Việt Nam đã và sẽ tiếp tục mang hết sức mình “Góp phần xứng đáng vào sự nghiệp Cách mạng Thế giới”

Nói “Góp phần xứng đáng vào sự nghiệp Cách mạng Thế giới” là trách nhiệm của mỗi dân tộc, đồng nghĩa với việc trong thế kỷ 21, thế kỷ của Sáng tạo, giá trị của mỗi quốc gia sẽ được tính theo thành tựu sáng tạo mà nó cống hiến cho thế giới. Còn gì đáng buồn hơn cho một dân tộc, khi chỉ biết ăn sẵn sản phẩm được tạo ra bằng Lao động của dân tộc khác.

Tháng 12/2009, tức cách đây đúng 9 năm, Ngài Đại sứ Nhật Bản Mitsuo Sakaba đã nói với giới báo chí: “Nhật Bản cũng có vấn đề nội bộ của mình phải giải quyết, thế nhưng, chúng tôi vẫn tiếp tục tăng ODA cho một số nước, trong đó có Việt Nam. Bởi lẽ, chúng tôi hiểu rõ, kinh tế Nhật Bản và các nước phụ thuộc lẫn nhau. Nhật Bản không thể tự mình giải quyết và ra khỏi khủng hoảng. Lo cho các nước cũng là cách Nhật Bản phục hồi nền kinh tế của mình nhanh hơn. Với dân số đứng thứ 13 trên thế giới, trên phương diện đó, Việt Nam là một nước lớn. Người dân Việt Nam phải hiểu và ý thức rõ điều đóCác bạn thường nói Việt Nam là nước kém phát triển, là nước nghèo. Tuy nhiên, các bạn cần nhìn khác đi, là một nước lớn trên khía cạnh dân số, từ đó đóng vai trò lớn hơn trong khu vực và thế giới. Tôi thực sự mong muốn người Việt Nam sẽ nghĩ về vai trò của mình, vượt ra ngoài khuôn khổ biên giới quốc gia của các bạn, đóng góp cho sự phát triển của khu vực và toàn cầu.

Chính thể và người dân Việt Nam chắc chắn phải suy ngẫm rất nhiều khi đọc những dòng phát biểu tâm huyết của Ngài Đại sứ Nhật Bản. Đó là vì từ năm 1973, khi Việt Nam còn trong cuộc chiến, mặc dù là Đồng minh với Mỹ, song có thể hai Quốc gia này đã chấp thuận để Nhật Bản viện trợ tái thiết ODA cho Việt Nam. Hy vọng là số tiền bị tham nhũng, đục khoét, đã được dùng để mua nhà cho quan chức, mua xe sang cho đại gia hay chuyển sang ngân hàng nước ngoài, sẽ ít có trong số tiền viện trợ chí tình này.

Tuy nhiên, cho dù không có tham nhũng, thì vẫn còn đó ba nỗi hổ thẹn lớn. Thứ nhất là hổ thẹn với người dân Nhật, bởi họ cũng có nỗi lo, toan tính cho riêng mình, song họ đã dẹp sang một bên để giúp nhân dân Việt Nam tiến bộ. Phải chi chúng ta có tự trọng, không để đất nước gần 100 triệu dân, lại có điều kiện thiên nhiên thuận lợi hơn cả Nhật Bản, không phải ngửa tay xin nữa và được cùng với Nhật Bản giúp những nơi thực sự khó khăn.

Ảnh: Tầu cá Trung Quốc có vũ trang được tầu chuyên trách Trung Quốc hộ tống tiến sâu vào vùng biển Việt Nam.

Ngày 15/11/2018, tại hội nghị cấp cao ASEAN, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence gián tiếp cảnh báo Trung Quốc khi nói: “Chúng ta đều đồng ý rằng đế quốc và sự hung hăng không có chỗ ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Để tôi nói rõ: quan điểm của Mỹ về khu vực này không loại trừ nước nào. Nó chỉ đòi hỏi các quốc gia đối xử với các nước khác bằng sự tôn trọng, tôn trọng chủ quyền lãnh thổ của tất cả các nước và tôn trọng Luật pháp Quốc tế”.

Thứ hai là hổ thẹn với tiền nhân, bởi vì trong cuộc chiến giành Độc lập ở thế kỷ 20, cha ông ta cũng từng đi cầu viện trợ, xin từ viên đạn súng trường, đến cân gạo, đến mảnh vải, song dân tộc Việt Nam thời đó tự hào vì không xin để ăn tiêu cho mình, mà là để chiến đấu cho Độc lập của Dân tộc và sát cánh cùng Nhân loại chiến đấu cho “Lương tri của Thời đại”. Chính vì thế, Thế giới trân trọng Việt Nam vì đã là quốc gia tiên phong trong phong trào Giải phóng Dân tộc.

Thứ ba là hổ thẹn với hậu thế, bởi vì những thứ mà Việt Nam đang xây dựng để đáp ứng nhu cầu phát triển cho chính mình song được thực hiện bằng tiền bán tài nguyên thô và tiền vay nợ, cho dù chỉ phải trả với lãi suất thấp như ODA thì vẫn phải trả. Và tất cả những thứ đó đều sẽ đổ dồn lên chính hậu thế, con cháu của thế hệ này.

Chỉ có thể chấm dứt nỗi hổ thẹn kéo dài đã quá lâu này không chỉ bằng tái cấu trúc nền Kinh tế, mà là tái cấu trúc Niềm tin, để từ đó thay đổi Chính thể, nền Kinh tế và Con người.

Ngay từ đầu thế kỷ 20, nhiều người Việt Nam đã nêu vấn đề về “Niềm tin mới” của dân tộc; một trong đó là nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, tác giả vở kịch “Vũ Như Tô”. Ông nêu lên Thông điệp của giới Tinh hoa Việt Nam trước sự giản đơn trong Nhận thức người dân, sự bạo ngược, ngu dốt của kẻ cầm quyền, đã làm nhà nghệ sỹ phải sáng tạo kiệt tác “Cửu trùng đài” ở nước khác. Thông điệp của tác giả khiến độc giả phải suy ngẫm về số phận bi thảm của không ít quốc gia trên thế giới, mà nguyên nhân chỉ vì không biết nuôi dưỡng và phát huy “Niềm tin và Năng lực sáng tạo” của chính mình.

 

Ảnh: Tầu Hải cảnh Trung Quốc phun vòi rồng tấn công tầu Cảnh sát biển Việt Nam.

Ngày 18/11/2018, Tổng thống Ấn Độ Ram Nath Kovind và Phu nhân thăm Việt Nam theo lời mời của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng. Trước đó, tháng 3/2018, trong chuyến thăm Ấn Độ của Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi khẳng định nước này sẽ tiếp tục đẩy mạnh chính sách “Hành động hướng Đông” nhằm tăng cường hợp tác với khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Ông cho rằng Việt Nam có vai trò then chốt và vị trí ưu tiên trong chính sách này.

 

Năm 1831, ông Lý Văn Phức một Tinh hoa của Việt Nam được cử đi sứ Trung Quốc, tại đây ông đã tranh cãi kịch liệt với các Tinh hoa Trung Quốc về việc Việt Nam là một vùng đất “Man di” hay có “Văn hóa”, rằng Việt Nam có “Bản sắc” hay chỉ biết “Sao chép” Trung Quốc. Nhiều người Việt cho là ông Lý Văn Phức đã hành xử đúng. Song cũng có người cho đó là chuyện 4V – “vu vơ, vớ vẩn”, bởi vì từ đây mới thấy Tinh hoa Việt Nam đầu thế kỷ 19 vẫn chưa xác định được chuyện chính yếu cần làm, trong khi cùng thời, năm 1848, Nhật Bản đã có một nhà giáo, nhà canh tân trẻ Hashimoto Sanai, đã không bận tâm đến thái độ của Trung Quốc, mà tập trung tạo lập cho dân tộc Nhật Niềm tin mới của một Thời đại mới.

Mười năm sau “Luận văn về khai sáng” của Hashimoto Sanai, nhà Cách tân  Fukuzawa Yukichi thành lập Đại học Khánh ứng Nghĩa thục (Keio Gijutsu Daigaku), sau khi đại học này thành lập 10 năm, Nhật Bản canh tân (1868). Từ sau Canh tân, xứ Phù Tang, vốn cũng đã từng nhỏ bé như Việt Nam, nền văn minh cũng sinh sau đẻ muộn như ta, đã thay đổi từ chỗ là học trò của Trung Quốc để trở thành một người Thầy như họ.

Thế kỷ 19, vì trái tim lạc nhịp với nhịp điệu phát triển của thế giới, cho nên cha ông ta đã thất bại khi làn sóng thực dân sử dụng nền văn minh nhân loại, tràn đến. Giờ đây là thế kỷ 21, và làn sóng Hội nhập đang trào dâng. Việt Nam và Nhật Bản đang Hội nhập với hai tâm thế khác nhau. Người Nhật đang là một trong những lực lượng quan trọng để kiến thiết quá trình ấy, còn Việt Nam dường như đang nhìn làn sóng trào dâng của lịch sử bằng đôi mắt cảnh giác và tư thế phòng thủ kiểu “Khó lường”.

Việt Nam đến nay vẫn chưa đủ chí khí để cùng xây dựng tòa Lâu đài Hội nhập bằng năng lực của dân tộc, cũng như làm cho nhịp sống có một không hai của lịch sử này mang một phần hơi thở của Việt Nam. Hãy tự tin một chút khi nhớ lại, năm 1924 Việt Nam cũng đã có người thanh niên Nguyễn Ái Quốc, tuổi mới đôi mươi, song trong “Báo cáo về Bắc Kỳ, Trung Kỳ và Nam Kỳ” gửi Quốc tế Cộng sản, đã có những đóng góp về Nhận thức và Lý luận cho Nhân loại tiến bộ khi nhận định “Cuộc đấu tranh giai cấp ở phương Đông không giống như phương Tây”, và đề nghị: “Xem xét lại Chủ nghĩa Mác về cơ sở lịch sử của nó, củng cố nó bằng dân tộc học phương Đông”…

Cần xem Hội nhập với thế giới là đi tìm cơ hội ở phạm vi toàn cầu, nhờ chủ động kiến tạo mình thành cơ hội cho người khác. Muốn vậy, cần một “Tinh thần Hội nhập” gắn với Ý thức xây dựng Danh dự dân tộc qua đóng góp cho nhân loại. Hệ thống nhỏ Việt Nam tiến vào một hệ thống lớn là Thế giới để chủ động phát triển chính mình, và do đó, thay đổi chính thế giới.

Trong tiến trình này, Việt Nam cần một Triết lý về Văn hóa Hội nhập, bắt đầu bằng Tái cấu trúc Niềm tin để thay đổi chính mình thành một hệ thống thích ứng với thời hiện đại. Đã có một triết học về khai sáng (Philosophies of Englightment), nay tất có một “Triết học về Văn hóa Hội nhập”; Tin là Việt Nam sẽ góp phần cùng nhân loại định hình cho dòng triết học mới này.

Bình luận