Lời mở đầu
Tôi là Trần Thanh Tùng, trước đây là kỹ sư ô tô trong một đơn vị thuộc Bộ Giao thông, giờ đã nghỉ hưu; hiện ở 55 Hàm Long, Hà Nội. Vợ tôi là Dương Thị Thường cũng đã nghỉ và là thành viên Hội Cựu chiến binh phường Hàng Bài. Vợ chồng tôi có hai cháu, cháu trai là Trần Quý Nhất, hiện công tác bên Công an, cháu gái là Trần Minh Tâm, hiện làm trong một doanh nghiệp Hàn Quốc. Hai vợ chồng có một cửa hàng nhỏ bán đồ chăn ga Hàn Quốc. Có thêm chút thu nhập từ đây cộng với lương hưu, nên cũng không đến nỗi quá lo về nhu cầu vật chất.
Ảnh trên: Tác giả Trần Thanh Tùng (Ảnh chụp tháng 11/2012 để in trong cuốn “Giai đoạn mới, Chính thể mới, Văn hóa mới”) và cuốn “Giai đoạn mới, Chính thể mới, Văn hóa mới”của Viện nghiên cứu – Think Tank SENA xuất bản tháng 12/2012”. Bố tôi trước cách mạng làm trợ lý cho chủ mỏ Hòn Gai, lương cao, tính cụ phóng khoáng, thích phiêu lưu và tự do, nên bỏ đi Vân Nam làm đường sắt, sau đó tham gia kháng chiến ở Việt Bắc. Về Hà Nội, cụ xin thôi việc làm thợ cắt tóc. Bố tôi kể nhiều chuyện về kháng chiến, về Bác Hồ rất thú vị, song vì sao ông lại thôi việc để làm nghề tự do thì đến giờ tôi vẫn không thật hiểu. Mẹ tôi là một người phụ nữ hiền thục, thông minh, hết lòng vì gia đinh. Tôi nghĩ gì cụ đều đoán biết được, điều này làm tôi đôi lúc hơi ngần ngại khi gặp bà, nhất là những khi đang nghĩ chưa thật tốt đẹp. Thời Cách mạng tháng 8, mẹ tôi là nhân viên của Đông dương Học xá, bà đã lấy vải ở đây cho một sinh viên may cờ và khẩu hiệu. Người sinh viên đó là Lưu Hữu Phước, sau này là một nhạc sỹ lớn, tác giả các ca khúc gắn với những sự kiện lịch sử của dân tộc. Ông làm Bộ trưởng Bộ Thông tin Văn hóa Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam rồi Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Giáo dục của Quốc hội trước khi nghỉ hưu. Tôi thích cái đẹp sống động của đời thường, cái đẹp sâu sắc của thơ và cái đẹp sáng tạo trong công nghệ. Nhìn chung, tôi thích mình có được cuộc sống khoáng đạt, lương thiện, hạnh phúc, và như mọi người Việt Nam tôi quan niệm, chữ “mình” gồm tôi và các thành viên gia đình. Vì thế, tôi cho rằng, “Quý Nhất” là giữ được “Minh Tâm”, tức cái tâm trong sáng. Tôi đặt tên cho các con với ý nghĩa này. Tôi không quan tâm nhiều đến xã hội theo nghĩa rộng văn hóa và chính trị, cho đến khi đọc một số sách và bài viết của Minh Đường, người bạn học cũ mà tôi đã nhắc trong cuốn “Tôi chỉ có một Đảng, Đảng của Bác Hồ”. Bạn tôi có tư duy khái quát, logic và mong muốn người khác cũng như vậy. Anh luôn có các triết lý mới, khái niệm mới, ví như “Công nghệ Chiến lược”. Nhờ đó tôi rõ thêm các khái niệm đang hiện hữu, ví như “Think Tank”. Tôi đồng thuận với anh, “Thay đổi” là lẽ tự nhiên và là sự sống đích thực, Không thay đổi sẽ dẫn đến sự khổ đau, chẳng thế mà Đức Phật nói: “Sự trường thọ (sống lâu không thay đổi) cũng là một đại kiếp trong một địa ngục vô danh”. Chúng tôi có nhiều quan niệm chung, ví như cùng xem “Sứ mệnh của người Lãnh đạo và người nghệ sĩ có điểm chung, đó là làm cho cái Đẹp, vốn dĩ khó nắm bắt và chỉ tồn tại trong khoảnh khắc, trở nên tường minh và lâu dài”. Tôi cho là bạn tôi trong công việc của mình, đã vừa thấy cái đẹp lớn, lại vừa nhận biết và coi trọng cái đẹp bình dị trong cuộc sống, cũng như biết “Liên kết & Thống nhất” chúng. Ví như tối 19/11/2011 anh đến chơi, đưa tôi một tập tài liệu có tiêu đề “Việt Nam – Mùa xuân và Hy vọng”, và nói: – Tặng anh một thứ rất đẹp, riêng tiêu đề đã “Lãng mạn” rồi. – Tất nhiên rồi, mùa Xuân mà. – Chưa đủ, anh đọc cả câu đi. – Hiểu rồi, hiểu rồi, anh lấy một phần câu kết của bài hát nổi tiếng “Bài ca Hy vọng”, đó là “Mùa xuân và Hy vọng” và vì thế “Mây đen sẽ tan”. Minh Đường cười và nói với tôi: “Chuẩn như Lê Duẩn”. Tôi hiểu những gì anh gửi gắm qua mấy chữ viết đậm “Việt Nam – Mùa xuân và Hy vọng”, bởi xét cho cùng, xã hội loài người có được hôm nay là nhờ đã Ước mơ và Hy vọng. Dân tộc Việt Nam đã từ vũng lầy nô lệ, vùng đứng lên thành một dân tộc độc lập. Có được kỳ tích này là nhờ dân tộc đã cùng Bác Hồ ước mơ, hy vọng và biến đó thành sự thực. Và chắc chắn dân tộc ta sẽ lại một lần nữa lại cùng với Chính trị Hồ Chí Minh, Văn hóa Hồ Chí Minh, vượt qua các tư tưởng bảo thủ, để biến ước mơ, hy vọng của Bác Hồ và của mỗi chúng ta, đó là đưa Việt Nam “sánh vai với các cường quốc năm châu”, trở thành sự thực. Có lẽ Tổng Bí thư khóa XI cũng đồng quan điểm trên khi ông quan tâm đến dân chủ, cũng như các giải pháp xây dựng văn hóa dân chủ trong Đảng. Minh Đường đã mô tả chính xác vấn đề này trong phần “Giai đoạn mới – Văn hóa mới” của bài “Việt Nam – Mùa xuân và Hy vọng”: “Bác Hồ nói: “Các chú diễn giảng hai chữ “Dân chủ” sao mà rắc rối, dài dòng thế? “Dân chủ” thực ra có nghĩa là: Để cho dân được mở miệng, liệu có làm được không, có dám làm thế không?”. Thực hiện lời dạy của Người, trước hết phải dân chủ trong Đảng, trong lãnh đạo. Về vấn đề này, với kinh nghiệm điều hành các phiên chất vấn Quốc hội vừa qua, Tân Tổng Bí thư khóa XI chỉ rõ: “Chất vấn là một trong những hình thức đảm bảo dân chủ. Trong BCH có chủ trương thực hiện chất vấn tại các kỳ họp Trung ương. Thực tế, nếu có vấn đề gì hoặc ai có nhu cầu chất vấn thì cứ nêu ra”.
Tân Tổng Bí thư khóa XI phát biểu: “Chất vấn là một trong những hình thức đảm bảo dân chủ”; Tôi đồng thuận với tư duy phải “Đảm bảo dân chủ”, vì “Dân chủ là Chìa khóa của Thành công” và cho rằng, đất nước sẽ bứt phá khi việc đảm bảo dân chủ như Tổng Bí thư nói phải thành phổ quát không chỉ trong Ban Chấp hành, mà còn trong mọi tổ chức, trong xã hội. Tôi cũng nghĩ, Thay đổi tư duy là mục tiêu và hệ quả tất yếu của việc học tập và tu dưỡng, còn khi thế giới đã thay đổi mà vẫn bảo thủ “Kiên định” coi “Bản chất Thời đại không thay đổi”, thì xét cho cùng đó chỉ là do ít chịu học hoặc học không vào. Giờ đây quan niệm của tôi về “Quý Nhất” và “Minh Tâm” đã thay đổi. Tôi sẽ nói cho các con của tôi biết rằng, cái quý nhất là giữ cho tâm mình và tâm người khác được cùng trong sáng. Tôi thấy khi có suy nghĩ như vậy, tự nhiên thấy cuộc sống tốt đẹp hơn, ấm áp hơn rất nhiều. Từ quan niệm này, tôi nhớ lại những cảm nghĩ khi đọc lại bài “Việt Nam – Mùa xuân và Hy vọng mới” của Minh Đường. Đây có lẽ là một trong những bài có tính thời sự nhất tôi biết, bởi cuối giờ sáng ngày 19/1/2011 khi Đại hội XI bế mạc, thì đầu giờ chiều 19/1/2011, bài đã được gửi tới Tân Tổng Bí thư và Ban Chấp hành Trung ương mới Khóa XI và buổi tối cùng ngày tôi đã được đọc. Bài này gồm ba phần: Phần I. “Giai đoạn mới – Lãnh đạo mới”; Phần II. “Giai đoạn mới – Văn hóa mới”; Phần III. “Giai đoạn mới – Dấu ấn mới”. Tên hai phần đầu chắc tác giả lấy ý từ lời Bác Hồ “… Giai đoạn mới, … Chính thể mới, … Văn hóa mới”, còn tên phần III chắc mượn ý từ phát biểu của Tân Tổng Bí thư “Không muốn có dấu ấn cá nhân”. Đọc xong bài viết này, tôi đã viết bài “Đã Lắng nghe, đã Hy vọng, đã Thay đổi”. Qua đây, tôi muốn trình bày chân thực, có thể có phần thô ráp, cái suy nghĩ, nguyện vọng của tôi – một người dân bình thường, đó là mong muốn xã hội Việt Nam thoát khỏi cảnh trì trệ không đáng có, mà nguyên nhân chủ yếu là do vẫn cố bám giữ, chưa dám rời bỏ tư tưởng “Bản chất Thời đại không thay đổi”, để cùng nhân loại bước vào một thời đại mới, “Thời đại Thay đổi và Sáng tạo”. Bài “Đã Lắng nghe, đã Hy vọng, đã Thay đổi” được đăng trong cuốn “Giai đoạn mới, Chính thể mới, Văn hóa mới”. Từ đây, hôm nay tôi muốn được chia sẻ cảm nghĩ của về mối quan hệ giữa “Công nghệ Chiến lược” và “Think Tank”. |
Bàn về Công nghệ chiến lược, công nghệ cho Lãnh đạo, | |||||||||
hay Làm thế nào để gắn kết “Quyền lực” với “Tri thức”
Tôi là kỹ sư, nên xin bắt đầu bằng khái niệm “Công nghệ”. Chắc hầu như ai cũng biết, cho đến thế kỷ 20, không phải đất đai, tiền bạc mà “Trình độ công nghệ” mới quyết định “Thứ bậc quốc gia”. Thời cổ đại, người Trung Hoa đã biết sở hữu bốn công nghệ nguồn là thuốc súng, kỹ thuật in, giấy, la bàn từ, vì thế họ đã tự tin gọi đất nước của họ là Trung Quốc, nghĩa là Quốc gia trung tâm thế giới. Tôi đồng thuận với quan niệm: “Trong thế kỷ 20, chìa khóa thắng lợi là Công nghệ mới; Trong thế kỷ 21, cốt lõi của thành công là Văn hóa mới”, và cùng với văn hóa, vai trò của công nghệ với tiến bộ xã hội vẫn ngày càng lớn.
Những thuật ngữ như “Technology – Công nghệ” hay “Marketing – Tiếp thị” mới du nhập vào Việt Nam cuối thế kỷ 20, nên hiểu chúng như thế nào thì ngay trong các nhà nghiên cứu hay quản lý, đến nay vẫn còn có sự khác biệt. Dưới đây xin sử dụng những khái niệm mà bạn tôi đã trình bày trong các nghiên cứu của anh do tôi thấy chúng đơn giản, dễ hiểu. Theo đó, “Công nghệ là cách thức tạo ra một sản phẩm để xã hội sử dụng từ tri thức, cơ sở vật chất và các yếu tố khác”. Sợ nói thế vẫn còn “kinh điển”, chưa đủ để làm rõ sự khác nhau giữa “Khoa học”, “Kỹ thuật” và “Công nghệ”, còn có thể dùng các định nghĩa đơn giản hơn. Ví dụ, xét theo góc độ chuyển giao thì “Khoa học là cách tạo ra tri thức, còn Công nghệ là cách mang tri thức thông qua sản phẩm cụ thể đến cho mỗi người ”, hay xét theo góc độ kinh tế thì “Khoa học là dùng tiền để tạo ra tri thức, còn Công nghệ dùng tri thức để tạo ra tiền”,… Từ đây, dễ thấy “Công nghệ” hay “Kỹ thuật” gắn trực tiếp với “Thị trường” hay thực tế còn “Khoa học” thì không trực tiếp, hay như “Khoa học” là trả lời cho câu hỏi “Có thể làm gì?”, còn “Công nghệ” là “Làm như thế nào?”. Tôi hiểu: Xã hội phát triển chủ yếu nhờ các sản phẩm của ba loại người. Đó là: “Người Sản xuất” tức người thực hiện; “Người Quản lý” tức người giải quyết vấn đề “Làm thế nào?” và “Người Lãnh đạo” tức người ra quyết định “Đi đâu?”, “Làm gì?”. Bởi ba người này tạo ra các sản phẩm khác nhau cho nên về nguyên tắc, mỗi người sẽ cần một loại công nghệ khác nhau. Để phục vụ ba loại người trên sẽ có ba loại công nghệ khác nhau: 1. Công nghệ Kỹ thuật; 2. Công nghệ Quản lý; 3. Công nghệ Chiến lược. Tôi thấy xã hội Việt Nam hôm nay đã quen thuộc với khái niệm “Công nghệ kỹ thuật”, đã bước đầu làm quen và có ứng dụng “Công nghệ quản lý” tiên tiến, ví như việc áp dụng rộng rãi các tiêu chuẩn quản lý ISO là một ví dụ. Tuy nhiên, với khái niệm “Công nghệ Chiến lược” thì vẫn còn lạ lẫm.
|
|||||||||
|
Bình luận