Quỹ Think Tank Việt Nam – một nguồn lực mới thông qua việc “Cùng Xây dựng, cùng Quản lý, cùng Phát triển”

Việt Nam – từ Quốc gia Ứng phó
đến Quốc gia Mưu lược và Chiến lược

Làm Quốc gia thịnh hay suy, trước hết là nhờ Mô hình phát triển tức Kế sách lớn. Kế sách làm “Ta” và “Khác Ta” cùng phát triển, ví như vừa phát triển Kinh tế vừa bảo vệ Môi trường hay Quốc gia và Thế giới cùng phát triển, gọi là giỏi Chiến lược. Kế sách chỉ đủ lo cho mỗi cá nhân hay mỗi Quốc gia tranh đoạt được gọi là giỏi Mưu lược. Kế sách dẫn dắt cá nhân và quốc gia vượt qua muôn vàn khó khăn song mới đủ để tồn tại gọi là giỏi Ứng phó. Theo diễn đạt này: Nước Mỹ  – Chiến lược nhất thế giới; Trung Quốc – Mưu lược nhất thế giới; Việt Nam – trước đây đã từng giỏi Chiến lược và Mưu lược, song nay Ứng phó hạng nhất thế giới.  

Ảnh: Các sách của Trung Quốc được in và xuất bản tại Việt Nam. Nhiều nhân vật nổi tiếng của Trung Quốc và Thế giới cho rằng từ mấy ngàn năm nay Trung Quốc chỉ có nhà Mưu lược mà không có nhà Tư tưởng. Điều này làm Trung Quốc khó tiến xa hơn những gì đã đạt được.

Chiến lược hay Mưu lược không có sẵn, mà do con người dày công chủ động xây dựng, cho nên Mỹ và Trung Quốc giỏi “Xây”. Ứng phó là bị động đối phó với tác động từ ngoài, cho nên Việt Nam giỏi “Chống”, từ chống lụt bão, chống đói, đến chống ngoại xâm. Dĩ nhiên, đã giỏi Chiến lược thỉ giỏi cả Mưu lược và Ứng phó.

Chiến lược, Mưu lược, Ứng phó đều thuộc phạm trù tư tưởng, thể hiện Tầm nhìn và năng lực Hành động, song đẳng cấp khác nhau rất xa. Đỉnh cao của Chiến lược là nhất thế giới; Đỉnh cao của Mưu lược là làm Quốc gia phát triển; Đỉnh cao của Ứng phó là “Giải pháp tình thế”, ví như tắc đường thì làm đường ngầm, đường trên cao, muốn giao thông nhanh thì vay tiền làm đường cao tốc, lũ lụt thì mang mì tôm ứng cứu,… Hình ảnh tiêu cực của “Tư duy Ứng phó” là từ trên xuống dưới phổ biến việc lạ lẫm với Tự do sáng tạo.

 

Hội nhập Quốc gia và Hội nhập Quốc tế
trước hết là Hội nhập về Mưu lược và Chiến lược

Muốn có quan hệ tốt đẹp với các cường quốc, nhất là với Mỹ và Trung Quốc, đương nhiên Việt Nam phải Thay đổi theo hướng “trọng Xây” giống như với hai quốc gia này, thay cho thói quen “trọng Chống” đã có từ lâu. Để có thể tự chuyển hóa từ “tư duy Ứng phó” sang “tư  duy Mưu lược” và “tư duy Chiến lược”, việc đầu tiên cần làm là phải xác định Niềm tin cốt lõi “Trăm điều phải có thần linh pháp quyền” và “Độc lập – Tự do – Hạnh phúc.

Hiện nay Trung Quốc đang nỗ lực xây dựng Niềm tin mới cho Lãnh đạo và Dân tộc là “Trung Quốc dẫn đầu Thế giới”, “Trung Quốc phải là cường quốc số 1”, “Trung Quốc trỗi dậy trong hòa bình”,… với hy vọng đưa Trung Quốc từ đất nước Mưu lược nhất thế giới, thu hẹp khoảng cách và từng bước thay thế Mỹ để trở thành Quốc gia Chiến lược nhất thế giới. Thực tiễn cho thấy hy vọng này sẽ xa vời, thậm chí là không tưởng, nếu thiếu vắng tầm tư tưởng mang tính Chiến lược, ví như “Trăm điều phải có thần linh pháp quyền”.

Ảnh dưới: Một số thành viên trong Đoàn Công tác Viện Nghiên cứu – Think Tank SENA tại Washington cuối năm 2008.
Một trong các nhiệm vụ của Đoàn Công tác là tham dự Lễ nhậm chức của Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama, đồng thời trao đổi quan hệ với các tổ chức khoa học và Think Tank Mỹ. Đứng đầu bên trái là Giáo sư Albert Noyoon Kwak, ông và TS. Minh Đường là người sáng lập và Đồng Chủ tịch Quỹ Phát triển Mỹ Việt; Một trong các mục tiêu chủ yếu của Quỹ này là hỗ trợ và thúc đẩy quan hệ giữa các Think Tank của hai quốc gia. Những kinh nghiệm, nhất là các khó khăn, thất bại trong hoạt động của Quỹ này là những bài học quý cho Quỹ Think Tank Việt Nam – VTF được thành lập ngày 8/3/2019.

Đứng giữa là GS. TSKH Mai Trọng Nhuận, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, nay là cố vấn của Chính phủ về Khoa học và Giáo dục; Tiếp theo là Luật sư Robert Schuergr và Ông Trần Đức Chính, chuyên viên Văn phòng Chính phủ.

Việc hai Quốc gia vĩ đại là Hoa Kỳ và Trung Quốc hiện nay đang vừa hợp tác khăng khít, vừa cạnh tranh mạnh mẽ, tạo nên một cơ hội lớn cho châu Á và Thế giới. Đây là cơ hội, là mối duyên lớn cho Việt Nam nắm bắt và phát triển, vì đã có một “Trung Quốc trỗi dậy trong hòa bình”, thì Thế giới, kể cả Hoa Kỳ và Trung Quốc đều cần có một “Việt Nam vươn cao trong phát triển”.

Think Tank Việt Nam, phương tiện hữu hiệu
để thúc đẩy Hội nhập Mưu lược và Chiến lược

Vì “Nghĩ” thế nào sẽ “Làm” thế ấy, và “Làm” thế nào thì “Kết quả” sẽ thế ấy, với cá nhân hay Quốc gia cũng vậy, cho nên ở các nước phát triển từ rất sớm đã có nhiều cá nhân, ví như các giáo sư các trường đại học, hay các tổ chức khoa học tiến hành nghiên cứu các vấn đề chiến lược của nước mình hoặc thế giới; Do độc lập với nhà nước nên các cá nhân và tổ chức này có khả năng xem xét vấn đề một cách khách quan, toàn diện và đưa ra các giải pháp, chủ trương hợp lý.

Việc xã hội thống nhất và liên kết chặt chẽ với Chính thể để “cùng Dẫn dắt, cùng Hành động” đã giúp các quốc gia này vượt qua mọi khủng hoảng và ngày càng phát triển. Sẽ rất khó tưởng tượng thuật ngữ “Phát triển bền vững” với các cường quốc phát triển lâu đời, nếu như thiếu vắng sự gắn kết của Chính thể với các Giới Tinh hoa của xã hội thông qua các tổ chức Think Tank hoặc có tính Think Tank.

Việc hình thành và thúc đẩy các tổ chức Think Tank đã trở nên vấn đề cấp bách với Việt Nam, do trải qua một thời gian dài chiến tranh, cho nên hệ tư duy “Ra lệnh – Tuân lệnh” thời chiến đã hằn sâu trong nếp nghĩ từ Lãnh đạo đến mỗi người dân. Lối nghĩ này lại được củng cố bởi một cơ chế “Đóng”, tầm nhìn hướng vào trong, kéo dài đến mấy chục năm, cho nên rất dễ dẫn đến lối tư duy và hành động vượt quyền hạn, vượt đạo lý khi liên quan đến quyền lợi riêng, trong khi lại thụ động, không sáng tạo khi liên quan đến Cộng đồng và Quốc gia.

Trong bối cảnh này, vai trò của Think Tank với chức năng thu hút Tinh hoa trong nước và ngoài nước, cũng như kết nối với Giới tinh hoa của Tầng lớp Chính thể sẽ đóng vai trò không nhỏ trong định hướng xã hội, hỗ trợ và thúc đẩy tích cực cho tiến trình “cùng Dẫn dắt, cùng Hành động” giữa Chính thể và Xã hội.

 

Think Tank luôn là một trong các tổ chức
cần được tôn trọng và hỗ trợ; Điều này đúng với
Thế giới và càng đúng với Việt Nam

Các nước phát triển, nhất là ở các nước phát triển lâu ở phương Tây, đặc biệt coi trọng Think Tank. Đó là vì ở các quốc gia này, Think Tank tập trung các Tinh hoa của xã hội cho nên nếu xem quốc gia như một cơ thể thì Chính thể và Think Tank được xem như hai mặt của não bộ xã hội. Não bộ được trân trọng vì định hướng hoạt động cho cơ thể song không thể thiếu sự trợ giúp, nuôi dưỡng về mọi mặt của cơ thể, vì thế Think Tank đặc biệt cần sự hỗ trợ của xã hội, nhất là trong giai đoạn nghiên cứu.

Ở các nước phát triển đã lâu thì việc tài trợ cho Think Tank được xem là nghĩa cử tự nhiên của Chính phủ, các tổ chức xã hội, các doanh nghiệp và các cá nhân. Ở các nước mới phát triển như Trung Quốc, Thái Lan, Ấn Độ,… cũng như ở các nước đang phát triển như Việt Nam, Lào, Campuchia,… các hoạt động của Think Tank gặp nhiều khó khăn hơn do Chính thể và xã hội chưa hình thành thói quen hỗ trợ và thúc đẩy các tổ chức Think Tank. Những người giàu hảo tâm, các tổ chức xã hội, các doanh nghiệp ở các quốc gia này khi làm các hoạt động xã hội thường chỉ nghĩ đến giúp đỡ vật chất trực tiếp cho những người yếu thế, cơ nhỡ trong xã hội mà chưa chú ý quyên tặng kinh phí cho việc nghiên cứu chính sách công.

 

Mục đích và nguyên tắc hoạt động
của Quỹ Think Tank Việt Nam – VTF

Việt Nam đã thoát đói nghèo, vì thế cái hiện nay rất cần là Phương pháp sản xuất có hiệu quả trên mọi lĩnh vực. Cùng với đó, rất cần một Hệ thống Triết lý, để định hướng Tư duy, giúp Chính thể và xã hội hướng tới cái tốt đẹp và trân trọng Sáng tạo. Trong sự nghiệp lớn này, các tổ chức Think Tank có vai trò rất quan trọng.

Thế nhưng ở Việt Nam theo đánh giá quốc tế, đến nay mới có 7 tổ chức Think Tank, hầu hết là Think Tank Nhà nước. Trong khi đó, Trung Quốc có hơn 2.000 Think Tank Nhà nước và 74 Think Tank độc lập. Mỹ có 1.777 Think Tank độc lập. Đó là chưa kể nếu xem tính trung lập và độc lập là các yếu tố chủ yếu quyết định sức sống và sức mạnh của các Think Tank, thì đa số các Think Tank Nhà nước vẫn thiên về tuyên truyền, giải thích hơn là phản biện hay kiến tạo Chính sách mới. Các nghiên cứu cũng thường ở việc giải quyết các nhu cầu trước mắt, ít có tầm nhìn dài hạn.

Ảnh: Phác thảo biểu tượng cho Quỹ Think Tank Việt Nam được Viện N/C – Think Tank SENA thành lập ngày 8/3/2019.

Biểu tượng gồm một hình vuông khuyết được tạo nên bởi một tổ hợp một phần các vòng tròn đồng tâm 5 màu tượng trưng cho một hệ thống Nguyên tắc mở, với đỉnh cao là Chính thể mở; 5 làn sóng màu này lan ra theo biên độ ngày càng lớn thể hiện nguồn sức mạnh bất tận của một Văn hóa mở.

Cả 5 màu này đều có trong chữ V thể hiện một Việt Nam hùng cường trong thế kỷ 21, nhờ có một Chính thể mở, một Văn hóa mở hình thành trên cơ sở Liên kết và Thống nhất 5 Giới tinh hoa và 5 Tầng lớp xã hội ở trong nước và quốc tế.

Xã hội càng phát triển, dĩ nhiên các vấn đề cần xử lý ngày càng lớn. Điều này có nghĩa, hệ thống Nghiên cứu – Tư vấn của Nhà nước sẽ buộc phải không ngừng phình to mới có thể đáp ứng được nhu cầu này. Thế nhưng điều này lại đi ngược với tính hiệu quả cũng như chủ trương tinh giản biên chế hiện tại của Nhà nước. Đó là chưa kể hệ thống Nghiên cứu – Tư vấn này khó mà không bị chi phối bởi các quan điểm của Nhà nước. Trong khi đó, sự phát triển của Thế giới và Việt Nam đang dẫn tới xu hướng tất yếu “Xã hội hóa”, tức “Chính phủ nhỏ, xã hội lớn” dần thay thế cho bộ máy nhà nước cồng kềnh kém hiệu quả.

Trang web và Quỹ Thing Tank Việt Nam được thành lập trong bối cảnh: 1) Việt Nam phải nhanh chóng thoát khỏi “Bẫy thu nhập trung bình” có nguồn gốc từ lối nghĩ Bảo thủ, e ngại Thay đổi và Áp đặt; 2) Việc xuất hiện của các tổ chức Think Tank đang là một nhu cầu xã hội mang tính phổ quát và ngày càng mạnh mẽ, dẫn đến sự hình thành và phát triển một Môi trường xã hội mới trên cơ sở tư duy Sáng tạo và Kết nối, hỗ trợ và thúc đẩy có hiệu quả các cá nhân, các tổ chức Think Tank độc lập, tiến hành các tổng kết, đề xuất các vấn đề về Lý luận, Sách lược, Giải pháp… có tính tư vấn cho Tầng lớp lãnh đạo, nhằm góp phần cùng 5 Giới tinh hoa và 5 Tầng lớp xã hội “Cùng Dẫn dắt, cùng Hành động” kiến tạo Niềm tin mới, đưa Việt Nam trở thành một Quốc gia hùng mạnh.

Trong khuôn khổ này, nếu như Trang web Think Tank Vietnam là một môi trường thúc đẩy việc “Cùng nghĩ”, thì Quỹ Think Tank Việt Nam – VTF là một môi trường thúc đẩy việc “Cùng làm”. Kinh phí của Quỹ có được từ sự hỗ trợ của Nhà nước, của các tổ chức xã hội, các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm, cũng như thông qua việc tiến hành các Dự án phát triển ví như Dự án “Công viên Văn hóa Độc lập Việt Nam”. Các hoạt động của Quỹ được tiến hành trên nguyên tắc: Quỹ và Nhà tài trợ cùng Xây dựng, cùng Quản lý, cùng Phát triển, căn cứ theo các Quy định của Luật pháp và của Quỹ.

Nguyễn Ngọc Thủy

Bình luận