An ninh Quốc phòng và Tác chiến phi đối xứng

Ngày 11/3/2019 tạp chí National Interest có bài về phát biểu của các chuyên gia Think Tank RAND trong một buổi tọa đàm về an ninh, quốc phòng: “Trong các kịch bản chiến tranh giả định của chúng tôi, Mỹ gần như thảm bại khi đối đầu với Nga và Trung Quốc”, “Các loại siêu vũ khí của chúng tôi có quá nhiều gót chân Achilles”. Các chuyên gia nói, nguyên nhân của thất bại là quân đội Mỹ hiện quá phụ thuộc vào các căn cứ quân sự và chiến hạm lớn, cũng như phải vận hành những loại máy bay chiến đấu tàng hình yêu cầu nhiều công nghệ, thiết bị hỗ trợ đi kèm. Họ cho rằng: “Các căn cứ quân sự trên đất liền và chiến hạm trên biển là những mục tiêu dễ bị tổn thương khi bị tấn công bằng tên lửa tầm xa”, “Những thứ phụ thuộc vào cơ sở hạ tầng phức tạp ở căn cứ như đường băng, kho xăng dầu cũng đứng trước thách thức rất lớn. Các mục tiêu di chuyển trên mặt biển cũng vậy”.

Vì thế, trong các tình huống giao tranh mô phỏng, quân đội Mỹ mất rất nhiều sinh mạng, vũ khí, khí tài và thường không đạt được mục tiêu ngăn cuộc tấn công của đối phương. “Không quân và hải quân Mỹ có thể trở thành nạn nhân của vũ khí siêu vượt âm như Avangard của Nga. Các hệ thống phòng thủ hiện tại của Mỹ không đủ khả năng đối phó với vũ khí có tốc độ bay nhanh gấp 20 lần vận tốc âm thanh này”, cựu Đại tướng Howard Thompson cảnh báo tại cuộc tọa đàm.

Ảnh: Tên lửa chống hạm Club-K của Nga. Hiện nay các nước trên thế giới vẫn liên tục đầu tư nghiên cứu phát triển các hệ thống vũ khí mới cho tác chiến phi đối xứng hiện đại ứng dụng khả năng tàng hình, tốc độ cao để thích nghi với tình hình mới. Tiêu biểu trong số này là hệ thống tên lửa chống hạm chứa trong container Club-K của Nga. Đây là hệ thống tên lửa chống hạm được ngụy trang trong các container hàng hóa thông thường. Club-K có thể triển khai trên các xe tải thông thường, tàu hỏa, tàu hàng thương mại rồi bất ngờ khai hỏa tiêu diệt mục tiêu.

Club-K đảm bảo được 2 yếu tố then chốt của tác chiến phi đối xứng là “bí mật” và “bất ngờ”. Việc phát hiện ra các container chứa Club-K là cực kỳ khó khăn. Nếu sử dụng các biện pháp trinh sát bằng hình ảnh, rất khó để phân biệt container chứa Club-K và container thông thường. Ngay cả trong trường hợp sử dụng các khí tài trinh sát ảnh nhiệt, nếu container chứa Club-K không di chuyển thì cũng rất khó để phát hiện ra. Sự xuất hiện của Club-K đã khiến giới quân sự phương Tây lo lắng bởi tính bí mật của nó.

Cựu Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Work thì cho rằng tên lửa đối phương cũng là mối đe dọa lớn nhất với ưu thế trên không của Mỹ trong các cuộc giao tranh quy mô lớn. Đòn tấn công tên lửa chớp nhoáng nhằm vào đường băng tại các căn cứ không quân sẽ khiến tiêm kích F-35 không thể cất cánh. “Trong mọi kịch bản mà tôi biết, tiêm kích tàng hình F-35 thống trị bầu trời khi cất cánh, nhưng nó liên tục bị tiêu diệt ngay trên đường băng với số lượng lớn”, Work nói. Gần 100.000 binh sĩ Mỹ đóng tại châu Âu cũng có thể bị máy bay chiến đấu, tên lửa hay máy bay không người lái đối phương tấn công.

Ảnh: Các vũ khí Việt Nam sở hữu rất phù hợp với tác chiến bất đối xứng.

Năng lực tác chiến trên không gian mạng của Trung Quốc cũng là mối đe dọa lớn với quân đội Mỹ. Work cho biết trong các tình huống mô phỏng tác chiến điện tử và chiến tranh mạng, đối phương thường vô hiệu hóa các hệ thống mạng của Mỹ hiệu quả đến mức không ai có thể làm gì. “Mỗi khi chúng tôi bắt đầu cuộc diễn tập giả định, kẻ địch gần như phá hủy hệ thống chỉ huy, kiểm soát của chúng tôi, khiến chúng tôi phải ngừng lại lập tức”. Work nói rằng người Trung Quốc gọi đây là “chiến tranh hủy diệt hệ thống” và họ “lên kế hoạch tấn công mạng lưới tác chiến Mỹ ở mọi tầng nấc, không ngừng nghỉ cũng như luyện tập kế hoạch này mọi lúc”.

Quân đội Mỹ gần đây nỗ lực thay đổi cấu trúc lực lượng và tái trang bị vũ khí để tập trung vào đối phó nguy cơ nổ ra chiến tranh quy mô lớn với các cường quốc, sau nhiều thập kỷ chống phiến quân ở Trung Đông. Các chuyên gia cảnh báo quân đội Mỹ có thể phải chi tới 24 tỷ USD trong những năm tới để khắc phục các “gót chân Achilles” được chỉ ra trong các tình huống chiến tranh giả định.

Tác chiến phi đối xứng, thế kỷ 20 gọi chiến tranh du kích là chiến thuật sử dụng một lực lượng quân sự nhỏ song tinh nhuệ, bí mật tiếp cận và bất ngờ tấn công vào một lực lượng quân sự lớn hơn có trang bị khí tài hiện đại hơn. Mục đích của lối đánh này là làm tiêu hao một bộ phận nhất định sinh lực của đối phương, sau đó nhanh chóng rút lui để bảo toàn lực lượng. Tác chiến phi đối xứng là bí mật và bất ngờ để cầm chân và phá hoại chiến lược của đối phương. Mặc dù tác chiến phi đối xứng không hoàn toàn làm thay đổi cán cân quân sự trên chiến trường nhưng đây là một chiến thuật rất quan trọng để chuẩn bị cho các trận đánh lớn.

Tác chiến phi đối xứng kết hợp với vũ khí công nghệ cao thậm chí còn lợi hại hơn trước rất nhiều, ngay cả trong môi trường không – hải chiến, nơi mà mọi thứ có vẻ như không thể che giấu. Ví dụ như, tiêm kích trang bị tên lửa chống hạm sẽ bay thấp dưới tầm radar rồi bất ngờ phóng tên lửa về phía mục tiêu, tàu tên lửa cao tốc dựa vào địa thế các hòn đảo nhô ra ngoài biển bất thình lình lao ra phóng tên lửa vào đội hình tàu chiến đối phương hay tàu ngầm bí mật tiếp cận để phóng ngư lôi hoặc tên lửa để tiêu diệt mục tiêu.

Ảnh: Singgapore sẽ là một trong các nước được mua F35 sớm nhất của Mỹ. Đây là một thông điệp của Mỹ gửi tới Trung Quốc.

Mặt khác, tác chiến phi đối xứng hiện đại không đơn thuần chỉ là tập kích bất ngờ mà còn đảm bảo sự hài hòa giữa “chi phí và hiệu quả”. Vũ khí công nghệ cao đi kèm với chi phí cao nhưng không phải lúc nào cũng đem lại hiệu quả cao. Không phải quốc gia nào cũng đủ khả năng để sử dụng nó một cách ồ ạt. Ngay như nước Mỹ hùng mạnh cũng đang điêu đứng vì những cuộc chiến tranh bằng vũ khí công nghệ cao suốt hơn một thập niên vừa qua tại Iraq và Afghanistan nhưng kết quả mang lại không như mong muốn. 

Tác chiến phi đối xứng hoàn toàn không lỗi thời mà còn trở nên đáng sợ hơn khi kết hợp cùng vũ khí công nghệ cao trong một chiến thuật hợp lý. Tác chiến phi đối xứng vẫn là chiến thuật tác chiến vô cùng lợi hại. Đây vẫn là chiến thuật hiệu quả cho những quốc gia có ngân sách quốc phòng hạn chế đối phó với những quốc gia có sức mạnh quân sự lớn hơn. Phát huy thế mạnh, biết khai thác điểm yếu của đối phương, sử dụng vũ khí hiện đại một cách hợp lý sẽ cho phép Việt Nam áp dụng tác chiến phi đối xứng để chống lại chiến thuật “không – hải chiến” mà đối phương áp đặt trên Biển Đông.

Trần Nguyên Vũ

Bình luận