Một số vấn đề của Think Tank Trung Quốc

Trung Quốc tự cho là có hơn 2.000 Think Tank (trong khi Mỹ có 1.777), nhưng báo cáo của Đại học Pennsylvania chỉ thừa nhận có 74; nghĩa là phần lớn bị người Mỹ bỏ qua. Bắc Kinh, Thượng Hải không có tên trên bản đồ Think Tank thế giới. Mặt khác, các Think Tank Trung Quốc chỉ lo nghiên cứu phát hiện và giải quyết các vấn đề trước mắt, chưa có nghiên cứu nhìn xa trông rộng, dự kiến xu hướng phát triển thời đại, chưa sánh được với các Think Tank hàng đầu trên thế giới, họ nghiên cứu cả những vấn đề sau đây 30 – 50 thậm chí 100 năm.

Số lượng của Think Tank Trung Quốc nhiều, nhưng chủ yếu là các tổ chức mang tính Think Tank, vì có 95% ăn lương nhà nước, cán bộ do nhà nước bổ nhiệm; chỉ có 5% là Think Tank đích thực, tức Thinh Tank dân lập, quy mô rất nhỏ. Think Tank dân lập lớn nhất chỉ có 20 cán bộ, kinh phí hàng năm chừng 2 triệu RMB (Nhân Dân Tệ; 1 RMB tương đương 0,147 USD). Các cơ quan nghiên cứu chính sách Trung Quốc thường bị dư luận chê trách là đưa ra dự báo sai (thí dụ dự báo giá dầu, chỉ số CPI…) và không có tiếng nói trước các vụ việc lớn (như vụ sữa giả ở Tam Lộc, Trung Quốc…), vì thế họ có ít ảnh hưởng trong dư luận

Vì phần lớn Think Tank là cơ quan nhà nước nên họ không đại diện cho trí tuệ công chúng, chỉ là các cơ quan tuyên truyền và giải thích chính sách nhà nước, rất khó đề ra các ý kiến có tính phản biện đích thực; trong khi tính trung lập và độc lập mới là các yếu tố quyết định sức sống và do đó quyết định nguồn lực của các Think Tank. 

Xã hội Trung Quốc chưa có văn hóa quyên tặng cho Think Tank, qua đó bảo đảm tính độc lập trong nghiên cứu. Các doanh nghiệp khi làm hoạt động công ích thường chỉ quyên tặng phần cứng (như xây dựng nhà làm việc) mà chưa quyên tặng kinh phí cho việc nghiên cứu chính sách công.

Khác với phương Tây, ở Trung Quốc các đại biểu Quốc hội và đại biểu Chính Hiệp (tương đương Trung ương Mặt trận Tổ quốc ở Việt Nam) đều không là người chuyên trách và không do dân bầu, vì thế Trung Quốc càng đặc biệt cần có một bên thứ 3 có tính độc lập, tính xã hội và tính trung lập về lợi ích – đó là các Think Tank dân lập, nhờ thế có thể tạo ra được sự phát triển thực sự cho đất nước.  

Muốn phát triển hệ thống Think Tank cần có 2 điều kiện khách quan: 1) Từ trên xuống dưới hình thành bầu không khí tôn trọng các quyết sách có tính độc lập và chuyên nghiệp; 2) Toàn xã hội phải có một không gian công cộng (tức dư luận) cởi mở khuyến khích nhiều người tham dự quyết sách.

Hiện nay môi trường xã hội Trung Quốc chưa thuận lợi cho việc phát triển các Think Tank dân lập. Thí dụ, các Think Tank này là tổ chức phi lợi nhuận, nhưng chính sách nhà nước lại yêu cầu họ phải đăng ký dưới hình thức doanh nghiệp kiếm lời, hoặc “núp bóng” cơ quan nhà nước nào đó. Môi trường xã hội chưa thuận lợi. Thói quen hàng nghìn năm vẫn áp đảo, cái gì cấp trên đã quyết, dù sai đi nữa, cũng rất khó góp ý sửa đổi, phản bác.

Trung Quốc đã tổ chức thành công Hội nghị thượng đỉnh Think Tank toàn cầu (Global Think Tank Summit, 2-4/7/2009 tại Bắc Kinh) có mặt lãnh đạo 30 Think Tank và nhiều học giả trên toàn thế giới. Phó Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã tới dự. 

Việc này chứng tỏ Trung Quốc đặc biệt coi trọng Think Tank. Trước đây Trung Quốc mới chỉ tập trung phát triển sức mạnh cứng, nhưng nay đã coi trọng sức mạnh mềm – sự đột phá về quan niệm tư tưởng, văn hóa giáo dục, then chốt là sự khoa học hóa, hợp lý hóa các quyết sách. Bởi vì, có nhiều Think Tank dân lập thực sự độc lập và chất lượng cao, thì chính phủ sẽ tập trung được trí tuệ của nhiều bên, nhiều người, nâng cao được tính khoa học, tính hữu hiệu và tính dân chủ của quyết sách. Trung Quốc đang xây dựng quy trình mỗi khi nhà nước cần quyết định một chính sách lớn, đầu tiên các Think Tank phải nghiên cứu và nêu đề xuất, sau đó dư luận tiến hành bàn thảo, Quốc Hội xem xét, chất vấn, cuối cùng là Chính phủ tiếp thu.

Bước phát triển đáng kể là tháng 3/2009, Thủ tướng Ôn Gia Bảo duyệt thành lập Trung tâm Giao lưu Kinh tế Quốc tế Trung Quốc (CCIEE), gồm toàn các nhân vật cấp cao. Chủ tịch Ban Chấp hành (BCH) CCIEE là nguyên Phó Thủ tướng Tăng Viêm Bồi, Ủy viên BCH gồm cấp Bộ trưởng, Thứ trưởng đương chức hoặc đã nghỉ hưu, Giám đốc ngân hàng lớn.

Trước mắt, CCIEE là một Think Tank cấp cao kiểu mới nửa nhà nước, nửa dân lập; sau này sẽ trở thành một Think Tank dân lập, tập hợp đội ngũ chuyên viên cấp cao, tiến hành các nghiên cứu dài hạn, chiến lược, toàn cục, nhằm cung cấp trợ giúp về trí tuệ cho các chính sách công, cung cấp dịch vụ tư vấn cho các vụ kinh doanh xuyên quốc gia. 

Nhà nước chỉ cấp cho CCIEE kinh phí thành lập 5 triệu RMB; còn kinh phí hoạt động phải tự lo; CCIEE sẽ áp dụng cơ chế vận hành kiểu thị trường như các Think Tank nước ngoài, không dùng tiền nhà nước, như vậy có lợi cho việc duy trì tính độc lập trong nghiên cứu. Dự kiến CCIEE sẽ dẫn đầu phong trào lập các Think Tank dân lập trong cả nước. Dĩ nhiên, quá trình này sẽ còn phải vượt qua nhiều khó khăn, nhưng đã được khởi động với quyết tâm từ cấp lãnh đạo cao nhất.

Đây là một sự kiện lớn chứng tỏ Trung Quốc đang quyết tâm đẩy mạnh tiến trình tăng cường vai trò các tổ chức dân lập trong tham dự quyết định chủ trương chính sách của nhà nước, nhằm “Khoa học hóa quyết sách” thay thế cho “Lãnh đạo hóa quyết sách”.

Bình luận