình luận